Toàn thế giới ghi nhận gần 1,7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó gần 500.000 trường hợp tại Mỹ, hơn 102.000 người chết, và 376.000 người khỏi bệnh.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận 1.691.700 ca nhiễm bệnh Covid-19 và 102.525 ca tử vong.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 496.535 ca nhiễm bệnh Covid-19. Nước này cũng tăng thêm 1.602 người chết vì nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong lên 18.350. Wyoming là bang duy nhất tại Mỹ chưa có người chết.
Bang New York ghi nhận thêm 10.575 ca nhiễm bệnh Coivd-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 170.512, cao hơn cả vùng dịch lớn thứ hai thế giới là Tây Ban Nha với hơn 158.000 ca nhiễm. Số người từ vong vì nhiễm virus SARS-Cov-2 tại New York tăng thêm 777 người chết, giảm nhẹ so với mức tăng kỷ lục 799 hôm trước, nâng tổng số lên 7.844.
Giám đốc Viện dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci nói đường cong dịch bệnh ở Mỹ đang được làm phẳng như tại Itaiay vào khoảng một tuần trước nhờ tình hình được cải thiện ở bang New York. Tuy nhiên, ông Fauci cảnh báo Mỹ chưa đạt đỉnh dịch.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 5.051 ca nhiễm bệnh Covid-19 và 634 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 158.273 và 16.081. Nước này là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Chính phủ Tây Ban Nha đã đồng ý kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 25/4 dù tình hình dịch bệnh có nhiều tín hiệu tích cực. Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết trong khoảng hai tuần tới, ông sẽ xin ý kiến quốc hội về việc tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày.
Italia báo cáo 3.951 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 147.577, trong đó 18.849 người chết, tăng 570 ca. Cả hai mức tăng đều thấp hơn so với một ngày trước đó. Các chuyên gia nói rằng số ca nhiễm và tử vong không còn leo thang nhưng vẫn không giảm mạnh. Italy tiếp tục là vùng dịch chết chóc nhất thế giới.
Pháp - vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận tổng cộng 124.869 người nhiễm bệnh Covid-19 và 13.197 người chết, tăng lần lượt 7.120 và 987 ca so với hôm trước. Pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3, dự kiến đến 15/4. Tuy nhiên, chính quyền Pháp thông báo sẽ gia hạn phong tỏa vì biện pháp này kiềm chế dịch hiệu quả.
Trung Quốc báo cáo thêm 46 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 81.953. Theo báo cáo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), không có trường hợp nhiễm bệnh mới được báo cáo tại tỉnh Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch Covid-19. Theo NHC, Trung Quốc tăng thêm 3 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người thiệt mạng lên 3.339.
Ngày 10/4. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rủi ro nếu các nước sớm gỡ bỏ các lệnh phong tỏa hoặc giãn cách xã hội để đối phó với Covid-19.
Phát biểu trong buổi họp báo thường nhật về đại dịch Covid-19 tại Geneva- Thuỵ Sỹ ngày 11/4, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá, một vài ngày qua dịch Covid-19 đã có các dấu hiệu chậm lại tại một số nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nhất như Tây Ban Nha, Italy hay Pháp. Tuy nhiên, sẽ là rủi ro lớn nếu các nước sớm gỡ bỏ các lệnh hạn chế.
"Một số quốc gia đang lên kế hoạch cho giai đoạn chuyển đổi, gỡ bỏ các hạn chế ở lại trong nhà. Tổ chức Y tế thế giới - WHO, cũng muốn gỡ bỏ các hạn chế này như tất cả mọi người, nhưng nếu gỡ bỏ quá sớm thì có thể dẫn đến sự bùng phát trở lại chết người của dịch. Nếu không xử lý tốt thì giai đoạn dịch đi xuống cũng sẽ nguy hiểm không kém gì khi đó bùng lên” - Tổng Giám đốc WHO cho biết.
* Số ca nhiễm COVID-19 ở Nga tăng nhanh, lên gần 12.000 người
Ngày 10/4, Nga đã ghi nhận gần 1.800 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 ở nước này lên đến gần 12.000 người tại 82 vùng miền.
Đây là tốc độ tăng đáng lo ngại khi cách đây gần 1 tháng, cụ thể là vào ngày 13/3, số lượng ca nhiễm ở Nga mới chỉ có 34 người, thấp hơn số người nhiễm ở Việt Nam ở thời điểm đó là 39.
Tại Moscow, lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong ngày qua đã vượt qua con số 1.000 người. Hiện tổng số người nhiễm COVID-19 tại thành phố này đã là 7.822 ca, chiếm 2/3 cả nước. Đến nay, ở Nga đã có 795 người hồi phục và 94 ca tử vong.
Hiện Moscow xuất hiện nhiều bệnh nhân có tình trạng viêm phổi nhưng chưa rõ xét nghiệm COVID-19. Do đó, Ủy ban về kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đã đề xuất thay đổi các quy tắc nhập viện của bệnh nhân. Theo đó, nếu một người chưa có kết quả xét nghiệm COVID-19, nhưng kiểm tra bằng chụp cắt lớp hoặc X-quang cho thấy có dấu hiệu viêm phổi do virus, người đó sẽ phải nhập viện và điều trị như một bệnh nhân mắc COVID-19.
Theo các chuyên gia, đỉnh dịch COVID-19 ở Nga sẽ đến trong vòng 2 tuần tới. Từ đầu thời điểm dịch COVID-19 đến nay, Nga đã có gần 1,1 triệu xét nghiệm được tiến hành, đứng thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Đức. Hiện có hơn 170.000 người đang được giám sát y tế. Mới đây, Cơ quan giám sát quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Liên bang Nga kêu gọi người dân sử dụng khẩu trang y tế khi ra đường bởi đây là một trong những phương thức hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của virus.
(Theo kinhtedothi.vn - VTV)