Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 15,8 triệu người đã được hưởng gói 62.000 tỷ đồng

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/5/2020 | 2:27:43 PM

"Sau chưa tới 1 tháng, việc chi trả từ gói 62.000 tỷ đồng đã được thực hiện tại 63 tỉnh, thành với khoảng 15,8 triệu người được phê duyệt. Riêng lao động và hộ kinh doanh là gần 4 triệu người…”

Đây là kết quả được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo Chính phủ trong công tác triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Số liệu trên tính tới ngày 20/5.

Hơn 11,8 triệu đối tượng chính sách

Trong các nhóm người dân nhận hỗ trợ, đối tượng chính sách được triển khai sớm nhất. Đây là những người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Tổng số được phê duyệt là 11,8 triệu người với kinh phí gần 11.400 tỷ đồng. Tới 20/5, số kinh phí hỗ trợ trực tiếp đã tới trên 6,7 triệu người, đạt 59 % số đối tượng được phê duyệt.

Hơn 1.000 đơn vị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

Theo Bảo hiểm xã hội VN ngày 20/5, cả nước có 1.010 đơn vị sử dụng lao động được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với gần 94.100 lao động, kinh phí khoảng trên 360 tỷ đồng.

Về hỗ trợ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Từ ngày 1/4- 20/5, tổng số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là trên 192.000 người, tương ứng với số tiền tính theo lũy kế chi trả là gần 2.000 tỷ đồng, tăng 160 % so với cùng kỳ năm 2019. 
Về nhóm đối tượng là người lao động trong doanh nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh cá thể. Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu danh sách với 1.202 người, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh được chi trả.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có 9 địa phương đã chi hỗ trợ cho 50.335 người bán lẻ xổ số lưu động với tổng kinh phí là 45,2 tỷ đồng, gồm: TPHCM, Đắk Nông, Đắk Lắk, Tiền Giang, Bình Phước, Bình Dương, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.

Bên cạnh đó, báo cáo sơ bộ cho thấy, 6 tỉnh và thành phố đã thực hiện hỗ trợ các đối tượng mở rộng so với Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, gồm: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng. Tổng số đối tượng hỗ trợ thêm 17.800 người với kinh phí thực hiện khoảng 19,1 tỷ đồng.

Các đối tượng được chi hỗ trợ mở rộng, gồm: Người có công, đối tượng bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập, gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng; hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng người khuyết tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, giáo viên, nhân viên trường mầm non, phổ thông ngoài công lập…

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng tới thời điểm ngày 20/5 là khoảng 17,5 ngàn tỷ đồng, chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng.

Kinh phí không vượt mức chi

Đánh giá của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các Bộ, ngành và địa phương nhìn chung đã quán triệt sâu sắc và tập trung hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

"Gói hỗ trợ của Chính phủ nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhân dân cả nước, người dân phấn khởi đón nhận. Đến nay các chính sách được triển khai kịp thời, công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức đoàn thể và nhân dân” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, giữa các cơ quan chuyên môn ở các cấp địa phương và Trung ương thường xuyên trao đổi, phối hợp để giải đáp, hướng dẫn. Các kiến nghị, thắc mắc trực tiếp của người dân, doanh nghiệp tới Tổng đài 111 cũng như đường dây nóng của Bộ cũng được trao đổi, giải đáp kịp thời.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dự kiến, số kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 sẽ không vượt chi, nhất là ngân sách Trung ương, trong số liệu tổng kinh phí đã được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
Các địa phương bám sát vào mục tiêu, nguyên tắc của Nghị quyết 42 là hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ cho một số đối tượng chính sách.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Đến nay chưa phát hiện các trường hợp lợi dụng, trục lợi chính sách. Về cơ bản, 4 nhóm đối tượng chính sách là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được thụ hưởng chính sách”.

Bộ LĐ-TB&XH cũng ghi nhận một số địa phương trong quá trình triển khai có cách làm sáng tạo, rà soát đối tượng không để trùng lặp chính sách như tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bình Định xây dựng phần mềm riêng để quản lý dữ liệu và lọc đối tượng tránh trùng lặp, phê duyệt danh sách theo từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố khi đủ điều kiện.

Tại các địa phương, nhiều tấm gương sáng, tự nguyện nhường phần hỗ trợ cho ngươi khác còn khó khăn hơn, như: 17 hộ nghèo, cận nghèo ở xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; 2 người cao tuổi tại Vĩnh Phúc; 1 hộ cận nghèo với 4 khẩu tại huyện Ứng Hoà (Hà Nội)...

Chưa nhiều doanh nghiệp vay trả lương cho lao động

Lý giải điều này, theo Bộ LĐ-TB&XH, một phần do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã bắt đầu quay trở lại làm việc, các doanh nghiệp còn tích lũy kinh phí để trả lương. Mặt khác, việc phải chứng minh tài chính ở chừng mực nào đó khiến cho doanh nghiệp e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh nên chưa chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị vay vốn để trả lương cho người lao động và xác nhận các chế độ hỗ trợ khác cho người lao động.

(Theo Dân Trí)

Các tin khác
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một hội nghị ở Geneva, Thuỵ Sĩ, ngày 9/3.

Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận 106.000 ca nhiễm mới nCoV trong 24 giờ, cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện.

Nga đang tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan tại khu vực biên giới.

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 21/5 (giờ Việt Nam), đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đã lan sang 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 5.078.237 ca lây nhiễm, trong đó 329.132 ca tử vong và 2.019.223 ca phục hồi.

Số người phải cách ly theo dõi sức khỏe ở Việt Nam đang giảm dần

Chiều tối 20-5, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước không ghi nhận người mắc mới dịch Covid-19 và là ngày thứ 34 liên tiếp, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Khu vực cách ly tập trung tại Trung đoàn 121, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. (Ảnh: Minh Huyền)

Sở Y tế tỉnh Yên Bái vừa ban hành Văn bản 559/SYT-NVY gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành, đoàn thể; Ban quản lý các khu công nghiệp hướng dẫn phòng chống COVID-19 đối với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ và các chuyên gia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục