Theo Bộ Y tế, đến 06 giờ sáng ngày 12/4, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 258 trường hợp, trong đó 61,6% ca bệnh là người từ nước ngoài vào, có 99 trường hợp lây nhiễm thứ phát trong nước.
Đến nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 72.508, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.198; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 17.519; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 53.791.
Sáng 12/4 chưa có ca mắc mới, Việt Nam có 110 phòng xét nghiệm Covid-19 - 1Nhấn để phóng to ảnh
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã có 144/258 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh/ra viện.
Còn 114 bệnh nhân đang điều trị, trong đó số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 13 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 12 ca.
Sáng 12/4 chưa có ca mắc mới, Việt Nam có 110 phòng xét nghiệm Covid-19 - 2Nhấn để phóng to ảnh
Về tình hình xét nghiệm, ngày 11/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xét nghiệm COVID-19.
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Y tế các tỉnh thành phố đã đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm cho phòng xét nghiệm trên địa bàn để đảm bảo có thể xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại chỗ.
Tính đến nay, cả nước đã có 110 phòng xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm Covid-19, trong đó ngành y tế có 95 phòng, các ngành khác (Nông nghiệp, Quốc phòng) có 15 phòng; 36 phòng xét nghiệm đủ năng lực khẳng định.
Để đảm bảo đầu tư cho công tác xét nghiệm đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện mua sắm, đầu tư máy móc, trang thiết bị xét nghiệm phải được cân nhắc kỹ để phù hợp với nhu cầu và hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí vì trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới như hiện nay, các máy xét nghiệm, trang thiết bị và sinh phẩm có nguồn cung ứng hạn chế và giá thành cao.
Trong giai đoạn hiện nay, các phòng xét nghiệm thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc và khẳng định SARS-CoV-2 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, không xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu.
Theo Bộ Y tế, phương pháp xét nghiệm phù hợp với điều kiện phòng chống dịch ở nước ta là sử dụng xét nghiệm RT- PCR với test kit do Học viện Quân Y sản xuất, đảm bảo khả năng cung cấp chủ động cho xét nghiệm phòng chống dịch, không phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Bộ Y tế đang thẩm định và cấp phép cho một số đơn vị đăng ký.
Việt Nam là quốc gia đứng đầu có số lượng người được xét nghiệm trên một ca dương tính. Công suất xét nghiệm đạt 27.000 mẫu/ngày.
Tính đến hết ngày 11/4, tổng số mẫu bệnh phẩm đã xét nghiệm cộng dồn là 118.807, trong đó số mẫu dương tính là 258.
Liên quan ổ dịch Hạ Lôi, Mê Linh, đến nay Hà Nội đã tiến hành khoanh vùng cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với 2.711 hộ gia đình (11.077 người), lấy 270 mẫu xét nghiệm những người có tiếp xúc gần, phát hiện 6 ca mắc Covid-19.
Bộ Y tế đã cử Tổ công tác đặc biệt về phòng chống dịch do PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, người đã có nhiều kinh nghiệm trong việc dập dịch tại xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc và ổ dịch tại Bình Thuận hỗ trợ thành phố Hà Nội dập dịch từ ngày 10/4/2020.
(Theo Dân Trí)