Theo đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế và các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện đồng loạt, đồng bộ, từ ngày 3/2, tất cả người dân trên địa bàn tỉnh phải khai báo y tế để lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe cho người dân một cách có hệ thống.
Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo các phòng Y tế huy động các cơ sở y tế trên địa bàn như: bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, cơ sở y tế tư nhân phối hợp tổ chức rà soát, kiểm tra sức khoẻ, đo thân nhiệt để lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khoẻ đối với 100% người dân đang cư trú trên địa bàn; huy động lực lượng thanh niên, giáo viên... hỗ trợ ngành y tế cập nhật số liệu.
Các lực lượng công an các xã, phường, thị trấn phối hợp với trạm y tế tăng cường thực hiện quản lý chặt chẽ, biến động nhân khẩu và yêu cầu khai báo y tế đối với tất cả những trường hợp người tạm trú, vãng lai, người từ nơi khác mới đến địa phương; những người đến từ/đi qua các vùng có dịch kể từ ngày 15/1/2021.
Hoàn thành việc lập hồ sơ khai báo sức khỏe toàn dân trước ngày 9/2 tới. Bí thư, Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện và hằng ngày nắm chắc tình hình, tiến độ khai báo sức khỏe toàn dân.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường hoạt động của các tổ tự quản phòng, chống dịch tại các tổ dân, thôn, khu phố. Mỗi tổ từ 2-3 người là cán bộ tổ, thôn, khối phố, các đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư. Mỗi tổ phụ trách từ 40-50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể đến từng tổ. Hàng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà.
Thực hiện tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định tại từng hộ gia đình. Yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, tự đo thân nhiệt hàng ngày cho các thành viên trong hộ gia đình.
Cung cấp số điện thoại và yêu cầu người dân chủ động khai báo y tế ngay khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện sốt, ho, ốm hoặc các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.
Hỗ trợ chính quyền thực hiện việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe toàn dân; hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc COVID-19 phát hiện được tại các hộ gia đình như: sốt; ho; đau họng; cảm cúm; ốm mệt; viêm đường hô hấp... để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời.
Phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế; không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế truy vết F1, F2 khi có ca bệnh liên quan ở địa bàn phụ trách. Thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã, phường phân công. Ngành Y tế huy động lực lượng của ngành, người có chuyên môn y tế (kể cả người đã về hưu) ở tất cả các tuyến hỗ trợ cho các địa phương hoàn thành công tác rà soát khai báo y tế đúng thời gian yêu cầu.
Tính đến 17h00 ngày 2/2, riêng trên địa bàn thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận 15 ca mắc COVID-19, ngoài ra còn có 35 ca mắc COVID-19 khác là người Đông Triều được phát hiện tại các tỉnh, thành phố khác. Tất cả các ca này đều được xác định liên quan tới ổ dịch tại TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Các trường hợp F1 đã xuất hiện ở 20/21 xã, phường thị trấn, còn F2 cũng xuất hiện tại 21 xã, thị trấn của Đông Triều.
Hiện, thị xã đã thực hiện phong tỏa và tạm thời phong tỏa cách ly y tế đối với 14/21 xã, phường.
Tính từ ngày 27/1 đến ngày 2/2, Quảng Ninh đã có 38 trường hợp dương tính với COVID-19. Trong đó, 2 trường hợp đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh; 19 trường hợp đang cách ly điều trị tại Bệnh viện số 2; 14 trường hợp đang cách ly điều trị tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Uông Bí; 1 trường hợp cách ly tại Bệnh viện Sản Nhi; 2 trường hợp đang chuyển đến cơ sở y tế để điều trị.
(Theo chinhphu.vn)