Hiểm họa liên cầu lợn từ thức ăn tái, sống

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/6/2024 | 3:24:46 PM

YênBái - Nguy cơ nhiễm bệnh khi ăn các loại tiết canh hay thực phẩm tái, sống đã được cảnh báo nhiều song dường như nhiều người vẫn rất chủ quan.

Món tiết canh vẫn tồn tại trên mâm cỗ của nhiều gia đình.
Món tiết canh vẫn tồn tại trên mâm cỗ của nhiều gia đình.

Vào khoảng 10 giờ trưa ngày 10/5/2024, anh  L.T.S, ở thôn Suối Quyền, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn có biểu hiện đau đầu, đến khoảng nửa đêm, bệnh nhân có các triệu chứng co giật, ngã xuống nền sân xi măng, mất ý thức, sau đó hôn mê, được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trường Đức, thị xã Nghĩa Lộ cấp cứu. Tại Bệnh viện, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, sau đó chuyển ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và điều trị tiếp. Tình trạng lúc vào viện, bệnh nhân hôn mê, thở o xy qua bóp bóng, xuất tiết nhiều đờm qua ống nội khí quản, được chẩn đoán chấn thương sọ não kín/động kinh, được nhập điều trị tại Khoa Hồi sức - Chống độc.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhân được chọc dịch não tủy nuôi cấy vi khuẩn và định danh hệ thống tự động. Kết quả, bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn (Streptococcus suis). Người nhà anh L.T.S cho biết, bệnh nhân có đi ăn cỗ đám cưới ngày 24/4 và dự tiệc sinh nhật tại thôn ngày 1/5, có món tiết canh lợn và anh đã ăn. Đến ngày 11/5, anh S. có các triệu chứng như trên.


Còn ngày 26/5/ 2024, anh N.Đ.T.A tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái bất ngờ sốt cao kèm đau lưng, nóng rát thượng vị, ợ hơi, ợ chua nhiều. Ngày 27/5, anh phải nhập viện, vào điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cũng qua chọc dịch não tủy nuôi cấy vi khuẩn và định danh hệ thống tự động, kết quả, bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn (Streptococcus suis). Anh A cho biết: "Trước khi vào viện 3 ngày, tôi có ăn nem chua, nem nắm mua tại quán bia”.

"Sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cử cán bộ phối hợp giám sát, điều tra theo biểu mẫu, gửi báo cáo cho Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp chỉ đạo, giám sát theo quy định. Đồng thời, kịp thời tham mưu cho Sở Y tế tăng cường công tác phòng, chống bệnh liên cầu lợn trên người. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cũng đã ban hành công văn chỉ đạo các khoa, phòng của Trung tâm tăng cường công tác phòng, chống bệnh liên cầu lợn” - bác sỹ Nguyễn Trọng Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết.


Thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh sử dụng máy cấy tự động để khẳng định kết quả dương tính với liên cầu lợn của bệnh nhân.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn và Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái thực hiện điều tra xác minh ca bệnh theo mẫu, báo cáo nhanh trường hợp mắc bệnh theo quy định đồng thời chỉ đạo trạm y tế các xã, phường, thị trấn giám sát chặt chẽ, phát hiện các trường hợp trên địa bàn có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh liên cầu lợn đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Hai bệnh nhân trên đến nay đã được điều trị khỏi, đã ra viện,. 

Liên cầu khuẩn lợn hay liên cầu lợn (Streptococcus Suis), theo các nhà chuyên môn, là một tác nhân gây bệnh ở lợn và người, trong đó chủ yếu là gây bệnh ở lợn. Điều đáng nói là không chỉ lợn nhiễm bệnh mới nhiễm liên cầu khuẩn mà loại vi khuẩn này còn có thể xuất hiện ở ngay cả những con lợn khỏe mạnh. 

Liên cầu khuẩn lợn thường ít gặp ở người, nhưng chúng ta vẫn có nguy cơ cao bị lây nhiễm khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. Ví dụ như mổ lợn bị nhiễm bệnh, ăn thịt lợn bệnh tái sống, đặc biệt là ăn tiết canh lợn bị nhiễm bệnh.

Tuy không phát triển thành dịch và lây bệnh cho nhiều người giống những bệnh như sốt xuất huyết hay thủy đậu, nhưng một khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, tụt huyết áp, trụy mạch… hôn mê và tử vong. Ngay cả khi may mắn thoát chết, dần hồi phục thì bệnh nhân vẫn gặp phải những di chứng như ù tai, giảm thính lực, thậm chí là điếc.

Dù đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn, nhưng nhiều người vẫn chủ quan và tiếp tục ăn những món ăn như tiết canh lợn, thịt lợn tái, đặc biệt thói quen uống bia giải nhiệt trong mùa hè ăn kèm là nem chua… 

Theo bác sỹ Nguyễn Trọng Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, món nem chua được chế biến bằng các nguyên liệu thịt lợn sống và làm chín bằng phương pháp lên men. Vì vậy, đây là món ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn. Tương tự, ở một số nơi thường chế biến món nem thính, nem chạo hay món thịt chua từ thịt sống hoặc chỉ nướng cho chín se. Nếu nem chua, nem thính, nem chạo... được chế biến từ lợn ốm, lợn bệnh, lợn nhiễm liên cầu lợn, nhiễm sán thì nguy cơ lây nhiễm bệnh liên cầu lợn và giun sán cho người ăn rất cao. 

Trước các dịch bệnh nguy hiểm hiện nay, bác sỹ Nguyễn Trọng Phú có khuyến cáo với người dân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm qua thức ăn, nhất là thức ăn tái, sống chế biến từ thịt lợn. Đây là các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng nhưng hay gặp nhất là viêm màng não mủ và sốc nhiễm khuẩn, bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh, mỗi người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như: đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín như: tiết canh, lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…

Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, chết; tiêu huỷ lợn bệnh chết theo đúng quy định. Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ, tiếp xúc lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ gia súc và ăn các món từ lợn không nấu chín cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, đặc biệt lưu ý trong thời điểm xuất hiện các dịch bệnh trên đàn gia súc, trong đó có lợn.

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc ở hai huyện Trạm Tấu và Lục Yên với tổng 258 con (trâu, bò, lợn) nhiễm bệnh. Các ngành chức năng của tỉnh đã vào cuộc. Đến nay, 2 dịch bệnh trên  địa bàn  2 huyện đã cơ bản được khống chế.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng lưu ý, bệnh lở mồm long móng ở lợn có lây sang người (nhưng tỷ lệ thấp). Bệnh chủ yếu lây qua đường tiếp xúc ăn uống, vi-rút gây bệnh có thể làm viêm niêm mạc miệng, lở môi, lở miệng... cho người. Bệnh tả lợn châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người nhưng lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ. Vì vậy, mỗi người dân cần tuân thủ sự chỉ đạo của các ngành chức năng và khuyến cáo của bác sỹ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Minh Huyền

Tags thức ăn tái sống liên cầu lợn lở mồm long móng dịch tả lợn Châu Phi

Các tin khác
Cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành gần 700 loại thuốc trong nước.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa ký 2 quyết định công bố cấp mới và gia hạn giấy đăng ký lưu hành gần 700 loại thuốc sản xuất trong nước phục vụ nhu cầu đấu thầu, mua sắm cho điều trị, phòng chống dịch.

Sau thời gian điều trị tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã cắt sốt và không phải thở ô-xy.

Sau mắc sốt xuất huyết 7 ngày, người bệnh bị đồng nhiễm vi khuẩn, dẫn tới tình trạng sốt cao liên tục, phổi có nhiều ổ áp xe.

Xây dựng hệ thống thông tin an toàn thực phẩm. (Ảnh minh họa)

Ngày 8-6, Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm (ATTP), kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện ATTP.

Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình  cho phụ nữ huyện Trạm Tấu.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Quyết định số 1026/QĐ-UBND về việc đổi tên Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành Chi cục Dân số; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Chi cục Dân số trực thuộc Sở Y tế tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục