Bệnh viện quá tải vì gia tăng bệnh nhân đột quỵ
Hơn hai tuần trước, bệnh nhân Trần Đức C. (40 tuổi) được chuyển tới Bệnh viện Trung ương quân đội 108 trong tình trạng hôn mê sâu do đột quỵ não. Các bác sĩ đã khẩn trương thực hiện các kỹ thuật hồi sức cấp cứu đồng thời phẫu thuật mở sọ để lấy máu tụ. Theo bác sĩ Tạ Đức Thao – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân - mặc dù giữ lại được tính mạng nhưng di chứng để lại rất nặng nề, người bệnh sẽ bị liệt nửa người.
"Trước đó, bệnh nhân đã được phát hiện mắc tăng huyết áp nhưng bệnh nhân không uống thuốc thường xuyên, đều đặn, không theo dõi huyết áp cũng như không tái khám. Những trường hợp bị đột quỵ do không kiểm soát và điều trị tăng huyết áp như vậy rất đáng tiếc. Đáng lẽ người bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu tuân thủ điều trị, đi khám theo hẹn của bác sĩ và kiểm soát tốt huyết áp. Mỗi ngày, người bệnh chỉ cần uống một viên thuốc huyết áp thôi là có thể phòng tránh được đột quỵ”, BS Tạ Đức Thao nói.
Một trường hợp đột quỵ nữa cũng đang trong tình trạng rất nặng là ông Nguyễn Việt H - 61 tuổi - ở Hà Nội. Ông H có tiền sử tăng huyết áp và cũng đã điều trị bệnh nhiều năm qua. Mặc dù uống kết hợp đến 3 loại thuốc song huyết áp của ông T không ổn định, vẫn luôn dao động ở mức cao. Cách đây hơn 1 tuần, khi ông H đang đi làm thì cảm thấy hơi choáng váng, đau đầu sau đó bị nôn ói.
Ông được đưa ngay vào Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Lúc mới vào viện, ông vẫn còn tỉnh táo nhưng chỉ 15 phút sau đã rơi vào hôn mê. Các bác sĩ cũng tiến hành phẫu thuật ngay để lấy máu tụ trong não và giảm áp lực nội sọ. Song do lượng máu chảy quá lớn nên tiên lượng sống sót và phục hồi của ông H vô cùng mong manh, nguy cơ tử vong cao hoặc sống thực vật.
TS –BS Nguyễn Văn Tuyến – Trưởng khoa Đột quỵ não, Phó Viện trưởng Viện Thần kinh, Bệnh viện TWQĐ 108 – cho biết, từ đầu mùa lạnh đến nay, số bệnh nhân đột quỵ tăng khoảng 20 đến 30% so với thời điểm khác trong năm khiến các phòng bệnh đông kín, khoa luôn trong tình trạng quá tải. Là một trong những cơ sở y tế tuyến cuối về cấp cứu đột quỵ tại khu vực miền Bắc, nên hầu hết bệnh nhân chuyển về đây đều trong tình trạng nặng, nguy kịch. Trong đó có những bệnh nhân ở độ tuổi còn rất trẻ.
Làm thế nào để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ
Theo TS – BS Nguyễn Văn Tuyến, thời tiết lạnh là yếu tố kích hoạt tình trạng đột quỵ ở những người có sẵn bệnh lý nền, mạn tính. "Trước đó, người bệnh đã có sẵn các bệnh lý như là tăng huyết áp, có vữa xơ động mạch gây hẹp động mạch, bệnh nhân đã bị phình mạch hoặc dị dạng mạch máu não từ trước rồi. Đến khi thời tiết chuyển lạnh thì mức độ kiểm soát huyết áp sẽ khó khăn hơn.
Rất nhiều bệnh nhân, cũng cùng một viên thuốc huyết áp đó, bình thường thì hạ huyết áp rất tốt nhưng vào mùa lạnh, có khi một viên thuốc đó chưa đủ mà huyết áp có ngày lại tăng vọt lên. Trong khi đó, người bệnh lại chủ quan không đo huyết áp hàng ngày, đến khi huyết áp tăng cao mà không biết. Thế nên, vào mùa lạnh, có những đợt chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ do chảy máu não, nguyên nhân chính là kiểm soát huyết áp không tốt. Đây là điều rất đáng khuyến cáo để mọi người chú ý. Khi đã có bệnh nền, vào dịp cuối năm, thời tiết lạnh thì người bệnh nên chý ý theo dõi chỉ số huyết áp” - TS – BS Nguyễn Văn Tuyến nói.
Một điểm đáng chú ý là trong những năm gần đây, độ tuổi của bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa, nhiều trường hợp mới ở độ tuổi 30-40 tuổi. Lý giải về hiện tượng này, TS-BS Nguyễn Văn Tuyến cho biết, trong cuộc sống hiện đại, lối sống tĩnh tại, ít vận động cùng với chế độ ăn dư thừa năng lượng khiến số người thừa cân béo phì ngày càng gia tăng. Điều này dẫn tới tỷ lệ người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa, mỡ máu cao, đáo tháo đường, tăng huyết áp… cũng tăng theo và có xu hướng trẻ hóa. Tất cả những yếu tố đó sẽ kéo theo sự gia tăng tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, giới trẻ hiện nay vẫn còn chủ quan với bệnh tật, chưa thực sự quan tâm chú trọng tới việc chăm sóc sức khỏe cũng như phòng ngừa đột quỵ một cách chủ động.
"Thứ nhất là nhiều người nghĩ mình còn trẻ, mới 30-40 tuổi thì làm sao mà mắc tăng huyết áp được. Đến khi bị đột quỵ mới phát hiện ra, lúc đó đã quá muộn. Thứ hai là, nhiều người dù biết mình bị tăng huyết áp nhưng thấy vẫn khỏe mạnh bình thường, không có biểu hiện gì nên không uống thuốc điều trị. Đến khi huyết áp tăng cao quá mức và dẫn đến đột quỵ. Thứ ba là những trường hợp điều trị không đúng, không tuân thủ việc uống thuốc, nghĩ rằng mình trẻ khỏe, dùng thuốc một thời gian thì huyết áp hạ xuống nên bỏ thuốc. Tuy nhiên, sau đó, huyết áp tăng vọt trở lại và đó chính là lúc dễ dẫn đến đột quỵ”, TS-BS Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ.
Để phòng ngừa đột quỵ, TS-BS Nguyễn Văn Tuyến khuyến cáo, mọi người nên chú ý theo dõi và kiểm soát các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ như bệnh tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu. Người bệnh nên thực hiện lối sống, sinh hoạt lành mạnh không hút thuốc lá, không nên lạm dụng rượu bia.
Trong dịp cuối năm, khi thời tiết lạnh, những trường hợp có nguy cơ cao như người già, người mắc các bệnh mạn tính nên chú ý mặc ấm, hạn chế thay đổi môi trường đột ngột, tránh bị gió lùa. Bởi khi cơ thể bị nhiễm lạnh sẽ dẫn đến hiện tượng co mạch, khiến huyết áp tăng cao, trên nền bệnh nhân đã bị xơ vừa hoặc hẹp động mạch thì rất dễ dẫn đến đột quỵ - TS-BS Nguyễn Văn Tuyến nhấn mạnh.
(Theo VOV)