Việt Nam sẽ có bảo tàng về công nghệ vũ trụ

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/8/2016 | 2:24:29 PM

Với mong muốn phổ cập kiến thức, khơi gợi niềm đam mê công nghệ vũ trụ cho giới trẻ, Trung tâm Vệ tinh quốc gia (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đang xây dựng Bảo tàng Vũ trụ quốc gia. Không chỉ trưng bày hiện vật, Bảo tàng còn có nhiều loại hình tương tác và dẫn dắt người xem tự khám phá.

Bảo tàng Vũ trụ quốc gia là một hợp phần trong Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (phối cảnh 3D do Trung tâm vệ tinh Việt Nam cung cấp).
Bảo tàng Vũ trụ quốc gia là một hợp phần trong Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (phối cảnh 3D do Trung tâm vệ tinh Việt Nam cung cấp).

Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS, TS) Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia cho biết, Bảo tàng Vũ trụ quốc gia là một phần trong Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ vũ trụ ở nước ta. Dự án này có vốn đầu tư 600 triệu USD (là dự án khoa học công nghệ lớn nhất Việt Nam 35 năm qua).

Bảo tàng Vũ trụ quốc gia là một thành phần quan trọng của Trung tâm Phổ cập kiến thức vũ trụ, được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc với tổng diện tích trong nhà 1.675 m2 và một phần không gian ngoài trời 3.500 m2, tổng đầu tư khoảng 150 tỷ đến 200 tỷ đồng. Đáng chú ý, chỉ riêng phần thiết kế không gian trưng bày và các hoạt động tương tác bên trong bảo tàng đã có chi phí lên tới 44 tỷ đồng.

Đến Bảo tàng, khách tham quan sẽ được thấy quá trình lịch sử hình thành vũ trụ; quá trình con người học hỏi, tìm hiểu, hòa đồng với vũ trụ; lịch sử phát triển công nghệ vũ trụ của thế giới, cách nhìn của Việt Nam về vũ trụ... Đặc biệt, Bảo tàng không chỉ trưng bày các mẫu vật mà còn có các hoạt động tương tác, dẫn dắt người xem tự khám phá thông qua phương tiện truyền thông, các trò chơi tương tác, đài quan sát thiên văn cũng như khu vực dành cho khách tham quan quan sát trực tiếp các kỹ sư làm công việc điều khiển vệ tinh...

Theo lãnh đạo Trung tâm Vũ trụ quốc gia, hình thức thể hiện của Bảo tàng là sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại nhằm mang lại sự hấp dẫn cho người xem. Trong đó, nhà du hành vũ trụ được coi là một điểm nhấn của bảo tàng. Khách tham quan sẽ được xem phim 3D về quá trình hình thành vũ trụ, các vì sao, thiên thạch... một cách sống động trong một không gian hiện đại.

Việc thiết kế Bảo tàng nhằm bảo đảm tính tương tác không đơn giản. Vì vậy, Trung tâm Vũ trụ quốc gia đã chọn một doanh nghiệp chuyên thiết kế cho hầu hết các bảo tàng không gian của Nhật Bản để hỗ trợ, lên ý tưởng kể những câu chuyện vũ trụ tại Bảo tàng Vũ trụ quốc gia của Việt Nam. Hiện nay, thiết kế nội thất bên trong của bảo tàng về cơ bản đã hoàn thiện. Theo lộ trình, việc thiết kế bảo tàng này sẽ hoàn tất vào cuối năm nay và dự kiến cuối năm 2017 sẽ mở cửa cho khách tham quan.

Trên thế giới, các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức... đều đã xây dựng bảo tàng vũ trụ. Các bảo tàng về thiên văn vũ trụ có nhiều hình thức khác nhau, khi là bảo tàng độc lập, khi là một bộ phận của bảo tàng khoa học - công nghệ hoặc kết hợp với hàng không. Có thể kể đến Cité de l'espace (thành phố không gian) ở Pháp, ở Mỹ có Bảo tàng Thiên văn học Adler, Trung tâm Không gian Columbia, Bảo tàng Lịch sử không gian New Mexico...

Khu trưng bày thiên văn học - vũ trụ rộng 1.100 m2 của Viện bảo tàng Đức (Deutsches Museum) được coi là bảo tàng khoa học - kỹ thuật lớn nhất thế giới, trưng bày các dụng cụ quan sát thiên văn từ thời cổ đại đến những kính viễn vọng không gian rất lớn hiện nay, giúp khách tham quan biết được con người đã nghiên cứu, tìm hiểu thế giới và vũ trụ như thế nào. Ngoài ra, Viện bảo tàng Đức còn có khu kính viễn vọng mặt trời, khu đi bộ liên hành tinh giúp khách tham quan trải nghiệm mô hình hệ mặt trời, trong đó khoảng cách giữa mô hình các hành tinh được thiết kế theo đúng tỷ lệ của chúng trong thực tế, khu đồng hồ thiên văn, đồng hồ mặt trời.

Đặc biệt, nhà mô hình vũ trụ (planetarium) sử dụng phần mềm mô phỏng cho phép mô phỏng các chuyển động trong không gian theo thời gian thực: một chuyến du hành từ trái đất đến không gian ngoài thiên thể; trải nghiệm bầu trời đêm đầy sao mà không bị ảnh hưởng của ô nhiễm không khí và ánh sáng; quan sát bầu trời tại một điểm bất kỳ trên trái đất hoặc một thời điểm trong quá khứ thông qua các máy chiếu sao quang học tối tân nhất sử dụng các nguồn sáng LED và sợi quang học...

Ở châu Á, Bảo tàng Không gian Hồng Công (Trung Quốc) trưng bày giới thiệu các kiến thức thiên văn như sự tiến hóa của vũ trụ, hành trình khám phá không gian và hệ mặt trời. Bảo tàng có tính tương tác, mô phỏng trải nghiệm du hành trong không gian và thời gian. Công viên thiên văn có các thiết bị ngắm sao từ thời cổ đại đến hiện đại, các trang thiết bị giải trí, giáo dục và thiên văn dành cho công chúng và nhà thiên văn nghiệp dư.

Trong khi các nước trên thế giới đã xây dựng các bảo tàng khoa học công nghệ, vũ trụ từ rất lâu thì đến nay lĩnh vực này còn quá mới mẻ ở Việt Nam. Nếu đi vào hoạt động, lần đầu ở Việt Nam có bảo tàng khoa học - công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển khoa học vũ trụ của nước ta. “Hiện nay, ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam có trình độ trung bình ở khu vực Đông - Nam Á. Tương lai của ngành vũ trụ Việt Nam trông chờ vào giới trẻ, xây dựng bảo tàng này, chúng tôi mong muốn bảo tàng sẽ góp phần phổ cập kiến thức, nuôi dưỡng đam mê công nghệ vũ trụ cho các bạn trẻ” - PGS, TS Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

(Theo NDĐT)

Các tin khác
Bạch tuộc dường như đã tiến hóa nhiễm sắc thể giới tính ít nhất 248 triệu năm trước.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiễm sắc thể giới tính lâu đời nhất được biết đến ở bạch tuộc và mực từ 455 triệu đến 248 triệu năm trước - sớm hơn 180 triệu năm so với kỷ lục trước đó.

Robot Bonbon.

Bonbon - robot cao 1,27m và nặng 40 kg của nhóm giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự có thể hỗ trợ dạy tiếng Anh, giao tiếp và múa hát với học sinh tiểu học.

Đường hầm chạy thử nghiệm công nghệ tàu Hyperloop ở Hà Lan.

Đường hầm dài nhất châu Âu để thử nghiệm công nghệ tàu siêu tốc Hyperloop mở cửa hôm 27/3 tại Hà Lan.

GS Nguyễn Ngọc Tú tại Trung tâm dữ liệu của Kennesaw State University.

GS Nguyễn Ngọc Tú, Đại học Kennesaw State University (Mỹ)được bầu vào Ban Chủ tịch và bổ nhiệm làm Chủ tịch quỹ học bổng dành cho sinh viên dự hội thảo lượng tử, diễn ra tháng 9 tại Montréal, Québec, Canada.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục