Tại một cuộc họp trực tuyến ngày 17-2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới xây dựng một kế hoạch toàn cầu về tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, đồng thời đề xuất Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dẫn dắt nỗ lực này.
Quan chức Liên hợp quốc cũng cảnh báo, đến nay chỉ có 10 nước tiêm được 75% số liều vắc xin ngừa Covid-19 trong khi 130 nước và vùng lãnh thổ chưa triển khai chương trình tiêm chủng. Vấn đề phân phối công bằng vắc xin ngừa Covid-19 hiện đang là phép thử về đạo đức lớn nhất mà cộng đồng quốc tế đối mặt.
Châu Mỹ
Theo số liệu của trang worldometers, đã có hơn nửa triệu người tử vong do Covid-19 tại Mỹ, chiếm hơn 20% số ca tử vong toàn cầu. Dự báo tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố hôm 17-2 cho thấy, sẽ có từ 530.000 đến 559.000 ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ tính đến ngày 13-3.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo tăng cường tài trợ liên bang để mở rộng việc xét nghiệm Covid-19 và chuẩn bị tốt hơn cho các mối đe dọa từ các biến chủng mới. Cơ quan Dịch vụ Y tế và Nhân sinh sẽ thành lập trung tâm điều phối khu vực để tổ chức phân phối vật tư xét nghiệm và hợp tác với các phòng thí nghiệm trên toàn quốc, bao gồm các trường đại học và các phòng thí nghiệm thương mại, để thu thập mẫu, thực hiện xét nghiệm và báo cáo kết quả cho các cơ quan y tế công cộng liên quan.
Châu Âu
Ngày 17-2, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã đạt thỏa thuận mua thêm 150 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Moderna (Mỹ) trong năm nay, tăng gần gấp đôi số liều mà EC đăng ký mua từ hãng này cho năm 2021.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, thỏa thuận này giúp Liên minh châu Âu (EU) tiến gần tới mục tiêu bảo đảm toàn bộ người dân của khối được tiếp cận càng sớm càng tốt với các loại vắc xin ngừa Covid-19 an toàn và hiệu quả.
Ngày 17-2, cảnh sát Tây Ban Nha cho biết giới chức nước này đã thu giữ khoảng 4 triệu khẩu trang y tế giả tại một khách sạn trong quá trình truy quét nhóm tụ tập đông người trái phép bất chấp các quy định hạn chế nhằm phòng, chống đại dịch Covid-19. Số khẩu trang này được để tại tầng trệt và nhà kho của khách sạn và chuẩn bị được chuyển đi với mác khẩu trang kháng khuẩn cao.
Cũng trong ngày 17-2, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết sự nguy hiểm của biến chủng Covid-19 mới là lý do chính để nước này duy trì lệnh phong tỏa, dù số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm trong những tuần qua. Theo Bộ trưởng J.Spahn, 2 tuần trước, tỷ lệ nhiễm biến chủng B.1.1.7 lần đầu được phát hiện tại Anh chỉ chiếm 6% số ca mắc mới ở Đức. Tuy nhiên, biến chủng này đã lây lan nhanh chóng và hiện chiếm tới 22% số ca mắc mới ở nước này.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski cho biết nếu tình hình diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn, số ca mắc mới Covid-19 hằng ngày ở nước này có thể sẽ ở mức trung bình mỗi tuần khoảng 8.000 - 10.000 ca. Trong ngắn hạn, các mô hình dự báo cho thấy nước này sẽ ứng phó được với sự gia tăng số ca mắc mới trong tháng 3 tới.
Châu Á
Ngày 17-2, Ấn Độ tuyên bố sẽ cung cấp vắc xin ngừa Covid-19 cho tất cả các nhân viên thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tức là gần 95.000 binh sĩ thuộc 12 phái bộ trên khắp thế giới.
Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về đại dịch Covid-19 và các khu vực xung đột, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar khẳng định: "Chúng tôi muốn dành tặng món quà là 200.000 liều vắc xin cho những nhân viên thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình đang hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay”.
Châu Phi
Ngày 17-2, Nam Phi đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 bằng vắc xin của hãng Johnson&Johnson (Mỹ).
Trước đó, nước này đã ngừng chương trình tiêm chủng bằng vắc xin của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) và Đại học Oxford (Anh) bào chế do lo ngại vắc xin này không phòng, chống được biến chủng của vi rút SARS-CoV-2. Trong khi đó, vắc xin của Johnson&Johnson đã chứng minh hiệu quả phòng ngừa 57% đối với biến chủng phát hiện tại Nam Phi.
(Theo HNMO)