Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/12/2024 | 1:28:48 PM

Việt Nam luôn minh bạch và nhất quán trong thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, lựa chọn chính nghĩa và đứng về lẽ phải.

Việt Nam nhất quán chính sách quốc phòng hòa bình tự vệ.
Việt Nam nhất quán chính sách quốc phòng hòa bình tự vệ.

Năm 2014, Việt Nam đã cử những sĩ quan Quân đội đầu tiên tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Năm 2019, Việt Nam công bố sách trắng quốc phòng Việt Nam. Đó là những hành động minh chứng cho thấy, Việt Nam luôn minh bạch và nhất quán trong thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, lựa chọn chính nghĩa và đứng về lẽ phải. Trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, xung đột, tranh chấp xảy ra ở nhiều nơi, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng biến động gay gắt, việc bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình là nhân tố tiên quyết để đất nước có thể phát triển ổn định, thực hiện cho được kỳ vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Trong hành trang của những chiến sĩ mũ nồi xanh Quân đội nhân dân Việt Nam đến các phái bộ thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc có một thứ thiêng liêng được gói gọn và xếp ngay ngắn trong chiếc ba lô nhỏ xinh. Đó là cờ Tổ quốc. Được sự đồng ý của phái bộ, họ đã treo cờ Tổ quốc nơi mình sinh sống. Giữa nơi chiến sự còn đang leo thang nóng bỏng, giữa nơi tiếng súng chiến tranh vẫn còn dai dẳng thì hình ảnh lá cờ Việt Nam hiện hữu, tung bay trong nắng gió được ví như cơn mưa mùa hạ làm dịu đi những mảnh đất cằn cỗi sau bao ngày nắng hạn. Quốc kỳ Việt Nam đã thấm đẫm bao máu xương của cha ông, chứa đựng hồn cốt dân tộc, là biểu trưng cho tinh thần yêu chuộng hòa bình và khát vọng hòa bình của dân tộc.

Thiếu tá Hoàng Xuân Trường từng công tác tại Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 nhớ lại một kỷ niệm mà cờ Tổ quốc đã mang đến cho anh niềm vinh dự, tự hào, kiêu hãnh: "Khi tôi ra ngoài cùng các đồng đội, mặc dù ở khoảng cách khá xa nhưng các quân nhân của nước Ruanda vui vẻ nói lớn: "How are you Vietnam, how are you Vietnam”, đó giống như một lời chào, không những chào chúng tôi, mà là chào Việt Nam. Chúng tôi thực sự bất ngờ, hạnh phúc và cũng rất đỗi tự hào. Tự hào khi nhìn thấy lá cờ của Tổ quốc tung bay trên bầu trời Nam Xu đăng. Chúng tôi sẽ cố gắng gìn giữ và phát huy hình ảnh Việt Nam trong mắt của bạn bè quốc tế”.

Đất nước Việt Nam đã trải qua hơn một nghìn năm liên tục chiến đấu với kẻ thù ngoại bang xâm lược. Vì thế, nhân dân Việt Nam quá thấu hiểu sự mất mát của chiến tranh và quá thấu hiểu giá trị to lớn của hòa bình. Cũng vì lẽ đó, Việt Nam đã cử lực lượng đến những nơi đang diễn ra xung đột, bất ổn về chính trị để tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới, đóng góp vào duy trì nền hòa bình, ổn định của nhân loại. Giáo sư sử học Phạm Hồng Tung cho rằng, việc mang theo hình ảnh lá Cờ Tổ quốc của các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đó là sự thể hiện trong chiều sâu văn hóa và ý thức tự hào dân tộc.

"Những người lính Bộ đội Cụ Hồ đến để giúp đỡ những dân tộc, những cộng đồng dân cư đang gặp khó khăn và họ mang lá cờ của Tổ quốc báo hiệu với toàn thế giới dân tộc Việt Nam là dân tộc lừng lẫy võ công, nhưng chúng ta chiến đấu để chúng ta được sống cùng nhân loại trong hòa bình. Điều đó vô cùng quan trọng”- GS Phạm Hồng Tùng cho hay.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, chúng ta đã trải qua hơn 20 thế kỷ chiến tranh chống lại sự xâm lược của các thế lực ngoại bang, chỉ tính riêng thời gian chiến tranh cũng đã đến 12 thế kỷ. Hiếm có một dân tộc nào trên thế giới lại có một lịch sử thăng trầm và oanh liệt như vậy. Và có lẽ chính vì thế, dân tộc chúng ta luôn yêu chuộng và khát khao hòa bình, luôn cố gắng tìm mọi giải pháp để không xảy ra chiến tranh. Và thông điệp này, một lần nữa được Đảng và Nhà nước ta khẳng định trong Sách trắng quốc phòng Việt Nam năm 2019. Đó là, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ, không làm phương hại đến chủ quyền của quốc gia khác.

