gây ra. Bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người, lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch...).
Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, được phân loại thuộc nhóm A, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (50% có thể lên tới 88%). Tuy bệnh chưa xâm nhập vào địa bàn tỉnh nhưng thời gian qua, ngành y tế Yên Bái đã chủ động xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó.
Với phương châm "phòng hơn chống” nên khi có thông tin tình hình dịch bệnh Marburg trên thế giới, UBND tỉnh Yên Bái ban hành
Công văn số 871, ngày 29/3/2023 yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Từ đó, chủ động hơn trong công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg xâm nhập, lan truyền trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, ngành y tế đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và phương án sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh có thể xâm nhập vào địa bàn.
Bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Cũng như dịch bệnh Covid-19, bệnh Marburg rất nguy hiểm, do đó không được lơ là, chủ quan. Ngành y tế đã phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố và đơn vị liên quan tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh; tại cộng đồng và các cơ sở y tế, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ và xử lý ngay nếu có, không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Đồng thời, đối với nhân viên y tế phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân và đây là bệnh được phân loại thuộc nhóm A nên cần tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn.
"Song song với đó, ngành chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, không để bị động; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm việc thông tin, báo cáo giữa các tuyến, cơ sở y tế, đặc biệt khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ, mắc bệnh” - bà Vân nói.
Được biết, thời điểm này, 9/9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng kế hoạch và phương án sẵn sàng nếu bệnh Marburg xâm nhập địa bàn.
Yên Bình là cửa ngõ phía Nam của tỉnh, công tác giám sát bệnh Marburg được huyện triển khai một cách chủ động và khẩn trương. Bác sĩ Lều Thị Thanh Nga - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: "Chúng tôi giám sát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh từ các nước từ khu vực châu Phi trở về địa phương trong vòng 21 ngày, kịp thời phát hiện các trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh Marburg tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng. Dự trù các phương án, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, phương tiện để triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch nếu có".
Bên cạnh đó, Trung tâm chỉ đạo các trạm y tế trên địa bàn phân công cán bộ y tế theo dõi hàng ngày, nắm tình hình người đến, về địa phương, phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ. Một trong những biện pháp hữu hiệu đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, để người dân dễ tiếp cận với các thông tin về tình hình dịch bệnh Marburg, các biện pháp phòng, chống để người dân không hoang mang lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Với sự chủ động, tích cực của các cấp, các địa phương và của ngành y tế, tin rằng tỉnh Yên Bái sẽ chủ động phòng, chống không để bệnh Marburg xâm nhập vào địa bàn. Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thông tin, tuyên truyền về nguy cơ dịch bệnh, khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, chủ động phát hiện kịp thời nếu có để ngăn chặn không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Trần Minh