Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 13/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 188.013.133 ca, trong đó có 4.054.989 người tử vong.
Số ca mắc bệnh trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, với châu Á, Brazil hiện là những vùng dịch "nóng nhất”, song số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Một số nước châu Âu, châu Á tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm.
Thời gian gần đây, biến chủng Delta và Delta Plus đã xuất hiện tại hàng loạt nước, buộc các chính phủ phải tăng tốc tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng dịch để tránh một làn sóng COVID-19 mới.
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại một chốt kiểm soát ở Bangkok, Thái Lan ngày 28/6/2021.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 171.960.938 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 11.997.206 ca và 78.501 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 12/7, thế giới có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 83 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Brazil và một số nước châu Ấ, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Indonesia đang nổi lên thành một trong những ổ dịch nóng nhất thế giới.
Người dân tham gia diễu hành tôn vinh những người hùng trong cuộc chiến chống COVID-19, tại New York, Mỹ, ngày 7/7/2021.
Tại châu Mỹ, tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 590 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 295 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,3 triệu ca tử vong trong hơn 38,7 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 55,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,1 triệu ca tử vong. Bắc Mỹ có hơn 633.500 ca tử vong trong hơn 35,2 triệu ca nhiễm.
Châu Á ghi nhận hơn 603.800 ca tử vong trong hơn 41,5 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 153.200 ca tử vong, châu Phi ghi nhận hơn 151.700 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.100 người.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 11/7/2021.
Hàn Quốc đã ghi nhận ngày thứ 6 liên tiếp số ca nhiễm mới ở mức trên 1.000, mặc dù số xét nghiệm vào cuối tuần ít hơn ngày thường. Cụ thể, trong số 1.100 ca nhiễm mới, có 1.063 ca lây nhiễm trong nước. Có thêm một người tử vong vì COVID-19 ở Hàn Quốc, nâng tổng số lên 2.044 người.
Chính phủ Hàn Quốc đã áp đặt các quy định giãn cách xã hội mức cao nhất (cấp độ 4) để ngăn chặn làn sóng thứ 4 dịch COVID-19 ở khu vực thủ đô Seoul, trong vòng 2 tuần.
Theo đó, cấm tụ tập từ 3 người trở lên sau 18h00; các trường học sẽ đóng cửa; hoạt động hiếu hỉ chỉ được tổ chức trong phạm vi gia đình. Các cơ sở thể thao, giải trí, trong đó có câu lạc bộ đêm, quán rượu phải đóng cửa, trong khi các nhà hàng được phục vụ khách đến 22h00.
Bản đồ kỹ thuật số của Seoul cũng đã được bổ sung thêm tính năng thể hiện mức độ đông đúc tại các trung tâm xét nghiệm COVID-19 trên toàn thành phố. Bản đồ sẽ được cập nhật theo giờ, đồng thời thể hiện thông tin của các trung tâm xét nghiệm, như đã đóng cửa hay chuẩn bị mở cửa.
Rước đuốc Olympic tại Kawagoe, Nhật Bản, ngày 8/7/2021.
Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo bắt đầu được đặt trong tình trạng khẩn cấp lần thứ 4, trong một nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Biện pháp này kéo dài đến ngày 22/8.
Ngoài Tokyo, tình trạng khẩn cấp ở tỉnh Okinawa, cũng như tình trạng gần như khẩn cấp ở các tỉnh Chiba, Saitama, Kanagawa và Osaka, theo dự biến ban đầu hết hạn vào nửa đêm ngày 11/7, đã được kéo dài đến ngày 22/8.
Tình trạng gần như khẩn cấp ở 5 tỉnh khác - Hokkaido, Aichi, Kyoto, Hyogo và Fukuoka - đã hết hạn vào nửa đêm ngày 11/7 theo lịch trình. So với tình trạng khẩn cấp, tình trạng gần như khẩn cấp ít hạn chế hơn đối với hoạt động kinh doanh và nhắm mục tiêu vào các khu vực có nguy cơ cao hơn là toàn bộ địa phương. Tại các khu vực tình trạng khẩn cấp, các cơ sở dịch vụ ăn uống bị cấm phục vụ rượu bia và phải đóng cửa trước 20h00.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sydney, Australia.
Australia thông báo bang New South Wales (NSW) có thêm 112 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ đầu năm đến nay, đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục.
Nguyên nhân khiến các ca nhiễm mới tăng vọt tại NSW là do sự bùng phát của biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh tại Sydney bất chấp thành phố lớn nhất Australia này bước vào tuần thứ 3 áp đặt lệnh phong tỏa.
Các biện pháp hạn chế tại Sydney, nơi chiếm 1/5 dân số Australia, đã được thắt chặt vào cuối tuần qua, theo đó người dân chỉ được phép ra khỏi nhà để tập thể dục trong bán kính 10 km. Các hoạt động tập trung đông người ở không gian ngoài trời cũng hạn chế ở mức 2 người và mỗi hộ gia đình chỉ có 1 người duy nhất có thể ra khỏi nhà hàng ngày để mua các nhu yếu phẩm.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại thành phố Holon, Israel ngày 21/6/2021.
Israel đã bắt đầu cho phép tiêm mũi vaccine của Pfizer/BionTech thứ ba cho tất cả các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Trung Đông này đang gia tăng trở lại. Theo Bộ Y tế, những đối tượng đủ điều kiện tiêm ngay lập tức vaccine mũi thứ ba bao gồm những người từng bị ghép tim, phổi, thận và một số bệnh nhân ung thư.
Trong thông báo mới nhất, Bộ Y tế Israel khẳng định: "Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bệnh nhân bị ức chế miễn dịch không phát triển phản ứng miễn dịch đầy đủ sau hai liều vaccine". Trước đó, Israel là coi là quốc gia triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 nhanh nhất thế giới với vaccine đầu tiên là Pfizer/BionTech và đã thành công trong việc giảm số ca mắc theo ngày xuống mức một con số vào tháng trước.
Mặc dù vậy, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 12/7 cho rằng các nước không nên đặt mua thêm vaccine để tiêm bổ sung cho những người vốn đã tiêm đủ liều trong bối cảnh nhiều quốc gia khác vẫn chưa có đủ lượng vaccine cần thiết để miễn dịch cộng đồng, đặc biệt là để bảo vệ các nhân viên y tế, khi mà biến thể Delta ngày một lan rộng.
Xe buýt vaccine tại khu phố Esseghem, quận Jette (Brussels).
Tại châu Âu, Chính phủ Séc đã thông qua quyết định rút ngắn thời gian tiêm vaccine ngừa COVID-19 giữa hai liều xuống còn 21 ngày và triển khai hai trung tâm tiêm vaccine ở thủ đô Praha cho đối tượng từ 16 tuổi trở lên.
Phát biểu trước báo giới ngày 12/7, Bộ trưởng Y tế Séc Adam Vojtech cho biết những người mới đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ chỉ phải đợi 21 ngày để được tiêm liều thứ 2, thay vì 38 ngày như trước.
Đến nay, tại quốc gia Trung Âu với 10,7 triệu dân này đã có hơn 3,8 triệu người được tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 và 1,4 triệu người được tiêm 1 liều.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 2/11/2020.
Tại Pháp, chỉ hai tuần sau khi nới lỏng giãn cách cũng như các quy định về đeo khẩu trang và tụ tập chỗ đông người, tối 12/7 (theo giờ địa phương), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên sóng truyền hình Pháp để gửi thông điệp tới toàn thể người dân về nguy cơ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, cũng như những biện pháp mà nước này sẽ áp dụng để đối phó với làn sóng dịch mới, trong đó chiến dịch tiêm chủng mùa hè sẽ được ưu tiên hàng đầu.
Về tỉ lệ tiêm chủng, mặc dù chính phủ Pháp đặt ra mục tiêu hoàn thành tiêm phòng cho 90% dân số trước tháng 9 để tạo nên miễn dịch cộng đồng, nhưng cho đến nay, mới có gần 60% người dân đã tiêm
chủng ít nhất 1 mũi, còn số người đã tiêm cả hai mũi cũng chỉ đạt trên 40%.
Cùng với việc dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phong tỏa kể từ ngày 30/6, và gần 60% dân số đã được tiêm phòng vaccine ít nhất một mũi, người dân Pháp đang hy vọng sẽ dần thoát khỏi đại dịch COVID-19 để trở lại một cuộc sống bình thường như trước đây.
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế ở Ontario, Canada, ngày 5/7/2021.
Ngày 12/7, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Canada Karina Gould và Bộ trưởng phụ trách dịch vụ công và mua sắm Anita Anand cho biết Chính phủ Canada sẽ tặng thêm 17,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho chương trình COVAX - một cơ chế được xây dựng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hôm 13/6 vừa qua, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố nước này bước đầu cam kết chia sẻ 13 triệu liều vaccine phòng COVID-19 thông qua COVAX.
Nay Canada quyết định tặng thêm 17,7 triệu liều vaccine và việc phân phối số vaccine này dự kiến được triển khai trong những tuần tới.
Kiểm tra thân nhiệt của người dân tại một chốt kiểm dịch COVID-19 ở tỉnh Mae Hong Son, Thái Lan.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 12/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 71.342 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 107.400 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Campuchia và Việt Nam. Đông Nam Á đang là một trong những điểm dịch nóng nhất châu Á.
Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại "quốc gia vạn đảo” đang quay đầu tăng mạnh cả số ca mắc mới và ca tử vong. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất châu Á, số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay trong nhiều ngày liên tiếp. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại và cao hơn cả tâm dịch Ấn Độ.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/7/2021.
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn khá nghiêm trọng ở Philippines trong mấy ngày gần đây. Trong ngày 10/7, Philippines đã không còn là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao của khu vực nữa. Nước này 24 giờ qua chứng kiến số ca tử vong tăng mạnh trở lại.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện cũng là một trong những điểm dịch nóng của khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.
