WHO ghi nhận ngày tăng ca nhiễm nCoV kỷ lục

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/5/2020 | 9:56:52 AM

Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận 106.000 ca nhiễm mới nCoV trong 24 giờ, cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một hội nghị ở Geneva, Thuỵ Sĩ, ngày 9/3.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một hội nghị ở Geneva, Thuỵ Sĩ, ngày 9/3.

"Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi trong đại dịch này", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố hôm 20/5 tại họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ. "Trong 24 giờ qua, đã có 106.000 ca nhiễm được báo cáo cho WHO, nhiều nhất một ngày kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Gần hai phần ba trong số các ca nhiễm này do 4 quốc gia báo cáo", ông nói.

Nhà dịch tễ học của WHO Maria Van Kerkhove xác nhận với CNN qua email, rằng 4 quốc gia nói trên gồm Mỹ, Nga, Brazil và Ấn Độ.

Báo cáo 106.000 ca nhiễm trên không có nghĩa là tất cả được xét nghiệm hay thống kê trong vòng 24 giờ qua, do có sự chậm trễ tại nhiều khâu trong quy trình báo cáo. Tuy nhiên, thống kê của WHO, cơ quan của Liên Hiệp Quốc, đóng vai trò điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế, được cho là đáng tin cậy.

Theo thống kê của trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers, thế giới ghi nhận gần 87.000 ca nhiễm và hơn 4.600 ca tử vong trong 24 giờ qua. 

Tổng thống Mỹ Trump hôm 18/5 công bố thư gửi Tổng giám đốc WHO Tedros, dọa cắt vĩnh viễn ngân sách nếu cơ quan này không "cải thiện đáng kể" trong 30 ngày tới. Trump cho hay chính quyền của ông đã liên lạc với WHO về những cải cách mong muốn, song ông không nói rõ những cải cách đó là gì.

Tại cuộc họp ở Nhà Trắng trước đó một ngày, Trump chỉ trích WHO là "con rối" của Trung Quốc và chính phủ của ông đang lên kế hoạch cắt giảm tài trợ bởi "không được đối xử đúng mức", có thể giảm từ 450 triệu xuống 40 triệu.

Thư gửi WHO được Tổng thống Mỹ công bố khi tổ chức này họp trực tuyến hai ngày, tập trung vào Covid-19 và các biện pháp giảm thiệt hại do dịch bệnh. Ông Tedros hôm 19/5 cho biết ông sẽ ủng hộ cuộc điều tra độc lập về phản ứng toàn cầu đối với Covid-19.

Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19 sau khi dịch khởi phát vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc, khiến hơn 5 triệu người nhiễm, hơn 329.000 ca tử vong, và hơn hai triệu người hồi phục. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 1,6 triệu ca nhiễm, gần 95.000 ca tử vong, theo Worldometer.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.

Giọt máu khô giúp người bệnh có thể phát hiện sớm một số loại bệnh ung thư.

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát minh ra một công cụ xét nghiệm chỉ với chưa đầy 0,05 mm máu khô có thể giúp chẩn đoán ba trong số những bệnh ung thư nguy hiểm nhất đối với con người.

Nhân viên y tế kiểm tra một con rái cá chết ở bãi biển Chepeconde, Peru xem có phải do cúm gia cầm hay không

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24-4 kêu gọi tăng cường các mạng lưới phát hiện toàn cầu đối với vi rút cúm gia cầm H5N1, hiện đã lây nhiễm ở một số lượng lớn các loài động vật.

Cán bộ Trạm Y tế xã Đại Đồng, huyện Yên Bình kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại nhà.

UBND tỉnh Yên Bái vừa có Kế hoạch số 92 về xây dựng xã, phường đạt Tiêu chí quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục