Ngày 31-7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về phòng chống dịch Covid-19 gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng.
Ở yên một chỗ tới khi hết giãn cách!
Theo công điện, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết số 30/2021 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã ban hành trong thời gian qua.
Các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương. Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm "ai ở đâu ở đấy". Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31-7 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày (kể từ ngày kết thúc giãn cách xã hội theo Công văn số 969) đối với 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969 ngày 17-7. Các tỉnh sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu đã kiểm soát được dịch bệnh có thể nới lỏng giãn cách theo từng khu vực trong nội bộ tỉnh. Đối với khu vực liên tỉnh thì phải có thỏa thuận, thống nhất với các tỉnh liên quan và phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trước khi quyết định.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, giữ vững thành quả chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn. Tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân. Hỗ trợ người dân tỉnh mình đang ở TP HCM và các tỉnh đang có dịch diễn biến phức tạp, có số lượng ca mắc lớn.
Cũng theo công điện, phải tổ chức tiêm vắc-xin nhanh, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả, không để vắc-xin hết hạn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xin cho, lựa chọn vắc-xin, lợi dụng chức trách để tiêm không đúng đối tượng và các tiêu cực khác trong việc tiêm vắc-xin; xử lý nghiêm vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường huy động đội ngũ cán bộ y tế (nhất là lực lượng hồi sức cấp cứu) không phân biệt công, tư tham gia công tác phòng chống dịch trên địa bàn; sẵn sàng chi viện cho các địa phương có dịch đang diễn biến phức tạp, có số lượng ca mắc lớn như TP HCM và một số địa phương phía Nam theo sự điều phối của Bộ Y tế.
Ưu tiên vắc-xin Covid-19 cho TP HCM
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo, chủ trì vào chiều cùng ngày, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đã thảo luận, thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành phía Nam thêm 14 ngày, như tinh thần chỉ đạo tại công điện nói trên.
Ngoài ra, trên cơ sở ý kiến thảo luận tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu Tiểu ban Giám sát dịch Covid-19 thuộc Ban Chỉ đạo tiếp tục giám sát chặt chẽ để kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo khi các địa phương có dấu hiệu chuyển từ nguy cơ lên nguy cơ cao (phải giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ), nguy cơ cao lên nguy cơ rất cao (phải giãn cách theo Chỉ thị 16) để chỉ đạo các địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đối với TP Hà Nội, sau khi hệ thống giám sát cảnh báo về mức nguy cơ rất cao, Ban Chỉ đạo đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Ban Chỉ đạo thống nhất nguyên tắc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, không ai được ra khỏi vùng đang giãn cách, trừ mục đích công vụ và lý do đặc biệt được chính quyền cho phép. Các địa phương không kiểm soát chặt chẽ, để người dân tự ý ra khỏi địa bàn phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
Đối với những người dân đã đi ra khỏi địa bàn đang giãn cách xã hội sang địa phương khác, khi được phát hiện, chính quyền sở tại có trách nhiệm đón, đưa những người này tiếp tục về quê an toàn. Các địa phương phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chăm lo đầy đủ đời sống, trợ giúp y tế để người dân yên tâm thực hiện giãn cách; tuyên truyền chủ trương của Chính phủ về việc đồng ý nguyên tắc tập trung vắc-xin phòng Covid-19, tiêm hết cho người dân trên địa bàn của TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp của Chính phủ với 63 tỉnh, thành vào sáng 30-7, về việc thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, trong đó ưu tiên cao nhất vắc-xin phòng Covid-19 cho TP HCM.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với UBND TP HCM để rà soát, điều chỉnh cần thiết về quy trình, thủ tục để tiêm nhanh nhất, bảo đảm an toàn, nguồn vắc-xin theo đúng tiến độ tiêm của UBND TP HCM đề ra. Đồng thời, UBND TP phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh sau khi đã tiêm vắc-xin cho tất cả người trong độ tuổi (theo khuyến nghị của nhà sản xuất).
Bộ Y tế cho biết đến ngày 31-7, TP HCM đã được phân bổ 3 triệu liều vắc-xin, ước khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỉ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến thời điểm này. Hiện TP HCM đã tiêm được khoảng 1,5 triệu liều, trong đó có 1,3 triệu người đã được tiêm 1 liều và gần 75.000 người được tiêm đủ 2 liều vắc-xin Covid-19.
Trong công văn mới nhất về dự kiến phân bổ vắc-xin Covid-19 năm 2021 của Bộ Y tế, TP HCM được phân bổ khoảng 13,8 triệu liều, bảo đảm tỉ lệ đạt khoảng 99% người trên 18 tuổi được tiêm vắc-xin. Riêng trong tháng 8-2021, dự kiến TP nhận thêm được 5 triệu trong số 13,8 triệu liều này.
Bộ Y tế cho biết ngày 31-7, ghi nhận 8.624 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.045 ca trong cộng đồng. Đến nay, Việt Nam có 145.686 ca mắc, trong đó có 2.239 ca nhập cảnh và 143.447 ca mắc trong nước. Đáng chú ý, trong ngày, có thêm 3.250 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng số ca được điều trị khỏi lên 38.734 ca.
Kịp thời thông tin để nhân dân biết, ủng hộ
Tại công điện, Thủ tướng Chính phủ còn chỉ đạo các tỉnh, thành chú trọng chăm lo, động viên tinh thần, bảo đảm phương tiện phòng hộ, hỗ trợ vật chất đối với lực lượng y tế và các lực lượng trực tiếp chống dịch. Đồng thời xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm vật tư, thiết bị y tế; phương án bảo đảm sản xuất, đời sống, an sinh xã hội, trật tự xã hội theo các kịch bản dịch bệnh; sẵn sàng cho tình huống dịch diễn biến xấu. Tuyệt đối không để tiêu cực trong mua sắm vật tư, thiết bị y tế.
Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo công khai, minh bạch, kịp thời mọi thông tin về phòng chống dịch để nhân dân biết, ủng hộ và tích cực tham gia, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Bộ Công an chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai sự thật ảnh hưởng tiêu cực tới phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy nhanh, hiệu quả theo quy trình rút gọn về hành chính việc sản xuất, cung ứng vắc-xin, thuốc phục vụ phòng chống dịch Covid-19; rà soát, đề xuất bổ sung chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ y tế và các lực lượng tuyến đấu phòng chống dịch.
(Theo LĐO)