Tối 31-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố quyết định áp đặt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất trên toàn quốc, đồng thời đóng cửa tất cả trường học trong ba tuần.
Sau hai tuần áp đặt các biện pháp hạn chế cao nhất tại 19 tỉnh, dịch bệnh vẫn diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Tỷ lệ nhiễm bệnh cũng như số ca nhập viện, nhất là ca hồi sức cấp cứu tăng đột biến trong những ngày gần đây, vượt mức đỉnh dịch thứ hai trong tháng 11-2020.
So với các nước chung quanh, Pháp bị ảnh hưởng nặng nề nhất, buộc Tổng thống Pháp phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp trong tối 30-3 để xem xét tình hình và đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiềm chế đà lây nhiễm có hiệu lực từ ngày 3-4 đến 2-5. Ngay trước giờ thông báo quyết định mới, Pháp ghi nhận gần 60 nghìn ca nhiễm mới.
Liên tục trong nhiều ngày qua, nhiều bác sĩ cùng với đại diện các đảng phái đối lập đã thúc giục Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt nhất để tránh nguy cơ mất kiểm soát đối với bệnh dịch. Thậm chí, bác sĩ ở các bệnh việc thuộc vùng báo động đỏ, nhất là ở vùng thủ đô, đã cảnh báo khả năng phải phải "sàng lọc" bệnh nhân vì không có đủ giường bệnh.
Tổng thống Emmanuel Marcon nói: "Chúng ta đang phải chạy đua với thời gian chống dịch Covid-19. Các biến thể mới không chỉ lây lan rất nhanh mà còn rất nguy hiểm”.
Theo quyết định của Tổng thống, tất cả trường học từ nhà trẻ đến cấp ba bị đóng cửa trong vòng ba tuần từ ngày 2-4 tới 26-4. Học sinh cấp 2 và 3 học từ xa cho tới ngày 4-5. Việc di chuyển liên vùng bị cấm từ ngày 5-4 trừ trường hợp khẩn cấp.
Theo Bộ Kinh tế Pháp, các biện pháp hạn chế vừa được công bố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh vì số doanh nghiệp phải đóng cửa sẽ tăng từ 90 nghìn lên 150 nghìn. Hỗ trợ của Nhà nước sẽ lên tới 11 tỷ euro/tháng, gồm các khoản trợ cấp thất nghiệm tạm thời và miễn giảm các khoản đóng góp xã hội.
Tổng thống Pháp cho biết, chiến dịch tiêm chủng sẽ được tăng cường với việc huy động 250 nghìn nhân viên y tế trong tháng 4 để có thể đạt tỷ lệ miễn dịch cao như ở Anh. Tính tới ngày 31-3, mới có hơn 8 triệu người được tiêm phòng.
Một số nước châu Âu cũng vừa tăng cường biện pháp chống dịch và kiểm soát đi lại. Italy thông báo quy định xét nghiệm Covid-19 bắt buộc đối với những người đến từ các nước EU và phải cách ly 5 ngày. Đây là biện pháp vẫn được áp dụng đối với những người đến từ các nước ngoài khu vực EU.
Đức cũng sẽ gia tăng kiểm soát các biên giới trên bộ, nhất là với Pháp, Đan Mạch và Ba Lan. Những ai nhập cảnh vào Đức mà không có kết quả xét nghiệm Covid âm tính sẽ bị phạt và bị cách ly từ 5 đến 10 ngày.
Còn Tây Ban Nha thì sẽ yêu cầu những người đi xe ô-tô vào nước này trình kết quả xét nghiệm Covid âm tính dưới 72 tiếng. Chính phủ nước này cũng bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ra ngoài trên phạm vi toàn quốc.
(Theo Nhân Dân)