Cụ ông 103 tuổi bình phục sau 12 giờ đột quỵ khiến các bác sĩ ngỡ ngàng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/1/2025 | 2:41:32 PM

Phó giáo sư Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khen gia đình cụ ông 103 tuổi có kiến thức về đột quỵ đã đưa bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời.

Cụ Dễ (phải) bình phục sau 1 ngày điều trị. Ảnh: Phương Thúy.
Cụ Dễ (phải) bình phục sau 1 ngày điều trị. Ảnh: Phương Thúy.

Ngày 10/1, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thông tin về ca bệnh cao tuổi nhất được điều trị đột quỵ tại đây. Đây cũng là trường hợp đột quỵ cao tuổi nhất sử dụng đồng thời 2 phương pháp tiêu sợi huyết và lấy huyết khối cơ học.

Tiến sĩ, bác sĩ Đào Việt Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết, cụ Đào Văn Dễ (103 tuổi, Văn Lâm, Hưng Yên) vào viện 23h20 ngày 2/1. Tiền sử bệnh nhân không phát hiện yếu tố tăng huyết áp hay đái tháo đường.

Trước đó, 22h ngày 2/1, ông Đào Văn Nhãn (82 tuổi) - con trai lớn của cụ Dễ phát hiện bố có biểu hiện bất thường, tay chân phải yếu, rối loạn ngôn ngữ. Nghĩ bố bị đột quỵ nên ông Nhãn gọi người nhà tới đưa đi cụ Dễ vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tại đây, bác sĩ trực xác định cụ ông đột quỵ trong khoảng giờ vàng (90 phút). Ngay lập tức, ê-kíp cấp cứu đột quỵ được điều động. 

Bác sĩ Phương cho biết, theo phác đồ, người bệnh sẽ sử dụng thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp lấy huyết khối cơ học. Tuy nhiên, bệnh nhân tuổi cao nên việc triển khai các kỹ thuật này phải tính toán rất kỹ vì nguy cơ biến chứng cao. Bác sĩ gặp gia đình giải thích về việc can thiệp cũng như nguy cơ xảy ra. 

Trong 60 phút, ê-kíp tại Trung tâm Đột quỵ phối hợp với Trung tâm Điện quang tiến hành can thiệp, chỉ 2 giờ mạch máu đã tái thông. Sau 24 giờ can thiệp, bệnh nhân hồi phục và đến nay, có thể đọc rành mạch, rõ ràng các bài thơ do cụ tự sáng tác. 

"Trong thời gian điều trị, cụ Dễ tự đọc báo, không cần dùng kính. Bệnh nhân hồi phục trong sự ngỡ ngàng của các y bác sĩ. Mọi người ao ước có được sức khỏe như cụ”, bác sĩ Phương nói. 

"Khi đó, cả nhà đã chuẩn bị sẵn hậu sự vì thấy bố tôi 'mềm nhũn'. Lên tới bệnh viện, bác sĩ nói ông đột quỵ, gia đình đã chuẩn bị sẵn tâm lý, cơ hội thành công khi can thiệp là 50-50 nhưng chúng tôi đã quyết định điều trị. Thật bất ngờ, 6h sáng hôm sau, bố tôi đã tỉnh, có thể nói chuyện, không thấy đau đớn”, ông Nhãn chia sẻ.

Bác sĩ Phương cho biết, trường hợp cụ Dễ cho thấy dù đột quỵ ở bất kỳ tuổi nào, can thiệp sớm đều mang lại hiệu quả tốt. Gia đình đã nhận biết kịp thời dấu hiệu đột quỵ của bệnh nhân đưa đi cấp cứu, có sự hồi phục nhanh chóng. 




Phó giáo sư Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết cụ Dễ bị tắc động mạch lớn, sẽ đi vào hôn mê và tử vong nếu không vào viện sớm vì mỗi phút trôi qua có 1,9 triệu tế bào não chết đi. May mắn, gia đình có kiến thức y học thường thức tốt nên bệnh nhân được cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Cơ nhận định đây là ca bệnh rất khó, các quyết định của bác sĩ tua trực là sáng suốt và táo bạo, xử lý chuẩn xác vì bệnh nhân 103 tuổi nếu sử dụng tiêu sợi huyết và lấy huyết khối cơ học rất dễ biến chứng. 

Bác sĩ Phương khuyến cáo, việc phát hiện sớm dấu hiệu đột quỵ rất quan trọng trong cứu sống người bệnh: 

F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.

A (ARM):  Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc. 

S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản.

T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Các tin khác
Ngành y tế tỉnh Yên Bái khuyến cáo người dân nên mua các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo xuất xứ tránh nguy cơ mất ATTP.

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân 2025, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động công tác bảo đảm ATTP, hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, dịch, bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Bệnh nhân nguy kịch tính mạng vì hút mỡ giảm béo ở một spa

Để giảm 10% cân nặng, trung bình phải mất từ 3-6 tháng, không có phương pháp giảm cân cấp tốc nào trong 1 ngày. Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cảnh báo các chị em cẩn trọng với quảng cáo giảm cân giá rẻ.

Yên Bái nghiêm cấm các nhà thuốc, cơ sở y tế buôn bán, sử dụng viên nén THEOPHYLLINE 200mg giả.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, mới đây, Sở Y tế yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh không được kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc giả trên nhãn ghi viên nén THEOPHYLLINE 200mg (Theophylin 200mg), nơi sản xuất Pharmacy Laboratories Plus (Warszawa), không có thông tin về số GĐKLH và/hoặc số GPNK trên nhãn.

Minh hoạ máy tính về các hạt của Metapneumovirus

Trước thông tin về các trường hợp mắc bệnh do vi rút gây viêm phổi trên người (HMPV) tại Trung Quốc, Bộ Y tế đã đưa ra các thông tin và khuyến cáo chi tiết nhằm giúp người dân chủ động bảo vệ sức khỏe.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục