Gần đây, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin về một nam sinh 18 tuổi mắc ung thư dạ dày, với thói quen ăn đồ nướng 3 lần mỗi tuần. Ngày càng nhiều trường hợp người trẻ được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày, khiến xã hội quan tâm.
Ung thư dạ dày là căn bệnh có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống. Loại ung thư này thường xuất hiện trong các gia đình có tiền sử mắc bệnh. Nguyên nhân chính bao gồm nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) và thói quen ăn uống không lành mạnh.
1. Nhiễm vi khuẩn HP
Nguyên nhân rõ ràng nhất gây ung thư dạ dày là nhiễm vi khuẩn HP. Năm 1994, WHO xếp HP vào danh sách nhóm I các yếu tố gây ung thư. Người nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp 3–6 lần so với người không nhiễm.
Nhiễm vi khuẩn HP lâu dài có thể dẫn đến viêm dạ dày mạn tính teo đét – một trạng thái tiền ung thư. Nếu không can thiệp, tình trạng này có thể tiến triển thành ung thư.
Nghiên cứu mới cho thấy, nếu có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày, việc điều trị triệt để vi khuẩn HP sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Vi khuẩn HP lây truyền qua đường "miệng – miệng,” thường do ăn chung mà không sử dụng đũa riêng. Vì vậy, giải pháp phòng ngừa đơn giản là thực hiện ăn uống riêng bát đũa.
2. Thực phẩm mặn và thực phẩm muối chua
Trong danh sách nhóm I các chất gây ung thư của WHO, cá muối Trung Quốc đứng đầu! Các loại thịt chế biến như thịt hộp, xúc xích, thịt xông khói, cá muối… đều thuộc nhóm này.
Các vùng ven biển Trung Quốc như Phúc Kiến, Chiết Giang, Sơn Đông, Liêu Ninh có tỷ lệ ung thư dạ dày cao do thói quen sử dụng nhiều muối trong chế biến cá muối, nước mắm.
Ăn thực phẩm nhiều muối lâu dài sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, khiến niêm mạc bị teo, từ đó tăng nguy cơ ung thư. Ngoài ra, thực phẩm muối chua có thể chứa hàm lượng nitrit cao. Nitrit khi vào cơ thể sẽ phản ứng với sản phẩm phân hủy axit amin, tạo ra nitrosamine – một chất gây ung thư mạnh.
Khuyến nghị: Mỗi người chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối mỗi ngày và hạn chế các thực phẩm chế biến chứa nhiều muối.
3. Đồ nướng
Thịt nướng ở nhiệt độ cao hình thành amin dị vòng (HCA), một chất làm tăng nguy cơ ung thư. Thịt được nướng trên lửa trực tiếp hoặc than củi sẽ tạo ra lượng HCA cao nhất.
Cơ thể có thể xử lý được một lượng nhỏ chất gây ung thư từ đồ nướng, nhưng nếu ăn nhiều lần mỗi tuần, cơ chế giải độc của cơ thể sẽ không kịp, dẫn đến nguy cơ ung thư tăng cao.
Lời khuyên:
Chọn cách nướng an toàn: Sử dụng giấy bạc hoặc bếp nướng điện không khói để hạn chế chất gây ung thư.
Kiểm soát nhiệt độ: Nhiệt độ trên 65°C gây hại lớn cho niêm mạc thực quản và dạ dày. Tránh thói quen ăn thức ăn "còn nóng hổi.”
Hạn chế ăn đồ nướng. Ảnh minh họa
4. Rượu bia
Rượu có thể phá hủy cấu trúc bình thường của niêm mạc dạ dày, kích thích tiết axit dạ dày, gây tổn thương niêm mạc. Uống rượu nhiều sẽ tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Khuyến nghị: Chỉ tiêu thụ tối đa 15g rượu mỗi ngày.
5. Các hành vi khác
Hút thuốc lá: Hút thuốc làm giảm khả năng bảo vệ của niêm mạc dạ dày, tăng sản xuất nitrosamine trong dạ dày, gây tổn thương DNA, thúc đẩy ung thư. Hãy cai thuốc và tránh xa khói thuốc thụ động.
Thói quen ăn uống không lành mạnh: Bỏ bữa sáng, ăn uống không điều độ, ăn quá nhanh, ăn quá nhiều hoặc tiêu thụ thức ăn thừa cũng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
6. Yếu tố gia đình
Người có người thân trực hệ mắc ung thư dạ dày có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Những người này cần đặc biệt tránh các yếu tố nguy cơ kể trên.
(Theo nguoiduatin)