Trong khi các nhà điều hành và chính trị gia trên khắp thế giới đang nghiên cứu về các tác động mà trí tuệ nhân tạo (AI) có thể gây ra với nhiều lĩnh vực, từ tài chính đến chăm sóc sức khỏe, thì riêng với ngành công nghiệp trò chơi điện tử (game) trị giá 200 tỷ USD, sự thay đổi đã diễn ra với tốc độ nhanh và mạnh.
Từ San Francisco đến Tokyo và Hong Kong, rất nhiều công ty game đang đối phó với tình trạng chi phí leo thang thông qua việc tích cực áp dụng và phát triển các công cụ AI mới. Hàng trăm ngàn công việc, do đó mà có khả năng biến mất vĩnh viễn.
Chia sẻ với trang tin Bloomberg, người đứng đầu một studio game lớn của Nhật Bản cho biết ông đang chuẩn bị cho một tương lai mà ở đó một nửa số lập trình viên và nhà thiết kế của công ty ông sẽ có thể mất việc trong vòng 5 năm nữa.
Còn tại hãng game Gala Sports có trụ sở ở Hong Kong, các lãnh đạo công ty đã hủy những dự án nghiên cứu không có yếu tố AI, buộc các trưởng bộ phận phải nghiên cứu về kỹ thuật máy học và đưa ra mức tiền thưởng lên tới 7.000 USD cho các ý tưởng mới lạ về AI. Tuy vậy, công ty vẫn lo rằng mình đang tụt hậu so với đối thủ.
Giám đốc Điều hành của Gala, ông Giả Tiểu Đông, 36 tuổi, chia sẻ với Bloomberg: "Mỗi tuần chúng tôi đều cảm thấy rằng mình có thể mất việc bất cứ lúc nào. Có thể nói rằng tác động của AI đối với ngành công nghiệp trò chơi điện tử chỉ trong ba đến bốn tháng qua đã mạnh bằng với những thay đổi diễn ra trong suốt ba mươi hoặc bốn mươi năm qua vậy.”
Ngành công nghiệp trò chơi điện tử là một trong những ngành đầu tiên cảm nhận được toàn bộ áp lực mà AI mang lại, vì các hoạt động trong ngành hầu như đều liên quan tới kỹ thuật số — cùng một loại ngôn ngữ mà AI có thể đọc và sử dụng được. Được biết, trước khi OpenAI gây bão trên toàn thế giới với ChatGPT vào tháng 11 vừa qua, công ty đã sử dụng Dota 2 của tập đoàn Valve làm nền tảng thử nghiệm cho chatbot của mình.
Sự ra đời của AI mang đến cho ngành công nghiệp game một cơ hội hiếm có để đại tu một mô hình kinh doanh bị nhiều chuyên gia đánh giá là đã trở nên cồng kềnh và công thức hóa — không khác gì những lời chỉ trích cho rằng Hollywood hiện nay đang chọn hướng đi quá an toàn, ít rủi ro.
Chi phí sản xuất các trò chơi đã tăng nhanh hơn doanh thu. Với các tựa game bom tấn gần đây như The Last of Us Part II và Horizon Forbidden West, hãng Sony đã tiêu tốn hơn 200 triệu USD vào chi phí sản xuất mỗi tựa game, sử dụng hàng trăm nhân viên làm việc trong nhiều năm.
Theo nhà phân tích Kenji Fukuyama của công ty phân tích thị trường UBS Securities, AI có thể giúp các công ty games cắt một nửa các khoản đầu tư, về cả tiền bạc lẫn thời gian, cho những dự án như vậy.
Masaaki Fukuda, người đã giúp xây dựng hệ thống PlayStation Network khi còn làm việc ở Sony, cũng nhận định: "Không gì có thể đảo ngược, ngăn chặn hoặc làm chậm xu hướng AI hiện tại.”
Hiện là phó chủ tịch của công ty khởi nghiệp AI lớn nhất Nhật Bản mang tên Preferred Networks, Fukuda nhận thấy làn sóng thay đổi trong cách thức tạo ra nội dung kỹ thuật số và công ty ông đang tham gia làn sóng này với ứng dụng sáng tạo nhân vật hoạt hình anime có tên Crypko.
Giao diện tạo nhân vật hoạt hình của Crypko. (Nguồn: Preferred Networks)
Những hình vẽ nhân vật hoạt hình Nhật Bản, trước đây thường được bán lẻ với giá rất cao, nay có thể được tạo ra dễ dàng trên Crypko với mức phí cố định hàng tháng là 4.980 yen (khoảng 833 nghìn đồng). Mỗi nhân vật tạo ra được cấp kèm giấy phép sử dụng thương mại với giá chỉ 980 yen cho mỗi hình ảnh.
Fukuda cho biết vẫn cần các nghệ sĩ con người hoàn thiện thêm công việc của AI. Nhưng công ty đang cải tiến công cụ hàng ngày và có thể giải quyết hầu hết các điểm không hoàn hảo trong vòng vài năm tới.
Nhu cầu đối với các nội dung như vậy đã tăng vọt trong những năm qua. Các trò chơi điện tử trên nền tảng di động, 15 năm trước đây có chi phí sản xuất chỉ khoảng 40 triệu yên, nay đã tăng vọt lên tối thiểu 500 triệu yen. Đa số chi phí đổ cho việc sản xuất đồ họa.
Yuta Hanazawa, người từng tham gia đội ngũ sản xuất game Touken Ranbu (Đao Kiếm Loạn Vũ) đã thành lập công ty mới mang tên AI Works để bán các hình minh họa trò chơi do AI vẽ.
Giống như Crypko, sản phẩm cuối vẫn cần bàn tay của con người để trở nên hoàn thiện hơn. Nhưng hoạt động sản xuất đã nhanh và rẻ hơn nhiều so với việc công ty game phải thuê một nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Hanazawa cho biết công ty đã cung cấp hình ảnh do AI sản xuất cho một số dự án chưa được chính thức ra mắt, với chi phí bằng một nửa mức giá thông thường của ngành. "AI là công cụ thay đổi cuộc chơi mà tôi đã chờ đợi. Bằng cách giải phóng các nhà phát triển game khỏi gánh nặng sản xuất đồ họa, AI hứa hẹn sẽ hồi sinh toàn bộ ngành công nghiệp. Các nhà xuất bản game sẽ có thể chấp nhận nhiều rủi ro hơn, người sáng tạo có thể sáng tạo trở lại và kết quả là người dùng cuối được hưởng lợi, từ việc trò chơi đa dạng hơn nhiều.”
AI cũng đang trở thành một công cụ hỗ trợ hoạt động nội bộ của công ty game. Gala đã sử dụng các dịch vụ AI tạo hình ảnh phổ biến hiện nay như Stable Diffusion và Midjourney để xây dựng bộ công cụ nội bộ nhằm hiển thị các mô hình đầu 3 chiều (3D), giảm chi phí cho một công việc mà trước đây phải mất hai tuần và gây tốn kém tới 200.000 nhân dân tệ (662 triệu đồng) khi thuê ngoài. Bây giờ một công việc tương tự chỉ mất nửa ngày lao động. Công ty có một nhóm chuyên xây dựng các công cụ khác để trợ giúp việc viết mã, thiết kế và thậm chí cả dịch vụ khách hàng.
Nhược điểm của tất cả quá trình tự động hóa do AI hỗ trợ là sự hao hụt việc làm. Các giám đốc điều hành trong ngành từ chối phát biểu công khai về vấn đề này.
Nhưng có thể thấy, rất nhiều nhân viên sẽ mất việc làm trước đây của họ. "AI cuối cùng có thể xóa sạch toàn bộ danh mục công việc trong hoạt động sản xuất trò chơi như kiểm soát chất lượng, gỡ lỗi, hỗ trợ khách hàng hoặc dịch thuật,” nhà phân tích ngành Serkan Toto cho biết.
Tương lai trên đang tới gần hơn khi công ty Morikatron có trụ sở tại Tokyo vừa trình làng một trò chơi hoàn toàn do AI tạo ra. Tựa game giả lập trinh thám mang tên Red Ram sử dụng Stable Diffusion và ChatGPT để tạo nội dung dựa trên yêu cầu của người chơi. Yukihito Morikawa, người sáng lập công ty cho biết: "Đây là một trò chơi không thể phát triển nếu không có sức mạnh của AI, bởi vì bạn cần một lượng tài nguyên văn bản và hình ảnh vô hạn”. Được biết, bốn kỹ sư của công ty đã mất ba tháng để hoàn thiện trò chơi này.
Tsubasa Himeno, một diễn viên lồng tiếng nổi tiếng trong nhiều trò chơi, cho biết công nghệ mới sẽ khiến những người trẻ tuổi mới vào ngành gặp nhiều khó khăn hơn. "AI thực sự là một mối đe dọa”, cô đánh giá.
Jiro Ishii, tác giả tiểu thuyết "428: Shibuya Scramble”, tin rằng trong 10 hoặc 20 năm tới, mọi người đều có thể tạo trò chơi của riêng mình. Đây sẽ là mối đe dọa đối với mô hình "freemium” đang được áp dụng trong các trò chơi Dota 2 và Fortnite của công ty Epic, cho phép người chơi game miễn phí nhưng tính phí các trang phục trong trò chơi cùng những gói bổ sung nội dung khác.
Chứng kiến cơ hội và thách thức do AI mang lại cho ngành, Yosuke Shiokawa đã đưa ra một nhận định mang tính bao quát hơn, với tư cách là nhà sản xuất của trò chơi mobile nổi tiếng Fate/Grand Order, cũng như là sáng lập viên công ty game Fahrenheit 213.
Shiokawa bắt đầu tìm hiểu về ứng dụng của AI trong các đoạn trailer giới thiệu game, trước khi sử dụng nó như một công cụ hỗ trợ để tạo các vật thể và hình nền trong trò chơi, bổ sung thêm nhiều hoạt động mà nhóm của anh từng coi là bất khả thi do hạn chế nguồn lực.
"Sẽ sớm thôi, khả năng sáng tạo của bạn mới chính là thứ quyết định giá trị của trò chơi, chứ không phụ thuộc vào ngân sách sản xuất nữa,” Shiokawa nói.
(Theo Vietnam+)