Riêng trong chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân 2022, tính đến ngày 13/2, cả nước đã thực hiện tiêm khoảng 4,8 triệu liều vaccine COVID-19.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 212 triệu liều vaccine COVID-19. Để tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân và hoàn thành mục tiêu bao phủ vaccine, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân trên địa bàn, bảo đảm hiệu quả và an toàn, tiêm chủng theo đúng số lượng vaccine phòng COVID-19 đã được cấp, không được để lãng phí vaccine.
Các địa phương rà soát tiêm chủng cho người đến và trước khi đi đến nơi khác, người lao động quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán chưa được tiêm đủ liều, đồng thời bảo đảm tất cả những người từ 12 tuổi trở lên tiêm đủ liều cơ bản, người từ 18 tuổi được tiêm mũi 3 khi đến lịch.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị quân đội, công an, y tế, giao thông vận tải… phối hợp trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng.
Trong đó, việc tổ chức tiêm chủng theo đúng quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và các hướng dẫn của Bộ Y tế. Các địa phương sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng để triển khai tiêm chủng cho cộng đồng.
Trường hợp cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng thì bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, khu công nghiệp, trường học, nhà văn hoá... để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm; bố trí cơ sở, đội cấp cứu lưu động để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến sau tiêm chủng...
Riêng tại Hà Nội, ngày 13/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rà soát, tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ mắc COVID-19. Theo đó, để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19, đặc biệt ở nhóm người trên 50 tuổi, người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19, nhằm giảm tỉ lệ chuyển nặng, tỉ lệ tử vong, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo các lực lượng tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm trên địa bàn. Tiếp tục rà soát kỹ người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm tại nhà, đảm bảo không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi bổ sung, tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ, người sống chung, người cùng gia đình thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ liều cơ bản. Thực hiện nghiêm chiến dịch cao điểm tiêm chủng mùa Xuân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai "thần tốc" và "thần tốc hơn nữa" việc tổ chức tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của ngành y tế, phấn đấu hoàn thành việc tiêm phủ mũi bổ sung, mũi nhắc lại trong quý I/2022.
Đặc biệt, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố nếu bỏ sót các đối tượng nguy cơ và kết quả tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn quản lý.
Trước đó, từ ngày 29/1, cả nước bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022 theo phát động của Thủ tướng Chính phủ. Các lực lượng "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ các đối tượng được chỉ định.
Mục tiêu tiêm vaccine đã được Chính phủ xác định rất rõ ràng: Hết tháng 1 hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12-17 tuổi; trong quý I hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, trừ các đối tượng chống chỉ định. Cùng với đó, nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, thận trọng trong việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Trong năm 2021, Việt Nam đã làm nên một kỳ tích khi trở thành 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, mặc dù có xuất phát điểm thấp, chậm, lúc đó vaccine khan hiếm trên toàn cầu và Việt Nam chưa sản xuất được trong nước. Từ chỗ chỉ có khoảng hơn 300.000 liều vaccine khi bắt đầu đợt bùng phát dịch lần thứ 4, đến nay, Việt Nam đã có khoảng 212 triệu liều.
Chiến dịch thần tốc tiêm chủng mùa Xuân 2022 được xác định có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt. Thứ nhất, tỉ lệ bao phủ vaccine càng cao, nguy cơ lây nhiễm, số ca mắc, tỉ lệ chuyển nặng và tử vong càng giảm. Các chuyên gia y tế luôn nhấn mạnh, vaccine là vũ khí, là lá chắn hiệu quả nhất để bảo vệ người dân, nhất là với những người cao tuổi, người có bệnh nền.
Thứ hai, tỉ lệ bao phủ vaccine là yếu tố tiên quyết để cùng với thuốc điều trị và ý thức người dân, chúng ta có thể tự tin, yên tâm mở cửa trở lại an toàn các hoạt động kinh tế - xã hội trong thời gian sớm nhất…
(Theo chinhphu.vn)