Sáng 9/2 (30 Tết), chúng tôi đến thăm Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, nơi rất nhiều bệnh nhân nặng vẫn còn phải nằm điều trị. Trái ngược với không khí Tết rộn ràng, người người nhà nhà sum vầy, hoàn tất những công việc cuối cùng của năm cũ, sửa soạn mâm cơm tất niên thì tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc vẫn là những bước chân vội vã, những khuôn mặt đăm chiêu trước bệnh án của các y, bác sĩ và những tiếng "tít tít" của máy móc, những dòng chỉ số sinh tồn lúc lên, lúc xuống. Không khí trước thềm giao thừa dường như dừng ở ngoài cánh cửa. Trên 30 bệnh nhân, người thì bị tai biến, đột quỵ, người bị tai nạn giao thông, người thì viêm phổi cấp…, tất cả đều trong tình trạng rất nặng đang được bác sĩ và điều dưỡng vẫn túc trực dõi theo từng chỉ số trên màn hình.
Điều dưỡng Trần Đức Thắng chia sẻ: "Càng Tết chúng tôi càng sợ vì phát sinh đủ thứ bệnh từ ngộ độc, tai nạn, bệnh mãn tính như tăng huyết áp biến chứng hay đái tháo đường nặng lên do ăn uống không điều độ cũng như quên dùng thuốc. Bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim dịp Tết cũng tăng lên nên công việc không cho phép chúng tôi được lơ là hay mất tập trung, dù chỉ một phút. Dù không được đón giao thừa cùng gia đình, nhưng ở đây, chúng tôi được sum vầy trong tình thương, trách nhiệm với bệnh nhân, niềm vui sẽ vẹn tròn hơn khi mỗi bệnh nhân được cứu chữa qua cơn nguy kịch”.
Khoa Cấp cứu, bản thân tên gọi đã phản ánh cường độ làm việc của các y, bác sĩ khi họ phải nỗ lực từng giây để cấp cứu bệnh nhân. Khoác trên người chiếc áo blouse trắng, bác sĩ trẻ Đinh Thị Thu Trà đang tất bật với công việc của mình. Hôm nay đã là 30 Tết, ngoài đến từng giường bệnh hỏi thăm sức khỏe, thăm khám lại cho từng bệnh nhân, chị cũng không quên động viên tinh thần người bệnh và người nhà bệnh nhân. Là năm thứ 3 được phân công trực đêm 30 Tết, dù phải xa gia đình song với tinh thần của một bác sĩ trẻ và trách nhiệm của thầy thuốc, chị Trà và các đồng nghiệp phải đặt chuyện gia đình qua một bên để toàn tâm điều trị những bệnh nhân cấp cứu.
Đáng nói là, chồng chị công tác trong ngành công an, đồng nghĩa với việc cả hai đều phải làm nhiệm vụ trực tết. Chị Trà chia sẻ: "Năm đầu tiên vào nghề phải đi trực đêm giao thừa tôi cũng thấy buồn vì không được quây quần bên gia đình nhưng giờ thì tôi đã quen. Chồng tôi công tác trong ngành công an, cũng phải trực Tết nên việc gia đình, tôi phải sắp xếp khoa học. Cũng may mắn là ông bà còn khỏe nên con cái vợ chồng tôi nhờ ông bà trông để yên tâm đi làm ngày Tết. Là bác sỹ của Khoa Cấp cứu, chúng tôi xác định Tết còn quan trọng hơn ngày thường vì đây là lúc có thể có nhiều ca bệnh nặng”.
Chuyện "lỗi hẹn" giao thừa để chăm sóc, cứu sống bệnh nhân đã không còn xa lạ đối với bác sĩ Nguyễn Thị Thoan - Trưởng khoa Cấp cứu. Gần 30 năm trong nghề y, bác sĩ Thoan không nhớ nổi mình có bao nhiêu đêm xuân xa gia đình, túc trực cấp cứu, hồi sức cho người bệnh. "Chắc chắn là tôi đón giao thừa cùng bệnh nhân và anh em đồng nghiệp nhiều hơn đón giao thừa bên gia đình. Gia đình lúc đầu còn buồn nhưng sau này lại hiểu, cảm thông và chia sẻ" - bác sĩ Thoan bộc bạch.
Ánh đèn không chỉ sáng ở Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc mà tất cả khoa, phòng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại các bộ phận đều có các kíp y, bác sĩ túc trực. Khi được hỏi tâm sự ước muốn ngày Tết của các y, bác sĩ là gì thì câu trả lời đều là mong muốn 2 chữ "bình yên”: Đầu tiên là ca trực bình yên, không xảy ra sự cố nào. Tiếp đến là bình yên cho tất cả các bệnh nhân, đều vượt qua nguy kịch vì những bệnh nhân đã nhập viện cấp cứu trong Tết đa phần là bệnh nặng.
Hơn hai tuần chăm sóc người cha đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, anh Nguyễn Mạnh Quỳnh, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên cứ ngỡ bố sẽ được xuất viện trước tết. Vậy mà hôm nay đã là 30 tết, bố anh vẫn chưa thể xuất viện. Bố anh bị sốc nhiễm khuẩn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, huyết áp cao và đang nằm hồi sức.
Anh Quỳnh cho biết: "Tết này tôi ở lại bệnh viện để chăm bố, không được đón giao thừa cùng gia đình như bao người. Nhưng cũng cảm thấy rất ấm áp khi gia đình tôi cũng như các gia đình bệnh nhân đang nằm điều trị tại đây đều được các y, bác sĩ tận tình chăm sóc, liên tục hỏi thăm và còn nhận được những phần quà Tết của Bệnh viện nên cũng được an ủi phần nào. Tôi mong bố tôi sẽ sớm hồi phục để được về với gia đình, kịp hưởng không khí vui tươi của những ngày xuân mới”.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sẽ có trên 200 bệnh nhân phải ở lại viện điều trị, chủ yếu tại các khoa: Cấp cứu, Hồi sức tích cực - Chống độc, Nhi... Trong số đó, hơn một nửa là những ca bệnh nặng nên áp lực đối với các bác sĩ là vô cùng lớn.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Lan Anh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Để cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bệnh viện có trên 100 cán bộ y bác sĩ thường trực theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực đường dây nóng, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần. Chúng tôi xác định ngày Tết cũng như bao ngày bình thường khác, khi bệnh nhân cần là chúng tôi có mặt kịp thời. Các y, bác sĩ hầu như ai cũng phải đón Tết tại bệnh viện nên không ai buồn vì điều đó, tất cả đều sẵn sàng vì người bệnh. Với chúng tôi, được cống hiến để đem lại tiếng cười và sự mạnh khỏe của nhân dân chính là hạnh phúc, là mùa xuân yêu thương”.
Sẽ chẳng có lời nào có thể diễn tả được hết những vất vả, hy sinh đáng trân trọng của đội ngũ y, bác sĩ nói chung và các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái nói riêng. Những người thầy thuốc bằng nhiệt huyết, tình yêu nghề, yêu thương con người đang thắp lên niềm hi vọng về sự sống, sự hồi sinh cho bệnh nhân. Những chiến sĩ blouse trắng có thể lỗi hẹn với giao thừa nhưng không lỗi hẹn với niềm tin của những bệnh nhân.
Thanh Chi