Yên Bái xây dựng thương hiệu nông sản trên nền tảng công nghệ số

  • Cập nhật: Chủ nhật, 14/8/2022 | 9:31:11 AM

Tỉnh Yên Bái đã khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử, tạo bước đột phá trong khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó, từng bước thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số trong sản xuất nông nghiệp.

Năm 2022, tỉnh Yên Bái phấn đấu đưa toàn bộ 140 sản được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: TTXVN
Năm 2022, tỉnh Yên Bái phấn đấu đưa toàn bộ 140 sản được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: TTXVN

Cơ hội lớn mở rộng thị trường

Yên Bái có nhiều lợi thế phát triển nông lâm nghiệp, theo đó hình thành nhiều sản phẩm nông sản đặc sản mang tính vùng, miền. Tuy nhiên, khó khăn trong khâu quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm vẫn là bài toán chưa có lời giải hữu hiệu. Kênh thương mại truyền thống chỉ phù hợp thị trường nhỏ lẻ, sản lượng tiêu thụ thấp, không ổn định, giá trị hàng hóa nông sản chưa cao.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông sản trên nền tảng công nghệ số đã và đang hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân Yên Bái đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế; trong đó, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử đang mở ra cơ hội lớn tìm kiếm, phát triển thị trường và nâng cao giá trị nông sản.

Ông Vũ Vinh Quang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết, từ khi đưa hàng nông sản của Yên Bái lên sàn thương mại điện tử đã giúp cho tốc độ giao thương nhanh hơn, phạm vi bán hàng mở rộng toàn cầu. Đặc biệt, sàn thương mại điện tử có thể kết nối trực tiếp người bán với người tiêu dùng, mở rộng số lượng người mua và người bán trên cùng một không gian với nhiều nhóm sản phẩm, đồng thời chi phí thấp hơn nhiều so với thương mại truyền thống.

Nhận xét về lợi ích các sàn thương mại điện tử mang lại, ông Quang cho biết thêm, thị trường tiêu thụ nhanh chóng được mở rộng trên cơ sở niềm tin của khách hàng và nhà sản xuất. Tại đây, khách hàng có thể biết rõ quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, thông tin chi tiết về sản phẩm, chứng nhận về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Ngược lại, nhà sản xuất kịp thời nhận lại thông tin phản hồi từ khách hàng để hoàn thiện hơn chất lượng, mẫu mã sản phẩm của mình.

Đến nay, nhiều sản phẩm nông sản Yên Bái đang có đơn đặt hàng tăng đột biến, nhiều thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh Yên Bái tiếp tục được khẳng định, duy trì sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Điển hình một số sản phẩm nông sản như: quế Trấn Yên, chè Shan tuyết Suối Giàng, gạo Séng cù Mường Lò, chè Bát tiên Trấn Yên, bưởi Đại Minh; miến đao Quy Mông; trà Sơn tra Shan Thịnh; măng tre Bát độ Trấn Yên; mật ong Mù Cang Chải...

Bà Phạm Thị Thu Hà, Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên, thành phố Yên Bái cho biết, hiện nay Hợp tác xã luôn duy trì 10 nhà phân phối và 3 hệ thống siêu thị trong nước với sản lượng tiêu thụ khoảng 120 tấn mỗi năm.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, khi sản phẩm miến đao Giới Phiên được đưa lên sàn thương mại điện tử thì sản lượng tiêu thụ tăng lên gần gấp đôi; trong đó, sản lượng bán qua sàn thương mại điện tử đạt trên 50 tấn.

Là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong đưa sản phẩm lên sản thương mại điện tử, ông Bùi Thế Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia, huyện Văn Chấn cho biết, trong 2 năm vừa qua, thông qua các sàn thương mại điện tử Shopee, Postmart.vn, Voso.vn, các sản phẩm Trà táo mèo Shan Thịnh, Dầu massage Quốc Kỳ, Xịt massage Quốc Kỳ của Công ty đã có mặt tại 12 quốc gia. Sản lượng tiêu thụ và doanh thu liên tục tăng trên 40% mỗi năm.

Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Sau 2 năm triển khai, đến nay Yên Bái đã có 283 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân được đưa lên sàn thương mại điện tử với 940 sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP. Tính riêng sàn thương mại Postmart.vn đã có 157 hộ đăng ký 7.244 tài khoản với 348 sản phẩm; trong đó, có 62 sản phẩm OCOP và 286 sản phẩm tiềm năng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp và người dân là việc tiếp cận, làm chủ công nghệ thông tin.

Năm 2022, huyện Văn Yên phấn đấu là huyện đi đầu trong chuyển đổi số và 100% sản phẩm sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Theo đó, huyện tiếp tục nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và hộ sản xuất về lợi ích trong việc bán hàng và mua hàng trên sàn thương mại điện tử; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn, hướng dẫn, đào tạo doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân kỹ năng tham gia hoạt động, giao dịch trên môi trường số.

Ông Hà Đức Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên cho biết, huyện đang xây dựng nền tảng và tích hợp các tiện ích công, dịch vụ xã hội, từ đó gia tăng tính tiện ích cho doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia truy cập và sử dụng nền tảng số. Đồng thời, tập huấn hướng dẫn khởi tạo, đăng ký bán sản phẩm, kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.

Đến nay, các doanh nghiệp và những hộ sản xuất sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn huyện đã sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh để xây dựng, vận hành việc quảng bá, giới thiệu và giao thương trên sàn thương mại điện tử.

Viettel Post Yên Bái là đơn vị đầu tiên phối hợp với các địa phương đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Ông Nguyễn Chí Cương, Giám đốc Bưu cục Viettel Post HUB Yên Bái cho biết, đơn vị đã cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên sàn; hướng dẫn những quy định về chất lượng hàng hóa theo cam kết; hướng dẫn về quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận sản phẩm; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh việc tích cực tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp và người dân kỹ năng hoạt động trên sàn thương mại điện tử, tỉnh Yên Bái đang hỗ trợ các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, hữu cơ được xác nhận theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các sản phẩm OCOP để đưa lên sàn thương mại điện tử nhằm xây dựng thương hiệu mạnh, dẫn dắt hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp số, hộ sản xuất nông nghiệp số đăng ký gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn thương mại điện tử. Từ đó, cung cấp các thông tin hữu ích cho doanh nghiệp, hộ sản xuất về thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin mùa vụ. Đặc biệt, thông tin về nguyên liệu, vật tư đầu vào, công cụ phục vụ sản xuất…

Thông tin về mục tiêu đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử trong năm 2022, ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, phấn đấu 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn Voso.vn; 100% hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm lên sàn thương mại điện tử được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên các sàn; thiết lập 10.000 tài khoản nhằm thúc đẩy gia tăng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.

(Theo Dân tộc và Miền núi)

Các tin khác
Quang cảnh buổi tập huấn.

Ngày 19/4, UBND huyện Văn Yên tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về trí tuệ nhân tạo (AI) cho cán bộ chủ chốt của huyện và lực lượng nòng cốt triển khai Chiến dịch “Văn Yên - tiên phong học AI”.

Người mẫu ảo Atiana Lopez

Cuộc thi Hoa hậu AI được đánh giá dựa trên ngoại hình, sức ảnh hưởng trên mạng xã hội và cách sử dụng các nền tảng với tổng giải thưởng lên tới 20.000 USD.

Trong quá trình thử nghiệm, thiết kế găng tay điện tử mới đã dịch 16 cử chỉ tay thành từ với độ chính xác 99,8%.

Các nhà nghiên cứu đã thiết kế găng tay chống nước được trang bị cảm biến có thể chuyển cử chỉ tay thành tin nhắn, giúp thợ lặn giao tiếp tốt hơn.

Cuộc họp Đảng ủy tại Sở GTVT tỉnh Yên Bái được ứng dụng công nghệ AI.

Là sở chưa được đánh giá ở tốp cao trong việc chuyển đổi số những năm gần đây, song với quyết tâm từ những người đứng đầu và sự đồng lòng của tập thể cán bộ, viên chức, giờ đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Yên Bái đã vững tin ứng dụng AI trong thực hiện nhiệm vụ và "phòng họp không giấy tờ" là minh chứng cho sự chuyển đổi ấy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục