Tại khoa Tim mạch – thần kinh, đã ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc 2 nhóm bệnh lý: liệt dây VII ngoại biên và đột quỵ não, có cùng biểu hiện ở mặt gồm méo miệng, nói ngọng… nhưng tiên lượng và cách điều trị hoàn toàn khác nhau.
Liệt mặt (liệt dây thần kinh số VII) là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt, gồm liệt mặt kiểu trung ương (vị trí tổn thương ở não) và liệt mặt kiểu ngoại biên (vị trí tổn thương là nơi xuất phát ra của dây thần kinh VII).
Liệt mặt trong đột quỵ não
Điều hòa không trực tiếp gây ra sốc nhiệt mà do thời tiết nắng nóng, khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, gây tiết nhiều mồ hôi và mất nước, điện giải. Mặt khác, ngồi trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp, khô trong thời gian dài liên tục, cũng dễ gây mất nước và giảm cảm khát nước. Nếu không được bổ sung đủ nước và điện giải có thể gây cô đặc máu.
Cùng với đó, ra vào phòng điều hòa liên tục với sự chênh lệch cao giữa nhiệt độ môi trường bên ngoài và trong phòng điều hòa khiến mạch máu co giãn đột ngột, cản trở máu lưu thông. Đặc biệt ở những người có nhiều yếu tố nguy cơ như xơ vữa động mạch, mỡ máu cao, tăng huyết áp, hút thuốc lá…, cục máu đông có thể hình thành, gây tắc nghẽn mạch máu hoặc mạch máu bị vỡ do áp lực tăng cao, gây xuất huyết não.
Biểu hiện: Mặt bị lệch, miệng méo về một bên nhưng mắt vẫn nhắm kín hoặc có thể hở nhẹ, vẫn còn nếp nhăn trán, nước mắt, nước bọt, cảm giác lưỡi bình thường kèm liệt nửa người (liệt tay và chân đồng thời cùng một bên), có thể đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc chậm chạp, lơ mơ.
Đây là tình trạng bệnh lý nguy hiểm, người bệnh cần nhanh chóng được đưa đến bệnh viện để xử trí cấp cứu.
Liệt mặt do tổn thương dây thần kinh VII ngoại biên (thần kinh mặt)
Dây thần kinh VII có đoạn dài nằm ngoài sọ dễ bị tổn thương do lạnh và do viêm. Do nhiệt độ lạnh đột ngột khi sử dụng điều hòa, khiến mạch máu nuôi dây thần kinh mặt bị co thắt, gây thiếu máu cục bộ hoặc phù nề, dẫn đến tổn thương dây thần kinh hoặc giảm dẫn truyền. Ngoài ra, chênh lệch nhiệt độ cao và hít thở luồng khí lạnh liên tục có thể dẫn đến viêm mũi dị ứng, khô họng, tạo điều kiện thuận lợi cho siêu vi, vi trùng vùng mũi họng phát triển và gây viêm dây thần kinh mặt.
Bệnh thường gặp ở người khỏe mạnh, hay xuất hiện về đêm sau ngủ trong phòng điều hòa. Khi tỉnh dậy, bệnh nhân tỉnh táo, thấy mắt bên liệt nhắm không kín, nhân trung lệch sang bên đối diện (bên lành), giảm hay mất nếp nhăn trán và rãnh mũi má bên liệt, đồng thời giảm tiết nước mắt, giảm cảm giác ở vùng ống tai ngoài cũng như giảm vị giác ở 2/3 trước lưỡi bên liệt. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng, song gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến chức năng vùng mặt và các hoạt động như ăn, uống, nói chuyện…
Không để nhiệt độ chênh lệch cao: duy trì nhiệt độ phòng ở mức 26 - 28 độ C. Khi mới đi từ ngoài môi trường nắng nóng vào phòng, nên để cơ thể có thời gian thích nghi khoảng 5 phút rồi mới bật điều hòa, và nên tắt điều hòa khoảng 20-30 phút trước khi đi ra ngoài. Vì nếu thay đổi môi trường đột ngột, với sự chênh lệch nhiệt độ lớn có thể gây sốc nhiệt.
Không để khí lạnh từ điều hòa thổi trực tiếp vào vùng mặt, đầu trong thời gian dài. Nên nằm cùng hướng thổi của quạt, tránh để quạt thổi liên tục vào một phần cố định của cơ thể, nhất là vùng đầu mặt. Nên ngồi xa và cho quạt quay đều các hướng.
Không sử dụng quạt ngay khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi hoặc sau khi vừa tắm xong. Sau khi vận động hoặc lúc cơ thể đang thoát nhiều mồ hôi, lỗ chân lông và các mạch máu đang giãn nở, nếu gặp gió mạnh từ quạt thổi trực tiếp vào người, sẽ khiến mạch máu co đột ngột. Do đó, nên dùng khăn khô lau hết mồ hôi rồi bật quạt từ xa để làm mát dần.
Không nên bật điều hòa nhiệt độ thấp, khô trong thời gian dài bởi dễ gây khô niêm mạc đường thở, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như Viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm họng…Nên sử dụng thêm máy tạo ẩm, bình xịt khoáng và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả, rau xanh... đảm bảo cơ thể đủ chất điện giải, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Khi có biểu hiện méo miệng, nói ngọng… người bệnh cần nhanh chóng nhập viện để bác sĩ kịp thời chẩn đoán và điều trị phương pháp thích hợp. Người bệnh không tự ý điều trị tại nhà, có thể gây mất "thời gian vàng" trong điều trị đột quỵ não hoặc giảm hiệu quả chống viêm trong liệt mặt ngoại biên. Sử dụng điều hòa đúng cách vừa giúp chống nóng hiệu quả vừa bảo vệ sức khỏe.
(Theo Tổ quốc)