Theo Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng: Chính sách quốc phòng hòa bình tự vệ thể hiện trong thực tiễn là Việt Nam không gây chiến với ai, không xâm lược ai, nhưng giữ quyền tự vệ khi bị xâm lược, giữ quyền giáng trả mạnh mẽ khi bị tấn công. Đồng thời, chính sách quốc phòng hòa bình tự vệ còn được thể hiện trong Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, đó là tiến hành chiến tranh nhân dân. Khi đất nước có giặc thì toàn dân là chiến sĩ, khi mà đất nước có hòa bình thì một đội quân rất nhỏ được giữ lại để làm nòng cốt cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

GS Nguyễn Hồng Quân nhận định: "Tôi lấy ví dụ là ngân sách quốc phòng Việt Nam trong 10 năm qua thì chưa khi nào chúng ta đạt mức 3% GDP. Với ngân sách hạn hẹp ấy thì có thể nói là chúng ta bảo đảm trang bị, vũ khí cho bộ đội, cho công tác huấn luyện, cũng như là một phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lính. Chính sách quốc phòng tự vệ còn được thể hiện là chúng ta kiên quyết kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình. Và thể hiện ở chỗ nữa là, chúng ta không tập trung mua sắm vũ khí tiến công chiến lược, chúng ta không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân. Cho nên là các loại vũ khí chiến dịch, chiến thuật như đang sở hữu hiện nay, không phải là vũ khí tiến công chiến lược mà chỉ là vũ khí tự vệ thôi”.

Bước ra từ chiến tranh, trải qua thời gian dài bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã từng bước hội nhập với thế giới, trong đó có một lĩnh vực được coi là nhạy cảm đó là hợp tác về quốc phòng. Với đường lối đúng đắn và bước đi phù hợp, ngoại giao quốc phòng đã tạo ra những cơ chế để Quân đội nhân dân Việt Nam và các nước liên quan có thể giải quyết được những thách thức, thu hẹp những khác biệt trên tinh thần thấu tình đạt lý để giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, bằng sự thương thảo, bằng sự hiểu biết lẫn nhau. Qua đó giúp Việt Nam ngăn ngừa những nguy cơ xung đột, nguy cơ chiến tranh từ sớm, từ xa. Chính vì vậy, đối ngoại quốc phòng của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc sau chiến tranh.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Vũ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: "Chúng ta thấy rằng, trước đổi mới, chúng ta có quan hệ hợp tác quốc phòng với 30 nước, thì đến nay hợp tác quốc phòng của chúng ta đã mở rộng đến hơn 100 nước. Chúng ta cũng đã thiết lập các cơ quan quốc phòng trực tiếp tại 33 nước cũng như là cơ quan quốc phòng kiêm nhiệm tại 41 nước và Liên hợp quốc. Không phải tất cả các cái hợp tác đó là liên quan đến mua sắm vũ khí mà phần nhiều là liên quan đến tăng cường tin cậy chính trị để chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác, tạo ra những cơ chế chung để giải quyết các vấn đề thách thức an ninh chung.

Việt Nam luôn khao khát hòa bình và mong muốn thế giới cũng được sống trong hòa bình trọn vẹn. Đó cũng là khẳng định của Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi phát biểu trước cộng đồng quốc tế tại Đối thoại Shang-ri-la năm 2022.

"Suốt dọc chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh tự vệ, chịu nhiều đau thương, mất mát. Cho đến tận ngày nay, khi chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, những hậu quả và di chứng chiến tranh để lại vẫn còn là một gánh nặng đối với đất nước chúng tôi. Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình, mong muốn duy trì và quyết tâm gìn giữ hòa bình đất nước, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc. Chúng tôi cũng khao khát thế giới, khu vực, mọi quốc gia, dân tộc đều được hưởng hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc”.

Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư nêu rõ: Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước. Sự biến chuyển có tính thời đại đem đến thời cơ, thuận lợi mới, đồng thời cũng có nhiều thách thức, trong đó mặt thách thức nổi trội hơn và thời cơ mới còn có thể xuất hiện trong khoảnh khắc giữa những thay đổi đột biến trong cục diện thế giới.

Để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, sánh bước cùng thời đại, hòa nhập cùng bạn bè quốc tế năm châu, rất cần môi trường hòa bình, ổn định để nhân dân yên tâm, tập trung nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, đồng thời thu hút các nhà đầu tư tạo ra việc làm, thu nhập, nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia. Trước yêu cầu, thách thức lớn lao đó, hơn lúc nào hết, quân đội tiếp tục là lực lượng nòng cốt để củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, giữ trong ấm, ngoài êm, nội yên, ngoại tĩnh, đồng hành cùng dân tộc, vượt qua thách thức vì một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

(Theo VOV)

Các tin khác
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là nơi diễn ra chương trình

Chương trình nghệ thuật chính luận mang tên Con đường lịch sử sẽ diễn ra vào ngày 21/12 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật chào mừng tại lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tại Campuchia.

Tối 12/12, tại thủ đô Phnom Penh, Đại sứ quán Việt Nam và Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Campuchia trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024).

Các đại biểu tham quan trưng bày

Cùng với hàng trăm tư liệu, hình ảnh được trưng bày trong khuôn viên Di tích Nhà tù Hoả Lò, Hà Nội, trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt” đã "kể” câu chuyện xúc động về lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều tướng lĩnh nổi tiếng.

Lá cờ

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc bằng chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Phải mấy năm sau, tôi mới có dịp trở lại chiến trường xưa với tư cách của một nhà báo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục