Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 45.400 ca), Ấn Độ (41.790 ca) và Brazil (37.582 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.808 ca), Brazil (858 ca) và Nga (792 ca).
CDC Mỹ công bố phát hiện mới về biến thể Delta, khuyến cáo đeo khẩu trang dù đã tiêm vaccine
Biến thể Delta sản sinh ra lượng virus như nhau ở những người đã tiêm vaccine và những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Đây là kết quả một nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, công bố 30/7. Với kết quả này, giới chức y tế liên bang Mỹ điều chỉnh khuyến nghị rằng những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn nên đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín.
Nghiên cứu cho thấy ngay cả với biến thể Delta, vaccine phòng COVID-19 vẫn phát huy tác dụng, làm giảm sự lây lan của virus. Hơn nữa, khả năng những người đã được tiêm chủng phải nhập viện điều trị cũng thấp hơn.
Theo các chuyên gia, vaccine sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, nếu một người đã tiêm vaccine mà vẫn nhiễm bệnh thì nguy cơ họ lây cho người khác vẫn cao như ở những người chưa được tiêm vaccine.
Giám đốc CDC Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết việc phát hiện ra rằng biến thể Delta sinh ra lượng virus tương tự ở người đã tiêm đầy đủ vaccine và người chưa tiêm vaccine "là một phát hiện quan trọng khiến CDC Mỹ phải điều chỉnh khuyến nghị về việc đeo khẩu trang”. Bà nói: "Khuyến cáo về việc đeo khẩu trang đã được cập nhật nhằm đảm bảo người dân không vô tình truyền virus cho người khác, bao gồm cả những người thân chưa được tiêm vaccine hoặc bị suy giảm miễn dịch”.
Walmart, Disney thông báo các biện pháp chống dịch mới
Walmart yêu cầu một số nhân viên đeo khẩu trang.
Walmart ngày 30/7 thông báo sẽ một lần nữa yêu cầu một số nhân viên đeo khẩu trang, trong khi Disney đã yêu cầu các nhân viên không thuộc các tổ chức công đoàn tại Mỹ phải tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh giới chức Mỹ đang nỗ lực gấp đôi để khuyến khích người dân tiêm chủng nhằm ứng phó với biến chủng Delta.
Theo đó, chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart cho biết sẽ một lần nữa yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang, bất kể đã tiêm vaccine hay chưa, tại các cửa hàng ở những khu vực có tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 cao ở Mỹ. Walmart cũng sẽ "mạnh mẽ khuyến khích" khách hàng đeo khẩu trang hoặc che mặt, theo hướng dẫn sửa đổi mới đây của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Theo khuyến cáo của CDC, những người Mỹ đã tiêm chủng ở những khu vực có nguy cơ cao cần nối lại việc đeo khẩu trang khi ở trong nhà.
Cùng ngày, hãng Disney cũng thông báo yêu cầu tiêm chủng vaccine mới nhất đối với nhân viên không phải thành viên tổ chức công đoàn. Disney cho biết sẽ đối thoại để mở rộng chính sách này đối với cả những nhân viên là thành viên các tổ chức công đoàn.
Thông báo của Walmart và Disney được đưa ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn tại Mỹ đã đưa ra các động thái tương tự trong bối cảnh có nhiều lo ngại về biến chủng Delta. Hôm 28/7, Google và Facebook cho biết nhân viên trở lại văn phòng làm việc sẽ cần phải tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, Twitter đã thay đổi chính sách, đóng cửa các văn phòng ở New York và San Francisco và dừng việc mở lại văn phòng.
Cũng trong ngày 30/7, phó thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết tỷ lệ tiêm chủng trung bình ở người dân Mỹ đã lên tới 30%, với hơn nửa triệu mũi được tiêm trong ngày. Đây là con số tiêm chủng cao nhất kể từ đầu tháng 7. Bên cạnh đó, bà Jean-Pierre cho biết nước Mỹ hiện không cân nhắc chương trình tiêm chủng vaccine bắt buộc quốc gia hay hướng đến việc phong tỏa.
Trung Quốc có thêm 55 ca nhiễm mới
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 30/7/2021.
Ngày 31/7, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc ngày 30/7 ghi nhận thêm 55 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gồm 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 25 ca nhập cảnh.
Theo NHC, trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, có 19 ca ở tỉnh Giang Tô, 6 ca ở tỉnh Hồ Nam, 2 ca ở thành phố Trùng Khánh trong khi các tỉnh Liêu Ninh, Phúc Kiến và Tứ Xuyên, mỗi nơi ghi nhận 1 ca.
Thủ đô Bắc Kinh và 4 tỉnh khác đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Delta lây lan nhanh. Các địa phương này đã triển khai xét nghiệm hàng loạt, hơn 1 triệu người ở các khu vực bị phong tỏa. Trên cả nước có hơn 200 ca nhiễm có liên quan đến cụm lây nhiễm biến thể Delta ở tỉnh Giang Tô sau khi một nhóm nhân viên vệ sinh tại sân bay ở thành phố Nam Kinh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hôm 20/7.