Ngày 12/7, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 77 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 2 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Chuyển bình oxy tới bệnh viện cho bệnh nhân nhiễm COVID -19 ở Tedim, Myanmar, ngày 2/7/2021.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 89 ca COVID-19 tử vong và 5.014 trường hợp mắc bệnh, tăng vọt so với những ngày trước đây.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. "Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 12/7 ghi nhận thêm trên 8.656 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 80 người, giảm đôi chút so với mấy ngày qua. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng trở lại, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok đã bị áp lệnh giới nghiêm.
Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 911 bệnh nhân mới và 23 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 8/7/2021.
Trong ngày 12/7, Singapore sau nhiều ngày bình yên nay cũng đã ghi nhận các ca bệnh mới trong mấy ngày gần đây, với 26 trường hợp trong 24h qua. Tuy nhiên, nước này đã nhiều tháng không có ca tử vong vì COVID-19.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 107.463 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.289 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 5.600.845 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.805.994 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên sau khi chủng virus Delta lây lan mạnh. Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.
COVID-19 làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo trên thế giới.
Theo báo cáo thường niên về an ninh lương thực và dinh dưỡng của Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 12/7, mức độ đói nghèo và suy dinh dưỡng trên thế giới đã trở nên tồi tệ hơn trong năm 2020, với phần lớn mức tăng chủ yếu do đại dịch COVID-19 gây ra.
Báo cáo trên do các cơ quan của LHQ gồm Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thực hiện.
Báo cáo cho biết số người thiếu ăn trên thế giới trong năm 2020 đã tăng 18% so với năm 2019 (thêm 118 triệu người) lên tới khoảng 768 triệu người. Đây là mức tăng mạnh nhất trong hàng thập kỷ qua. Trong đó, có 418 triệu người ở châu Á, 282 triệu người ở châu Phi và 60 triệu người ở Mỹ Latinh và vùng Caribe. Tại châu Phi, 21% người dân bị thiếu ăn, cao hơn gấp đôi so với bất kỳ khu vực nào khác. Trong khi đó, số người không thể tiếp cận đầy đủ lương thực trong năm 2020 đã tăng 320 triệu người lên 2,37 tỉ người. Mức tăng trong năm 2020 này tương đương với mức tăng của 5 năm trước cộng lại.
Theo báo cáo, suy giảm kinh tế do hậu quả của các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 gây ra trên toàn cầu đã góp phần làm gia tăng số người thiếu ăn trên thế giới trong năm 2020. Báo cáo nêu rõ: "Không may, đại dịch tiếp tục phơi bày những điểm yếu trong hệ thống lương thực của chúng ta, đe dọa tới đời sống và kế sinh nhai. Không khu vực nào trên thế giới thoát khỏi tình trạng này". Báo cáo dự báo với xu hướng hiện nay, các nước sẽ bỏ lỡ mục tiêu phát triển bền vững của LHQ là không còn người thiếu ăn vào năm 2030.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/7 tuyên bố các quốc gia giàu có không nên đặt mua thêm vaccine phòng COVID-19 để tiêm nhắc lại cho người dân vốn đã được tiêm chủng đầy đủ, trong bối cảnh những nước khác vẫn chưa nhận được vaccine.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca tử vong do đại dịch COVID-19 một lần nữa lại gia tăng, số ca nhiễm biến thể Delta lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 đang ngày càng trở nên phổ biến và đã xuất hiện ở trên 104 nước, trong khi nhiều quốc gia vẫn chưa nhận đủ số liều vaccine để bảo vệ nhân viên y tế của mình. Ông nhận định khoảng cách toàn cầu về nguồn cung vaccine COVID-19 là rất không đồng đều và không công bằng. Một số quốc gia và khu vực đang đặt mua hàng triệu liều tăng cường, trước khi các quốc gia khác có nguồn cung vaccine để tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất.
Ông Tedros chỉ rõ các nhà sản xuất vaccine Pfizer và Moderna là những công ty đang hướng tới việc cung cấp các mũi tiêm nhắc lại ở những quốc gia đã có mức độ tiêm chủng cao. Theo ông, thay vào đó, họ nên chuyển liều lượng vaccine của mình sang chương trình chia sẻ vaccine COVAX, chủ yếu dành cho các nước có thu nhập trung bình và nghèo hơn.
Theo nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy việc tiêm mũi nhắc lại là cần thiết cho những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Điều này phải dựa trên cơ sở khoa học và các dữ liệu, chứ không phải dựa trên tuyên bố của các công ty riêng lẻ rằng vaccine của họ cần được sử dụng như một liều tăng cường.
Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Sinovac tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Bên cạnh đó, bà Swaminathan cũng khuyến cáo không nên sử dụng kết hợp các loại vaccine phòng COVID-19 từ các nhà sản xuất khác nhau, cho rằng đây là một "xu hướng nguy hiểm" khi có ít dữ liệu về tác động đối với sức khỏe.
Phát biểu họp báo trực tuyến, bà Swaminathan nêu rõ: "Đây là một xu hướng khá nguy hiểm. Chúng ta hiện không có dữ liệu, không có bằng chứng liên quan tới việc sử dụng kết hợp (các loại vaccine). Nếu công dân bắt đầu được quyết định thời điểm và đối tượng nào sẽ tiêm vaccine liều thứ hai, thứ ba hay thứ tư, các nước sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn".
(Theo Tin tức)