Yên Bái: Xúc động dòng nhật ký của cô gái trong khu cách ly

  • Cập nhật: Chủ nhật, 16/5/2021 | 12:59:46 PM

YênBái - "Các anh là bộ đội, không phải đầu bếp. Nhiều khi ở nhà còn chưa bao giờ phải vào bếp nhưng vì dịch bệnh, vì trách nhiệm và nghĩa vụ, các anh đã cố gắng rất nhiều... Mình được ngủ, nghỉ nhưng các anh chị thì không. 21 ngày cách ly xong mình được về; nhưng các chị, nếu có thêm ca mới vào, các chị lại thêm 21 ngày nữa. Mình có con nhỏ, nhớ nhà, nhớ con; các anh chị cũng thế. Mình nhìn thấy ngày về, các anh chị thì không...". Một cách không như chờ đợi, 21 ngày trong khu cách ly, Thảo đã được trải nghiệm những ngày “sống chậm”, "sống khác" thật nhiều ý nghĩa!

Những hình ảnh được những người cách ly chụp tại một khu cách ly tập trung của tỉnh Yên Bái.
Những hình ảnh được những người cách ly chụp tại một khu cách ly tập trung của tỉnh Yên Bái.

"Vào đây 10 ngày thấy được mọi người hỏi thăm động viên mới chợt nhớ ra rằng quanh mình vẫn còn bao nhiêu người quan tâm đến mình, chỉ vì guồng quay của công việc mà ta quên mất nhau”… 

Tôi bắt đầu bài viết khi đọc những dòng nhật ký này của bạn Thảo với nickname Thao Thu Vu đang thực hiện cách ly trong khu cách ly tập trung Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Trấn Yên. Với Thảo và những người đang sống trong khu cách ly,  đây thực sự là những trải nghiệm không bao giờ có thể quên... 

"Sau 1 ngày biết tin em cách ly tại nhà, 1h30 sáng 4/5/2020, em cùng mọi người đã đến khu cách ly tập trung tại Trường nội trú Trấn Yên an toàn dưới sự bảo vệ của Đảng, Nhà nước và các anh chị y bác sỹ , công an .. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, chúng em được sắp xếp chia phòng, 3 người 1 phòng. Phòng, các anh chị đã chuẩn bị chậu, xà phòng, dầu gội, bàn chải, kem đánh răng (đồ mới hết nhé). 6h sáng, các anh chị đưa đồ ăn sáng. 6h30 đo thân nhiệt” - Thảo chia sẻ về lịch trình ngày đầu như thế.

Những giá trị cuộc sống thật nhiều ý nghĩa, như xưa nay vốn thế, nhưng cuộc sống bình an, tự do thoải mái và nhiều mối quan tâm bận rộn thường nhật đã khiến Thảo hay bất cứ ai đều vô tình có thể lãng quên, có thể không quan tâm, có thể không nhận ra… Chỉ khi có "tình  huống" đến với mình, có cơ hội cảm nhận, để tĩnh lặng, để lắng nghe con tim mách bảo, họ mới thấy rõ lâu nay mình đã vô tình, và mình là người "có lỗi":

"Thực ra bản thân em cũng rất hoang mang và lo sợ, em sợ hơn bất cứ ai khác nên hiểu được cảm giác của mọi người, nhưng mong mọi người hãy hiểu cho chúng em. Nếu được chọn được biết trước, đoán được chúng em đã không ra nông nỗi này. Nên mọi người trách móc song hãy hiểu cho chúng em , vì không biết nên chúng em đã áy náy, cảm thấy có lỗi và khổ tâm lắm rồi vì đã tiếp xúc với nhiều người và chủ yếu người nhà. Người thân, nếu em biết được, nếu em cố ý, em đã không ở gần bố mẹ, con cái, toàn người thân với mình, trong 1 ngày đó rồi". 




Những dòng nhật ký đẫm nước mắt của Thảo tại khu cách ly khi nghĩ về gia đình 

Thảo là người phụ nữ có chồng và 3 con nhỏ. Những ngày phải đi cách ly với cô, đó quả là một điều không hề nghĩ tới và tình cảm gia đình thật là quý giá: 

 "10 hôm ở trong này, em quen được, thích nghi được nhưng duy nhất có một điều càng ở lâu thì càng nhớ, đó là NHỚ CON". 

Nên Thảo càng cảm thấy bất an khi phải xa con, xa gia đình, sống ở một nơi hoàn toàn mới với những người xa lạ. Mọi sinh hoạt đảo lộn, giờ giấc theo kỷ luật là điều đưa cô và mọi người trong khu cách ly đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đó là cảm giác vừa sợ hãi, vừa lo lắng, hoảng hốt vừa thương, vừa nhớ...

"Vào đây mới thấy được sức khỏe nó quan trọng đến thế nào, cái điều này trước đây em chưa nghĩ đến mà chỉ biết cố gắng hết sức, lạm dụng sức khỏe để kiếm tiền, nhưng vào đây rồi mới biết đến câu "Tiền nhiều để làm gì ?".Tiền nhiều chả để làm gì khi không có sức khỏe và tình cảm. Vào đây mới biết quý giá những ngày tháng được vui vẻ bên nhau, quan tâm, động viên, biết nhẫn nại, kiên trì, biết lắng nghe, thấu hiểu và thông cảm. Biết được cảm giác thế nào là thiếu thốn, thế nào là vất vả”.

Không chỉ riêng Thảo có suy nghĩ vậy mà những người đi cách ly như cô đều có chung cảm giác. Song chính những công việc hàng ngày của đội ngũ y, bác sỹ, chiến sỹ, trong vai "người phục vụ" ở khu cách ly, đã cảm hóa họ. Những hy sinh thầm lặng, những giọt mồ hôi chưa rơi đã ướt đẫm tấm áo choàng, những mệnh lệnh từ con tim không ngừng nghỉ… đã hòa dòng cảm xúc mãnh liệt từ trái tim đến trái tim.

"Các bạn đi cách ly tập trung, cách ly tại nhà, và những người dân có liên quan. Mọi người ơi, biết dịch bệnh là không ai mong muốn, là thiệt thòi, là sợ, là ảnh hưởng đến kinh tế, và nhiều cái khác nữa. Nhưng mọi người vất vả thiệt thòi 1 thì ngoài kia các y bác sỹ, công an ,dân quân, bộ đội họ khổ và thiệt thòi hơn rất nhiều chúng ta. 8 ngày em ở trong khu cách ly em thấy. Ngày đêm họ vất vả trực, dọn dẹp, chuẩn bị, có thể nói suốt ngày đêm…” - Thảo viết.



Công việc của những người chiến sỹ chống dịch tại khu cách ly được Thảo chụp lại

Những đêm không ngủ vì nhớ con, nhớ nhà. Những lúc yếu mềm. Những lúc bình an và cả những khát khao mong đến ngày trở về khiến Thảo thao thức. Cô thức cùng đêm. Cô nhìn thấy tất cả. Từ những bức xúc ban đầu đến những cử chỉ, quan tâm của đội ngũ cán bộ ở đây đã làm cô thấu hiểu, tim cô lại run lên thấu cảm bằng những dòng chân thực nhất về công việc, sự hy sinh quên mình của những cán bộ, chiến sĩ, cán bộ y tế, cả "anh camera" không thấy mặt trong khu cách ly vì sự bình yên cho tất cả:

"Canh gác ngoài cổng có công an và y tế, các anh chị trực thay ca 24/24 canh gác để mọi người không ra vào và kiểm tra đồ tiếp tế, một số đồ không được gửi vào, nhưng mọi người hãy thông cảm và hiểu cho họ, họ cũng không muốn thế đâu nhưng đây là nhiệm vụ của họ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chính chúng ta và mọi người. Các anh trong bếp, ngày đêm tất bật chuẩn bị mấy trăm suất ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mấy ngày đầu em cũng đòi hỏi lắm (cứ nghĩ đây là đang đi nghỉ dưỡng). Cơm có đôi lúc bị cứng, bị mềm, canh sẽ có hôm nhạt, đồ ăn có thể có người không ăn được cái này, không ăn được cái kia. Nhưng mong mọi người hãy cố gắng và hiểu cho các anh ý. Các anh là bộ đội, không phải đầu bếp. Nhiều khi ở nhà còn chưa bao giờ phải vào bếp nhưng vì dịch bệnh, vì trách nhiệm và nghĩa vụ, các anh đã cố gắng rất nhiều. Thực đơn hàng ngày em cũng có hỏi nhưng thực đơn ăn gì, như thế nào là do bên trên đưa xuống, các anh bên bếp cũng không thay đổi được (hy vọng sau lần này về, các anh sẽ được 1 khóa huấn luyện đầu bếp). 

Các anh chị y bác sỹ ngày đêm dù trời nắng hay mưa, dù ngày hay đêm vẫn phải mặc trên mình bộ quần áo bảo hộ. Mọi người thử nghĩ xem bình thường chúng ta mặc bộ áo mưa 1,2 tiếng đã bí, khó chịu lắm rồi, đây anh chị ý mặc 24/24. Ngày nào cũng trực, cũng kiểm tra, tỷ lệ tiếp xúc cùng F nhiều hơn, các chị cũng bị cách ly và ăn uống như chúng ta. Nhưng vất vả hơn mình rất nhiều. Mình được ngủ nghỉ nhưng các anh chị thì không. 21 ngày cách ly xong mình được về, nhưng các chị nếu có thêm ca mới vào, các chị lại thêm 21 ngày nữa. 