Xét về mặt địa lý, đây là đợt bùng phát mạnh nhất tại Trung Quốc đại lục trong vài tháng trở lại đây. Tính đến hết ngày 30/7, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 92.930 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.636 ca tử vong.
Số ca nhiễm và tử vong tại Thái Lan lập các mốc mới
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Pattani, Thái Lan.
Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong theo ngày cao ở các mốc mới khi có thêm 18.912 ca nhiễm cùng 178 trường hợp không qua khỏi vì dịch bệnh này trong 24 giờ qua.
Số liệu do Bộ Y tế Thái Lan công bố cho thấy trong số 18.912 ca mới được ghi nhận có 810 ca là các tù nhân. Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Thái Lan đã có tổng cộng 597.287 ca mắc COVID-19, với 4.857 ca tử vong. Bộ Y tế Thái Lan ngày 30/7 cho rằng nước này có thể giữ cho số ca tử vong không vượt quá 200 ca/ngày bằng cách đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và thực hiện 2 tháng phong tỏa.
Campuchia đang ở thời điểm then chốt để ngăn chặn dịch
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20/5/2021.
Ngày 31/7, báo Khmer Times dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia cho rằng quốc gia Đông Nam Á này đang ở thời điểm then chốt để chống dịch bệnh.
Trong báo cáo có tựa đề "Chúng ta đang chống lại các biến thể mới: Hành động ngay bây giờ để ngày mai không phải hối tiếc", đại diện của WHO tại Campuchia, bà Lý Ái Lan, đánh giá cáo quyết định của Chính phủ Campuchia về phong tỏa 8 tỉnh giáp biên giới Thái Lan và áp lệnh giới nghiêm tại các địa phương trên cả nước, coi đây là bước đi quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19, đặc biệt là biến thể Delta. Với số ca mắc mới và tử vong mỗi ngày tiếp tục ở mức cao, Campuchia hiện ở giai đoạn hai lây nhiễm cộng đồng và biến thể Delta đang lây lan với tốc độ nhanh chóng. Bà Lý Ái Lan cho rằng không một biện pháp đơn lẻ nào có thể kiềm chế dịch bệnh lây lan, mà cần áp dụng kết hợp các biện pháp về y tế công và xã hội.
Trong khi đó, cho dù đã phong tỏa các tỉnh giáp biên và đóng cửa biên giới không cho phép người dân qua lại, số ca nhập cảnh mắc COVID-19 tại Campuchia vẫn ở mức cao.
Theo thông cáo ngày 31/7 của Bộ Y tế Campuchia, nước này có thêm 22 người tử vong và 658 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 248 ca nhập cảnh và 410 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến hôm nay, Campuchia xác nhận tổng cộng 77.243 ca mắc COVID-19, trong đó 69.996 người đã khỏi bệnh và 1.397 người tử vong.
Lào siết chặt quản lý trong khu cách ly
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào.
Bộ Y tế Lào cùng ngày thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 380 ca mắc mới COVID-19, trong đó đa phần là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đây là số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước tới nay trong một ngày được ghi nhận tại Lào.
Trước tình hình người nhập cảnh ngày càng gia tăng, Chính phủ Lào yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác phòng chống dịch như: mở rộng trung tâm cách ly, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất y tế, nâng cấp và cải tạo cơ sở y tế; đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch của người dân và siết chặt quản lý các trung tâm cách ly…
Bên cạnh đó, Lào đang tích cực hỗ trợ việc làm cho người lao động bị thất nghiệp do đại dịch COVID-19. Theo đó, người lao động đăng ký tìm việc làm với chính quyền địa phương có thể được bố trí việc trong các nhà máy hoặc công ty có nhu cầu tuyển dụng. Đây là một phần trong các chính sách hỗ trợ của Bộ Lao động và phúc lợi xã hội Lào trước tình trạng thất nghiệp gia tăng do đại dịch COVID-19.
Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 6.299 ca mắc COVID-19 và 7 người tử vong.
Malaysia kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia tại bang Sarawak
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 29/7/2021.
Hãng thông tấn Bernama ngày 31/7 đưa tin Malaysia đã kéo dài tình trạng khẩn cấp tại bang miền Đông Sarawak cho đến tháng 2/2022, theo đó sẽ hoãn các cuộc bầu cử địa phương trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Như vậy bang Sarawak là địa phương duy nhất tại Malaysia gia hạn tình trạng khẩn cấp, trong khi các địa phương khác sẽ kết thúc tình trạng khẩn cấp quốc gia từ ngày 1/8.
