Nhật Bản xem xét bỏ khuyến nghị đeo khẩu trang ở trong nhà

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/1/2023 | 2:22:57 PM

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang thảo luận về việc đưa COVID-19 vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm, tức là ngang với cúm mùa nhằm giảm bớt gánh nặng cho bệnh viện.

Người dân trên đường tới nơi làm việc ở Tokyo, Nhật Bản ngày 28/12/2022.
Người dân trên đường tới nơi làm việc ở Tokyo, Nhật Bản ngày 28/12/2022.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét đề xuất bỏ khuyến nghị đeo khẩu trang trong khuôn viên khép kín tại các địa điểm như văn phòng, hội trường hay nhà hàng, thay vào đó chỉ khuyến nghị thực hiện biện pháp này đối với những người có triệu chứng.

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang thảo luận về việc đưa dịch COVID-19 vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm, tức là ngang với cúm mùa, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện và trung tâm y tế công cộng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm vẫn tỏ ra thận trọng trước đề xuất nới lỏng hơn nữa quy định về đeo khẩu trang do lo ngại điều này có thể sẽ khiến tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở Nhật Bản, vốn đang tăng nhanh trong những tuần gần đây, có thể sẽ tăng cao hơn nữa, nhất là khi người cao tuổi chiếm tới gần 30% dân số nước này.

Trước đó, khi sửa đổi hướng dẫn về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 vào tháng Năm năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản đã bỏ khuyến nghị người dân đeo khẩu trang khi ở ngoài trời.

Theo Chính phủ Nhật Bản, người dân không cần đeo khẩu trang khi ở ngoài trời, nếu họ không nói chuyện. Tuy nhiên, bất chấp sự thay đổi này, nhiều người ở Nhật Bản vẫn đeo khẩu trang khi ở ngoài trời.

Văn bản hướng dẫn này cũng khuyên người dân tiếp tục đeo khẩu trang khi ở trong nhà, ngoại trừ trường hợp đảm bảo giãn cách xã hội ít nhất 2m và ở những nơi hạn chế nói chuyện.

Tại Nhật Bản, các bệnh truyền nhiễm được phân thành 5 nhóm, trong đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất như dịch hạch và Ebola được xếp vào nhóm 1.

Các nhóm sau đó có mức độ nguy hiểm giảm dần, chẳng hạn nhóm 2 có bệnh lao, nhóm 3 có dịch tả, nhóm 4 có sốt vàng da và nhóm 5 có bệnh cúm mùa. Riêng dịch COVID-19 thuộc danh mục "cúm mới và các bệnh khác” nằm ngoài 5 nhóm trên.

Đây là danh mục các dịch bệnh có mức độ nguy hiểm tương đương với các bệnh truyền nhiễm ở nhóm 2, nhưng lại áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tương đương với các bệnh truyền nhiễm trong nhóm 1.

Nếu dịch COVID-19 được đưa vào nhóm 5, tương đương với cúm mùa, chính phủ sẽ không phải chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho các bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số thành viên của nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) về ứng phó với dịch COVID-19 cho rằng còn quá sớm để đưa dịch COVID-19 vào nhóm 5. Bên cạnh đó, đa số người dân Nhật Bản vẫn tỏ ra lo ngại về dịch COVID-19.

Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của đài truyền hình NHK cho thấy có 84% người tham gia khảo sát bày tỏ quan ngại về dịch COVID-19, trong khi chỉ có 16% cho rằng không cần phải lo lắng về dịch bệnh này.

Cuộc thăm dò này do NHK thực hiện từ ngày 1/11 tới 6/12/2022, với sự tham gia của 2.266 người ở độ tuổi từ 18 trở lên.

Trong số những người tham gia khảo sát, có 98% số người được hỏi cho biết họ vẫn đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19; 67% tránh các địa điểm đông người hoặc không gian kín và 61% vẫn duy trì giãn cách xã hội.

Đánh giá về sự ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, 55% số người được hỏi có đánh giá tích cực, trong khi 44% đánh giá tiêu cực.

Để phòng chống đại dịch, 49% muốn chính phủ phát triển thuốc và vaccine, 20% muốn chính phủ hỗ trợ tài chính, 15% kêu gọi mở rộng dịch vụ y tế cho những người nhiễm bệnh.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Sởi thường hay xảy ra vào mùa đông xuân, lây lan ở những khu vực đông người như: Nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… dễ gây thành dịch.

Để đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khoẻ (CSSK) của nhân dân trong những ngày Tết, thời điểm này, các cơ sở y tế của tỉnh Yên Bái đã chủ động xây dựng các phương án, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng nhiệm vụ khám, điều trị, cấp cứu, phòng chống dịch bệnh… giúp người dân an tâm đón tết cổ truyền dân tộc.

Ảnh minh họa: Cải Brussels và khoai tây chiên bằng nồi chiên không dầu.

Nồi chiên không dầu là một trong những sản phẩm được nhiều người ưa thích sử dụng bởi nó giúp giảm lượng dầu tiêu thụ, từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe của chúng ta. Vậy nhưng liệu nồi chiên không dầu có phù hợp để dùng cho tất cả các loại thực phẩm hay không?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đang thăm khám cho bệnh nhi. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Bệnh nhi bị thủng ruột, viêm phúc mạc tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, được chuyển sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phẫu thuật cấp cứu, rửa sạch ổ bụng, dẫn lưu lỗ thủng ruột cuối hồi tràng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục