Các đại biểu tham dự tập huấn.
Dự Hội nghị có đồng chí Trần Đăng Khoa - Phó Cục trưởng Cục ATTT, Bộ TTTT; đồng chí Duy Khiêm - Phó Giám đốc Sở TTTT; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan báo chí của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, cùng trên 200 đại biểu là cán bộ làm công tác TTTT tại các cơ quan, đơn vị, phòng, ban, Trung tâm truyền thông -văn hóa, Phòng văn hóa- thông tin các huyện, thị xã, thành phố và các xã, thị trấn của thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục ATTT- Bộ TTTT Trần Đăng Khoa nhấn mạnh (ảnh trên): Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ. Không gian mạng là tương lai thịnh vượng của Việt Nam, mang đến sự hiện đại, kinh tế và cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người dân. Trong đó, ATTT là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phát triển, vận hành. Bảo đảm an toàn không gian mạng đồng nghĩa với xây đắp cho tương lai, giúp đất nước và mỗi cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trở nên thịnh vượng hơn.
Lãnh đạo UBND thị xã Nghĩa Lộ phát biểu tại Hội nghị.
Không gian mạng hiện là không gian sống, làm việc, học tập, giải trí của khoảng 78 triệu người dân Việt Nam, tương đương 79,1% dân số. Trung bình mỗi người dân Việt Nam tham gia không gian mạng 6 tiếng 23 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, trên không gian mạng, mỗi giây có khoảng gần 1.000 cuộc tấn công mạng và 5 mã độc mới được tạo ra cùng với 40 điểm yếu, lỗ hổng mới/ngày. Mỗi người trung bình hứng chịu 3,5 cuộc tấn công mạng 1 năm. Riêng năm 2022, toàn cầu ghi nhận tới 480 triệu cuộc tấn công mã độc tống tiền…
Năm 2022, Cục ATTT đã chỉ đạo, điều phối, ngăn chặn, xử lý hơn 2.700 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật. Trong đó có gần 1.500 trang lừa đảo trực tuyến. Đồng thời, ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý hơn 12.000 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam; bảo vệ 4,87 triệu người dân (tương đương 6,96% người dùng Internet) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Trước tình hình phức tạp của ATTT mạng hiện nay, các địa phương, trong đó có Yên Bái cần triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng ATTT cho người dân trên địa bàn tỉnh thông qua các hệ thống thông tin cơ sở, các kênh tuyên truyền như: mạng xã hội, website, hệ thống thư điện tử, các ứng dụng thông minh,… huy động mạng lưới cơ sở như Đoàn thanh niên, các hội đoàn thể và các cơ sở đào tạo trên địa bàn để triển khai các hoạt động tuyên truyền, trang bị kỹ năng ATTT cho người dân.
Ngoài ra, tỉnh cũng nên tổ chức xây dựng một số nội dung tuyên truyền ấn tượng, phù hợp với đặc điểm, đặc trưng, bản sắc văn hóa của tỉnh để tạo hiệu quả cao và phạm vi tuyên truyền rộng đến mọi đối tượng của cộng đồng.
Lãnh đạo Sở TTTT phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại diện Cục An toàn thông tin, Sở TTTT tỉnh Yên Bái, Công ty Cốc Cốc đã thông tin đến đại biểu các nội dung chuyên đề như: "Giải pháp bảo đảm ATTT trong các cơ quan Nhà nước”; "Môi trường Internet an toàn: Giải pháp trong trường học”; "Kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng”… Đồng thời hướng dẫn cách nhận biết và phòng chống lừa đảo trực tuyến; hướng dẫn học sinh, sinh viên và người dùng tìm kiếm an toàn trên môi trường mạng.
Các học viên tham dự lớp tập huấn.
Thông qua các nội dung chuyên đề và hình thức trình bày trực quan, sinh động, xem video và trải nghiệm kỹ thuật thực tế, các đại biểu dự Hội nghị có thêm những nhận thức mới và kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình an toàn trên mạng để tận dụng hiệu quả những gì không gian mạng mang lại, đồng thời lan toả những kỹ năng, hiểu biết về ATTT cho những người xung quanh. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng đảm bảo ATTT cho cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Nhân dịp này, Công ty Cổ phần an ninh mạng SCS đã trao thẻ quà tặng 12 tháng sử dụng Giải pháp an toàn trong trường học cho một số đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái (ảnh trên).
Đức Toàn