Vào viện với các triệu chứng: da vàng, mắt vàng, nước tiểu màu vàng sẫm, chướng bụng..., ông Hà Văn Đại, 61 tuổi ở thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan B mãn tính. Sau khoảng 10 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghĩa Lộ, bệnh tình của ông Đại đã có tiến triển tốt.
Bác sỹ Hoàng Thị Thúy Hằng - Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghĩa Lộ cho biết, khi vào viện, các chỉ số xét nghiệm phản ánh tổn thương tế bào gan, men gan, chỉ số thể hiện mức độ tình trạng của gan của ông Đại đều cao. Cùng với siêu âm dịch ổ bụng, chúng tôi nhận định ông Đại đang ở giai đoạn xơ gan hóa F4.
Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, có thể dẫn đến tử vong do các biến chứng. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ đã thực hiện khám viêm gan vi rút cho trên 400 lượt người; có 112 lượt bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó, 78 bệnh nhân viêm gan vi rút B, 34 bệnh nhân viêm gan vi rút C.
Theo thống kê của ngành y tế, hiện nay có 5 loại viêm gan vi rút (A, B, C, D và E). Trong đó, viêm gan virut B và C nguy hiểm và ảnh hưởng tới sức khỏe con người nhiều nhất. Khả năng nhiễm siêu vi B có thể lên đến 25%. Từ 2021 đến tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh Yên Bái ghi nhận 573 ca viêm gan A, B, C. Trung bình ghi nhận 143 ca mắc/năm. Các ca bệnh mắc rải rác tại cộng đồng, không có biến chứng nặng hoặc tử vong.
Với mục tiêu giảm lây truyền vi rút viêm gan và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm gan vi rút, thời gian qua, ngành y tế Yên Bái đã tập trung thực hiện kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, mở rộng hoạt động sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân viêm gan vi rút; tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học trong phòng chống viêm gan vi rút; nâng cao năng lực hệ thống giám sát và thu thập số liệu để cung cấp bằng chứng cho việc xây dựng chính sách và can thiệp nhằm hạn chế sự lây lan của vi rút viêm gan trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế...
Cán bộ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghĩa Lộ thực hiện kỹ thuật xét nghiệm.
Bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe đến người dân; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế; tăng cường các hoạt động dự phòng, giảm lây nhiễm vi rút viêm gan; huy động các nguồn lực triển khai thực hiện các chương trình. Đồng thời, tiếp cận chẩn đoán và điều trị viêm gan vi rút như: xây dựng mạng lưới phòng xét nghiệm viêm gan vi rút; đảm bảo sinh phẩm chẩn đoán và thuốc điều trị; điều trị đồng nhiễm HIV/HCV...”.
Tuy nhiên, việc nhiễm vi rút viêm gan, đặc biệt là vi rút viêm gan B và C đang diễn biến một cách âm thầm và là vấn đề lớn đối với sức khỏe người dân khi hệ thống giám sát thường quy chỉ phản ánh được số bệnh nhân viêm gan do vi rút được điều trị tại các bệnh viện, chưa phản ánh thực tế được số trường hợp hiện mắc và đã từng mắc chiếm tỷ lệ phần lớn trong cộng đồng.
Mặt khác, Yên Bái là tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút, nhất là viêm gan B, C chưa được chú trọng, thậm chí là không tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh cũng làm bệnh viêm gan khó kiểm soát trong cộng đồng. Vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các yếu tố nguy cơ lây bệnh.
Để các hoạt động phòng chống viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, thời gian tới, Yên Bái cần tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ y tế các tuyến; tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của người dân, cán bộ y tế, chính quyền các cấp, các tổ chức trong nước và quốc tế đối với công tác phòng chống bệnh viêm gan vi rút.
Đồng thời tăng cường công tác dự phòng lây nhiễm, tăng sự tiếp cận của người dân với chẩn đoán và điều trị bệnh, giảm lây truyền viêm gan vi rút, đặc biệt là viêm gan vi rút B, C; dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con, đặc biệt là phối hợp tuyên truyền về tiêm vắc xin viêm gan B trong quản lý thai nghén tại các trạm y tế xã, thực hiện tư vấn và tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ...
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và C cao trong quần thể dân cư nói chung kèm theo là gánh nặng bệnh tật cao liên quan đến căn bệnh này. Đây là nguyên nhân dẫn đến khoảng 80.000 trường hợp xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan, trong đó khoảng 40.000 trường hợp tử vong hàng năm và có xu hướng tiếp tục gia tăng.
|
Thành Trung