Theo sắc lệnh của Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah, tình trạng khẩn cấp được kéo dài tại bang Sarawak là để hoãn cuộc bầu cử ở bang này nhằm ngăn chặn số ca mắc COVID-19 gia tăng. Nhiệm kỳ của hội đồng luật pháp bang Sarawak đã hết hạn vào ngày 6/6, song được kéo dài theo quy định của tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Malaysia tăng mạnh. Số ca mắc mới theo ngày cao nhất tại Malaysia được ghi nhận ngày 25/7 vừa qua với 17.045 ca. Tính đến hết ngày 30/7, Malaysia ghi nhận tổng cộng 1.095.486 ca mắc COVID-19, trong đó có 8.859 ca tử vong.
Israel cấm công dân tới Anh, Gruzia, Síp và Thổ Nhĩ Kỳ
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine Pfizer phòng COVID-19 tại Tel Aviv, Israel, ngày 12/7/2021.
Israel đã quyết định từ ngày 30/7 cấm công dân nước này đi du lịch tới 4 nước là Anh, Gruzia, CH Síp và Thổ Nhĩ Kỳ do lo ngại dịch bệnh COVID-19 đang gia tăng mạnh tại các nước này.
Trước đó, Israel đã cấm công dân và thường trú nhân nước này du lịch tới Argentina, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, Mexico, Nga, Belarus, Uzbekistan, Tây Ban Nha và Kyrgyzstan nếu không có giấy phép đặc biệt do một ủy ban đặc biệt cấp. Ngoài ra, công dân Israel trở về từ những nước này, kể cả người đã khỏi bệnh hay đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, vẫn phải cách ly 7 ngày ngay sau khi nhập cảnh.
Israel đã ban bố cảnh báo về đi lại tới 18 quốc gia khác, theo đó, những người trở về từ các nước này đều phải trải qua giai đoạn cách ly.
Anh khuyến cáo thai phụ tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 16/7/2021.
Các thai phụ cần nhanh chóng tiêm vaccine phòng COVID-19 do biến thể Delta có thể khiến họ có nguy cơ cao hơn xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng. Trên đây là khuyến cáo của giới chức y tế Anh, đưa ra ngày 31/7, đối với nhóm đối tượng đặc biệt này.
Bà Jacqueline Dunkley-Bent, quan chức y tế vùng England, dẫn các số liệu nghiên cứu mới nhất cho thấy số các thai phụ mắc bệnh COVID-19 phải nhập viện với những triệu chứng nặng gia tăng đáng kể. Trong khi đó, Giáo sư Marian Knight, Đại học Oxford, nhấn mạnh dường như biến thể Delta khiến tình trạng bệnh của họ nghiêm trọng hơn. Trước thực tế này, giới chức cho rằng các thai phụ cần nhanh chóng tiêm vaccine phòng bệnh để bảo vệ chính mình và đứa con trong bụng.
Theo nghiên cứu này, kể từ tháng 2 vừa qua, không có ai trong hơn 3.000 thai phụ mắc COVID-19 phải nhập viện với các triệu chứng nặng nếu đã tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh. Từ tháng 4, giới chức y tế Anh đã khuyến cáo thai phụ tiêm vaccine, nhưng tỷ lệ tiêm ở nhóm đối tượng này vẫn rất thấp xuất phát từ thông tin sai lệch trong vấn đề tiêm vaccine.
Mexico hỗ trợ Cuba chống dịch COVID-19
Tàu Libertador Bal-02 của Hải quân Mexico mang theo hàng viện trợ cập cảng La Habana, Cuba ngày 30/7/2021.
Ngày 30/7, tàu Libertador Bal-02 của lực lượng Hải quân Mexico đã cập cảng La Habana, mang theo 612,5 tấn hàng gồm lương thực, thuốc men và bình oxy viện cho Cuba chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại lễ đón, Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba Rodrigo Malmierca khẳng định chuyến hàng này là bằng chứng cho quan hệ hợp tác từ nhiều thập kỷ qua giữa hai nước, và của tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc.
Ông Malmierca cũng cho biết những khó khăn mà Cuba đang đối mặt do dịch bệnh và chính sách bao vây cấm vận ngày càng siết chặt của Mỹ, đồng thời tái khẳng định mọi hàng hóa viện trợ từ nước ngoài sẽ được Nhà nước Cuba phân phối miễn phí cho toàn dân.
Đại sứ Mexico tại Cuba Miguel Díaz nhấn mạnh chuyến hàng này biểu thị một phần tình hữu nghị và lòng biết ơn của nhân dân Mexico đối với Cuba, nước đã gửi hàng trăm bác sĩ tới trợ giúp Mexico trong thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch COVID-19.
Đây là chuyến tàu viện trợ đầu tiên của Mexico gửi tới Cuba theo lệnh trực tiếp của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador. Dự kiến trong thời gian tới, một chuyến tàu chở 100.000 thùng dầu diesel cũng sẽ cập cảng La Habana nhằm giúp đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các bệnh viện tại thủ đô của Cuba.
(Theo Tin tức)