Dịch Covid-19 tại châu Âu tăng nhanh cùng các đợt lạnh

  • Cập nhật: Thứ bảy, 24/10/2020 | 8:20:07 AM

Tính đến 6h ngày 24-10, toàn thế giới ghi nhận 42.441.386 trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 1.148.515 ca tử vong.

Pháp ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trong những ngày qua.
Pháp ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trong những ngày qua.

Châu Âu

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại châu Âu khi Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo mức độ lây lan vi rút SARS-CoV-2 tại Anh và 23 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) (trừ Cộng hoà Síp, Estonia, Phần Lan và Hy Lạp) vẫn rất "đáng quan ngại". Trước đó 1 tháng, danh sách này chỉ có 7 nước.

ECDC cho biết, số ca mắc Covid-19 tại nhiều nước châu Âu đã tăng dần từ tháng 8 vừa qua và tăng rõ rệt trong những tuần gần đây. Tình hình này đòi hỏi các nước phải có hành động cấp thiết, trong đó có việc giãn cách xã hội, hạn chế số người tụ tập, rửa tay và khuyến khích đeo khẩu trang.

Trong khi đó, cố vấn khoa học của Chính phủ Pháp Arnaud Fontanet cảnh báo, vi rút SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ nhanh hơn so với đợt bùng phát đầu tiên vào đầu năm nay. Đợt lạnh trong tháng 9 đã khiến vi rút nhanh chóng lây lan khắp châu Âu do mọi người có xu hướng ở trong các không gian kín nhiều hơn. Ông cho rằng, cuộc chiến chống dịch bệnh sẽ là "một cuộc đua marathon" do các bệnh viện và nhân viên y tế có thể lại rơi vào tình trạng khủng hoảng như giai đoạn đỉnh dịch từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 năm nay.

Người đứng đầu hệ thống các bệnh viện công ở thủ đô Paris (AP-HP), ông Martin Hirsch, cảnh báo làn sóng dịch bệnh thứ hai có thể nghiêm trọng hơn đợt một. Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân phải điều trị tích cực tại các bệnh viện của AP-HP hiện là 62 tuổi. Theo ông, số ca nhiễm trên thực tế có thể cao hơn con số chính thức, do những người không có biểu hiện không được xét nghiệm.

Lời cảnh báo trên được đưa ra một ngày sau khi Pháp thông báo ghi nhận 41.622 ca mắc mới, mức cao nhất theo ngày, đưa tổng số ca mắc lên 999.043 ca, trong đó có 34.210 trường hợp tử vong. Pháp đã tăng cường các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh, như mở rộng lệnh giới nghiêm đối với 2/3 dân số, thay vì chỉ áp dụng tại 9 thành phố, trong đó có thủ đô Paris.

Nhiều nước châu Âu khác, trong đó có Nga, Ukraine, Ba Lan, Romania, Slovakia, Thụy Sĩ đều ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong 1 ngày. Cụ thể, Nga có 17.340 ca mắc mới, Ba Lan với 13.632 ca, Ukraine là 7.517 ca, Romania có 5.028 ca và Slovakia có 2.581 ca. Thụy Sĩ cũng ghi nhận thêm 6.634 ca mắc Covid-19, đưa tổng số người mắc lên 103.653 ca.

Trước tình hình trên, Chính phủ Anh đã quyết định áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất tại nhiều khu vực của nước này nhằm khống chế sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2, bắt đầu từ cuối tuần này. Trong khi đó, Bỉ và Ba Lan cũng siết chặt hơn các biện pháp chống dịch. Chính quyền vùng Madrid của Tây Ban Nha đã ban hành lệnh cấm các hộ gia đình khác nhau tụ tập trong không gian kín từ 0h đến 6h sáng, đồng thời quyết định giảm 50% số lượng người ăn, uống tại các nhà hàng, quán bar.

Ngày 23-10, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết, nước này sẽ có vắc xin phòng Covid-19 vào đầu năm 2021, bác bỏ những thông tin trước đó cho rằng Đức sẽ có vắc xin vào cuối năm nay.

Châu Á

Không chỉ châu Âu, tình hình dịch Covid-19 tại một số nước châu Á cũng đang diễn biến phức tạp.

Trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 10 ca tử vong do Covid-19, mức cao nhất trong 1 ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này. Số ca mắc mới cũng tăng thêm 710 trường hợp, trong đó bang Sabah tiếp tục đứng đầu với 528 ca.

Trong khi đó, Myanmar cho biết, tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này đã tăng lên 41.008 trường hợp với 1.312 ca mắc mới. Số ca tử vong cũng tăng 33 người, lên tổng cộng 1.005 ca.

Hàn Quốc ghi nhận thêm 155 ca mắc mới, trong đó có 138 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ hai liên tiếp, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới trên 100 ca, đồng thời đánh dấu số ca mắc mới theo ngày cao nhất kể từ ngày 11-9 (với 176 ca). Ngày 23-10 cũng đánh dấu số ca lây nhiễm mới trong cộng đồng tại Hàn Quốc tăng cao nhất kể từ ngày 17-9 (với 145 ca), tập trung tại ổ dịch ở các bệnh viện và trung tâm dưỡng lão.

Hàn Quốc thông báo sẽ tiếp tục sử dụng thuốc remdesivir cho bệnh nhân mắc Covid-19 ở nước này, trong bối cảnh hiệu quả của loại thuốc kháng vi rút này vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.

Châu Mỹ

Thủ tướng Peru Walter Martos thông báo, công ty dược Sinopharm của Trung Quốc sẽ cung cấp vắc xin ngừa Covid-19 cho 10 triệu người dân Peru và dự kiến sẽ giao hàng vào quý I-2021.

Hãng công nghệ sinh học Mỹ Moderna cũng thông báo chiến lược đa dạng hóa đối tượng thử nghiệm vắc xin của hãng, nhằm đưa thêm nhiều người thuộc nhóm dễ lây nhiễm tham gia thử nghiệm. Theo đó, Moderna đã đăng ký cho 30.000 người tham gia thử nghiệm vắc xin giai đoạn 3, bao gồm hơn 25.000 người đã được tiêm liều vắc xin thứ hai, 4 tuần sau khi tiêm liều thứ nhất. Trong tổng số người tham gia, có hơn 7.000 người trên 65 tuổi và hơn 5.000 người dưới 65 tuổi mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, béo phì thể nặng và bệnh tim. Hãng hy vọng sẽ thu thập đầy đủ kết quả lâm sàng vào cuối tháng 11, sau đó nộp đơn xin cấp phép khẩn cấp lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).

(Theo HNMO)

Các tin khác
Cán bộ Trạm Y tế xã Đại Đồng, huyện Yên Bình kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại nhà.

UBND tỉnh Yên Bái vừa có Kế hoạch số 92 về xây dựng xã, phường đạt Tiêu chí quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Ảnh minh họa về u não.

3 loại hợp chất - axit hydroxamic 2-aryl-2-(3-indolyl), theo các nhà nghiên cứu, có “khả năng đặc biệt biến đổi tế bào ung thư trong mô khỏe mạnh của con người”.

Ứng trực cấp cứu người bệnh trong các tình huống.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu tai nạn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Các chuyên gia đã phát hiện nồng độ vi rút cúm gia cầm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19-4 thông báo đã phát hiện vi rút cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ vi rút này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục