Theo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội các nội dung Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung tại Dự án Luật là những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, có khả năng triển khai thực hiện ngay để giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật đã bổ sung quy định điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn (Điều 54a). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là quy định mới, bổ sung so với Luật hiện hành, mang tính thí điểm, chưa ổn định. Do đó, Luật chỉ quy định về nguyên tắc, căn cứ, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.
Để giải quyết khó khăn trong thực hiện các dự án khẩn cấp, nhiệm vụ cấp bách làm thay đổi một số nội dung của quy hoạch, trong đó có lĩnh vực điện lực và tài nguyên, môi trường, Luật đã bổ sung quy định về căn cứ điều chỉnh quy hoạch theo trình tự rút gọn cho các dự án khẩn cấp, cấp bách theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, phân cấp Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Luật sửa 4 luật cũng bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thủ tục đầu tư đặc biệt là chính sách mới nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như đổi mới sáng tạo và công nghệ cao. Để bảo đảm khả thi và linh hoạt trong điều hành, giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này, trong đó có nội dung về sự phù hợp của dự án với quy hoạch có liên quan.
Về cơ chế hợp đồng BT (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay, hợp đồng BT đã được thí điểm tại một số địa phương với quy định khác nhau về lĩnh vực, quy mô dự án và phương thức thanh toán, nhưng chưa được tổng kết, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng. Do đó, hiện nay chưa đủ cơ sở để luật hóa các quy định về cơ chế, trình tự, thủ tục của hợp đồng BT tại dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Để tạo cơ sở pháp lý triển khai cơ chế hợp đồng BT, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng lược bỏ toàn bộ nội dung của Điều 45a; chỉ quy định tại Luật các nguyên tắc cơ bản về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư đối với 3 hình thức, gồm: thanh toán bằng quỹ đất, thanh toán bằng ngân sách nhà nước và không yêu cầu thanh toán. Đồng thời, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết cơ chế hợp đồng BT đối với các hình thức thanh toán trên.
Đối với hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế của cơ sở y tế công lập (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu), trước đó nhiều đại biểu đề nghị cho phép cơ sở y tế được tự quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động của nhà thuốc bệnh viên, đảm bảo đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ người bệnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, bảo đảm nguồn cung về thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, thuận tiện cho người bệnh trong việc mua thuốc bảo đảm chất lượng tại các cơ sở y tế công lập là cần thiết. Do đó, Luật Đầu thầu đã được chỉnh lý theo hướng: "Đối với việc mua thuốc, thiết bị y tế để bán lẻ tại nhà thuốc trong khuôn viên của cơ sở y tế công lập, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ thì cơ sở y tế được tự quyết định mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình”.
(Theo Báo Đầu tư)