Mình có con nhỏ, nhớ nhà, nhớ con; các anh chị cũng thế. Mình nhìn thấy ngày về, các anh chị thì không. Các anh công an canh gác bên trong và bên ngoài khu cách ly. Vất vả lắm. Hôm rồi em mất ngủ thức đến 4h sáng, em biết các anh thức ngồi cả đêm không được ngủ, khổ thân các anh. 

À còn 1 nhân vật trong khu cách ly mà vào đây 8 ngày rồi bọn em không được gặp, nhìn thấy nhưng lại được nghe giọng anh rất nhiều, anh ngồi quan sát CAMERA. Bọn em xin lỗi vì đã để anh nhắc nhở nhiều, nhiều lúc biết anh rất tức. Và anh làm thế là tốt, trong khu cách ly tránh tình trạng lây chéo. Nhưng mong anh hiểu, giờ nhiều lúc trong phòng nó bí quá, cửa ngày đóng suốt vì nắng, chiều mát mọi người hay đi ra tý để hít thở. (Mấy ngày đầu em chạy ra vì đồ lúc đầu mang vào cứ nghĩ được đi lại nên chưa chia đều, một số đồ vẫn dùng chung với chạy sang nhìn đỡ quên mặt). Nhưng từ hôm qua phòng em ngoan lắm rồi". 

Thời gian cách ly 21 ngày với điều kiện ăn ở được bảo đảm, có thể xem tivi, truy cập internet, tự do chơi thể thao…, các công dân phải tập trung cách ly hầu hết đều cảm thấy thoải mái, không quá tù túng như họ từng nghĩ. Và hơn hết thảy, trải qua thời gian cách ly, với họ, không còn điều gì phải lo lắng nữa mà sự hàm ơn đã thực sự đong đầy.



Công việc, tâm tư tình cảm và sự biết ơn dành cho đội ngũ những người làm công tác chống dịch bệnh COVID-19 tại các khu cách ly tập trung

Cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hết sức thần tốc, quyết liệt với nhiều chỉ đạo, biện pháp, quyết sách của Chính phủ và các cấp chính quyền. Là công dân yêu nước, chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết, chung tay "mình vì mọi người, mọi người vì mình", phải quyết tâm chống dịch bằng mọi giá vì "mình không bắn nó thì nó bắn mình"  như lời bác Đỗ Đức Toàn, thôn 4, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên đang thực hiện cách ly tập trung tại khu cách ly Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, cũng là để kết thúc bài viết này: 

" Đúng là chống dịch như chống giặc, các bạn đã làm rất tốt … Cảm ơn tổ chuyên môn; đặc biệt, tôi xin cảm ơn tổ anh nuôi đã cho chúng tôi cơm ngon canh ngọt đúng giờ.

Cuộc chiến này còn nhiều cam go, mong các đồng chí hãy dũng cảm như các chiến sỹ ngoài mặt trận (mình không bắn nó thì nó bắn mình). Một con virut tốn bao nhiêu công sức, tiền bạc của nhân dân…
Các bạn đã rất tận tình, ân cần giúp đỡ người đi cách ly! Không biết nói gì hơn tôi xin chia sẻ. Kính chúc các bạn đồng nghiệp mạnh khỏe, hạnh phúc".



Nội dung bức thư của bác Đỗ Đức Toàn, thôn 4, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên cảm ơn các y,bác sỹ, chiến sỹ làm việc tại khu cách ly tập trung Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.

Thủy Thanh – Minh Huyền

Tags Yên Bái đại dịch COVID-19 dòng nhật ký người trong khu cách ly

Các tin khác
Giọt máu khô giúp người bệnh có thể phát hiện sớm một số loại bệnh ung thư.

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát minh ra một công cụ xét nghiệm chỉ với chưa đầy 0,05 mm máu khô có thể giúp chẩn đoán ba trong số những bệnh ung thư nguy hiểm nhất đối với con người.

Nhân viên y tế kiểm tra một con rái cá chết ở bãi biển Chepeconde, Peru xem có phải do cúm gia cầm hay không

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24-4 kêu gọi tăng cường các mạng lưới phát hiện toàn cầu đối với vi rút cúm gia cầm H5N1, hiện đã lây nhiễm ở một số lượng lớn các loài động vật.

Cán bộ Trạm Y tế xã Đại Đồng, huyện Yên Bình kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại nhà.

UBND tỉnh Yên Bái vừa có Kế hoạch số 92 về xây dựng xã, phường đạt Tiêu chí quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Ảnh minh họa về u não.

3 loại hợp chất - axit hydroxamic 2-aryl-2-(3-indolyl), theo các nhà nghiên cứu, có “khả năng đặc biệt biến đổi tế bào ung thư trong mô khỏe mạnh của con người”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục