Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng việc dỡ bỏ quá sớm các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 có thể dẫn đến sự "hồi sinh chết người” của virus gây dịch bệnh này. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế về kinh tế và xã hội khi dịch bệnh vẫn đang bùng phát.
Trong cuộc họp báo tại Geneve hôm qua (13/4), Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, một chiến lược mới sẽ được công bố để tóm tắt những gì thế giới đã biết về virus mới này.
"Các quyết định phải căn cứ vào ưu tiên trước hết là bảo vệ sức khỏe con người, được định hướng bởi những gì chúng ta biết về virus này và cách thức nó hoạt động”, ông Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Chiến lược mới sẽ bao gồm 6 tiêu chí cho các quốc gia đang xem xét dỡ bỏ các hạn chế. Thứ 1, kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh. Thứ 2, phải đảm bảo hệ thống y tế có đủ năng lực trong phát hiện, xét nghiệm, cách ly, điều trị ca bệnh và theo dõi các trường hợp tiếp xúc. Thứ 3, phải đảm bảo kiểm soát được nguy cơ bùng phát ổ dịch trong cộng đồng, đặc biệt là ở các cơ sở y tế và viện dưỡng lão. Thứ 4, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa được áp dụng tại nơi làm việc, trường học và những nơi mà mọi người cần phải đến. Thứ 5, phải quản lý được các rủi ro xuất hiện ca mắc mới do người mắc nhập cảnh từ nước ngoài vào. Thứ 6, các cộng đồng xã hội phải được truyền thông giáo dục sức khoẻ đầy đủ, được tham gia và được trao quyền để tuân thủ theo những chuẩn mực mới.
"Mỗi quốc gia nên thực hiện một loạt các biện pháp toàn diện để làm chậm lại quá trình lây nhiễm và bảo vệ tính mạng con người, với mục đích đạt được trạng thái ổn định về lây nhiễm ở mức thấp hoặc không lây nhiễm”, ông Adhanom Ghebreyesus nói.
Trong bối cảnh một số quốc gia đang có kế hoạch dỡ bỏ yêu cầu bắt buộc người dân phải ở trong nhà, người đứng đầu WHO cảnh báo rằng, "dỡ bỏ các hạn chế quá sớm có thể dẫn đến sự hồi sinh chết người của virus SARS-CoV-2”.
"Xu hướng giảm có thể nguy hiểm như xu hướng lên nếu không được quản lý đúng đắn”, ông Adhanom Ghebreyesus nói và nhấn mạnh rằng, WHO đang làm việc với các quốc gia bị ảnh hưởng để đưa ra chiến lược cho việc nới lỏng các hạn chế một cách từ từ và an toàn.
Số ca mắc đã giảm đáng kể tại một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu như Tây Ban Nha, Italy, Đức và Pháp. Hôm qua (13/4), công nhân thuộc một số lĩnh vực không thiết yếu tại Tây Ban Nha, chủ yếu là công nghiệp và xây dựng, đã trở lại làm việc dù các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ xuất hiện làn sóng mới về số ca mắc Covid-19.
(Theo VOV)