Đến nay, Colombia đã tiêm hơn 9,3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó hơn 3,2 triệu người đã được tiêm đủ liều vaccine.
Trong khi đó, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Thái Lan đã vượt 1.000 ca với 24 ca được xác nhận trong ngày 30/5.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, giới chức y tế Thái Lan ngày 30/5 cho biết nước này ghi nhận thêm 4.528 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 1.902 ca trong các nhà tù. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới được ghi nhận vượt mốc 4.500 ca. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Thái Lan từ trước tới nay là 154.307 ca, trong đó có 1.012 người không qua khỏi.
Hiện nay, các quan chức y tế Thái Lan đang đặt ưu tiêu phân phối vaccine ngừa COVID-19 ở Bangkok trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia vào tháng tới để tiêm chủng cho ít nhất 70% người dân vào tháng 7 tới. Đối với các tỉnh khác, việc phân bổ vaccine sẽ thay đổi tùy theo mức độ lây nhiễm của từng khu vực.
Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) Opas Karnkawinpong cho biết DDC chịu trách nhiệm đảm bảo số lượng vaccine từ các hãng AstraZeneca, Sinovac, Pfizer và Johnson & Johnson. Ông Opas cho biết số lượng này sẽ gần đạt mục tiêu 150 triệu liều của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.
Kết quả thăm dò dư luận do Đại học Suan Dusit Rajabhat thực hiện được công bố cùng ngày cho thấy đa số người dân Thái Lan muốn Chính phủ xúc tiến việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 và cải thiện nền kinh tế đang chùng xuống của đất nước.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Yala, Thái Lan, ngày 28/5/2021.
Cuộc thăm dò được tiến hành theo hình thức trực tuyến đối với 1.713 người trên cả nước trong thời gian từ 24-27/5 để đánh giá tinh thần của người dân trong thời dịch COVID-19, trong đó người được hỏi được phép đưa ra nhiều câu trả lời.
Về trạng thái tinh thần, 75,35% số người được hỏi cho biết họ bị căng thẳng và lo lắng; 72,95% cảm thấy tuyệt vọng; 58,27% cảm thấy nhàm chán; 45,19% sợ hãi; và 13,50% trong trạng thái bình thường.
Khi được hỏi về nguyên nhân, 88,33% cho rằng đại dịch COVID-19 đã trở nên nghiêm trọng hơn; 74,53% cho rằng nền kinh tế đi xuống; 51,89% chỉ ra những lo ngại về tiêm chủng; 36,50% đề cập đến điều kiện đi lại và giao thông; và 15,98% chỉ ra những lo ngại về sức khỏe.
Khi được hỏi họ muốn Chính phủ, các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân giúp gì trong tình hình này, 74,96% cho biết nên xúc tiến việc tiêm chủng đại trà; 60,52% muốn tất cả các bên liên quan đẩy mạnh những nỗ lực giải quyết các vấn đề kinh tế; 56,51% muốn cung cấp cho mọi người thông tin rõ ràng và không gây nhầm lẫn về COVID-19; 54,86% muốn các biện pháp khắc phục hậu quả cho những người bị ảnh hưởng được phân bổ đồng đều; và 49,91% muốn các xét nghiệm COVID-19 được thực hiện trong tất cả các khu vực.