Sáng tạo nhỏ, ý nghĩa lớn
- Cập nhật: Thứ tư, 19/10/2016 | 7:01:17 AM
YBĐT - Mới đây, mô hình sản phẩm “Thiết bị phơi ván bóc” đã giúp 2 học sinh Trường THPT Thác Bà, huyện Yên Bình đạt giải Ba - giải cao nhất của tỉnh Yên Bái khi tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh - thiếu niên và nhi đồng toàn quốc lần thứ 12, năm 2016 vừa trao giải tại Hà Nội.
Mô hình sản phẩm “Thiết bị phơi ván bóc”.
|
Ý tưởng xuất phát từ thực tế!
Trong không khí tưng bừng của những ngày đầu năm học mới, chúng tôi về thăm Trường THPT Thác Bà, tại thị trấn Thác Bà, nơi hai em học sinh đạt giải. Thầy Lưu Trung Kiên - người trực tiếp hướng dẫn em Nguyễn Thị Hồng Ngân và Bùi Đức Thuận thực hiện dự án không giấu được niềm vui: "Nhận được tin quả thật chúng tôi cũng khá bất ngờ vì cuộc thi này có rất nhiều sản phẩm của cả nước tham dự, trong đó nhiều sản phẩm được đầu tư công phu. Dự án này được thầy trò chúng tôi thực hiện từ năm 2015, lúc đó em Ngân đang học lớp 12 A1, giờ em đã ra trường đi học đại học, còn Bùi Đức Thuận là học sinh lớp 11 A3, giờ em đã học lớp 12”.
Sau giờ tan học, chúng tôi gặp Thuận. Đôi mắt to, sáng, lộ rõ sự thông minh, Thuận cho biết: "Xuất phát từ ham muốn nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo của bản thân, lại hưởng ứng phát động của nhà trường nên em và chị Ngân quyết định tham gia Cuộc thi. Còn ý tưởng của chúng em được xuất phát hoàn toàn từ thực tế vì nơi chúng em sinh sống có rất nhiều gỗ rừng trồng. Những năm gần đây, việc chế biến gỗ làm ván bóc phát triển mạnh, chỉ tính riêng ở thị trấn Thác Bà đã có 2 công ty và 24 cơ sở. Hàng ngày, chứng kiến việc phơi ván mất rất nhiều công sức và đặc biệt là cần nhiều diện tích, nhiều cơ sở tận dụng cả mặt đường giao thông làm nơi phơi ván, gây mất an toàn giao thông nên bọn em đã quyết định thực hiện thiết bị trên!”.
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Ma Quang Thủy - Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi: "Trường THPT Thác Bà làm nhiệm vụ đào tạo giáo dục 8 xã, thị trấn khu vực Đông hồ Thác Bà. Dù điều kiện còn khó khăn nhưng Trường luôn động viên các em học sinh và tạo điều kiện tốt nhất để các em tham gia các cuộc thi, trong đó có Cuộc thi Sáng tạo thanh - thiếu niên và nhi đồng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức. Đây thực sự là niềm vui, vinh dự cho nhà trường vì những giải pháp triển khai đã có kết quả".
Nhà trường đã yêu cầu các bộ môn, tổ chuyên môn hàng năm hướng dẫn học sinh đăng ký đề tài, nếu tổ bộ môn nào không có đề tài thì sẽ đánh vào thi đua hàng năm; đồng thời, thành lập hội đồng xét duyệt, nếu đề tài nào khả thi thì sẽ tập trung đầu tư. Qua các cuộc thi, cùng nâng cao tính sáng tạo, ham học, học sinh nhà trường đã đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi "Tự hào hàng Việt Nam”, "Giao thông học đường” và nhiều cuộc thi khác do tỉnh và trung ương tổ chức.
Giải thưởng cao - chi phí… cực thấp!
Có ý tưởng, Ngân và Thuận đã báo cáo thầy Kiên. Được thầy đồng ý, đặc biệt là sự tạo điều kiện của gia đình, ngày ngày, sau giờ lên lớp, hai chị em lại vào các cơ sở sản xuất chế biến gỗ tại thị trấn Thác Bà, xã Vĩnh Kiên, Hán Đà và các vùng lân cận để phỏng vấn chủ cơ sở và những người lao động để lấy các thông tin về quy trình chế biến, những khó khăn, vất vả và năng suất lao động của công nhân; tìm hiểu về thông số kỹ thuật, diện tích sân phơi ván bóc.
Sau khi lấy đầy đủ số liệu, thời gian rảnh rỗi, các em bắt tay vào chế tạo thử. Sau nhiều lần thử nghiệm, kiểm chứng kết quả, hỏi ý kiến người sử dụng, tham khảo thầy hướng dẫn để khắc phục nhược điểm để đi đến sản phẩm hoàn chỉnh gửi tham dự Cuộc thi.
"Toàn bộ dự án được thực hiện trong 4 tháng, từ tháng 5/2015 đến tháng 9/2015, trong đó thời gian làm mô hình khoảng một tuần, không tính các chi phí khác, riêng mô hình chi phí chỉ hết... 800.000 đồng” - thầy Kiên thông tin. Hỏi lý do chi phí thấp như vậy, thầy Kiên cho biết, vì là mô hình nên chủ yếu tận dụng nguyên liệu là gỗ, chỉ mất một số sắt, hàn thì thầy trò tự làm được.
Theo đó, mô hình gồm một trụ đứng bằng sắt, có đế chắc bằng bê tông và có bạc (hoặc bi) để có thể quay tròn. Có 3 vòng đỡ bằng sắt, có các thanh đỡ, có các giá để kẹp ván phơi, rất dễ chế tạo và người lao động dễ sử dụng.
Em Bùi Đức Thuận và em Nguyễn Thị Hồng Ngân nhận giải Ba, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc lần thứ 12 tại Hà Nội.
Hiệu quả kinh tế xã hội lớn
Theo số liệu điều tra, khảo sát, tính toán của nhóm Thuận - Ngân, thực tế chi phí cho việc phơi ván bóc thành phẩm nếu phải thuê diện tích sân phơi cụ thể là 100 m2 thì mỗi năm sẽ mất 2.000.000 đồng. Diện tích đó phơi được 1.200 tấm ván/ngày thì tiền thuê nhân công mất 200.000 đồng/ngày, cộng với làm khay mất 50.000 đồng/1 khay, 1 khay sẽ phơi được 24 tấm ván bóc, sau 6 tháng phải thay khay, như vậy chi phí cho phơi ván của một cơ sở một năm sẽ mất khoảng 80 triệu đồng.
Còn nếu thực hiện theo mô hình "Thiết bị phơi ván bóc”, chi phí làm thiết bị nếu làm bằng sắt là 9.600.000 đồng (12 thiết bị), tăng 4.600.000 đồng so với mức đầu tư làm khay bình thường. Tuy nhiên, trừ tiền chi phí nhân công (giảm 20%) so với nhu cầu thông thường, giảm ½ diện tích (vì mỗi thiết bị phơi được 100 tấm, diện tích sử dụng 4 m2), thời gian phơi ván giảm do có thể tận dụng được hướng gió và ánh sáng, chất lượng ván sẽ tốt hơn do ván được kẹp.
Theo tính toán, nếu sử dụng thiết bị, năm thứ nhất, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất sẽ thu lợi nhuận tăng thêm là 11.000.000 đồng, do tổng số đầu tư cho việc phơi bằng thiết bị chỉ mất 69 triệu đồng. Đến năm thứ hai, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất sẽ thu lợi nhuận tăng thêm là 20.600.000 đồng vì không phải đầu tư vào thiết bị như năm đầu.
Các năm thứ ba, bốn, năm doanh nghiệp tiếp tục được số lợi nhuận như vậy vì độ bền của thiết bị ước tính là 5 năm. Đặc biệt, về yếu tố xã hội, do diện tích sân phơi giảm nên các cơ sở sản xuất sẽ không phải tận dụng, lấn chiếm lòng đường để phơi ván như vậy sẽ giảm nguy cơ gây tai nạn giao thông. Do không phải di chuyển nhiều, mang vác nặng nên điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện, giảm bớt nặng nhọc. Đây có lẽ là lý do chính để ban giám khảo đánh giá cao mô hình của Ngân và Thuận.
Ông Phan Huy Cường - Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Yên Bái cho biết: "Cuộc thi năm nay có 629 mô hình sản phẩm gửi về từ khắp các tỉnh, thành, trong đó 106 mô hình được nhận giải. Yên Bái có hàng ngàn các cơ sở chế biến ván bóc, nếu các cơ sở sản xuất, cơ quan chức năng quan tâm đầu tư, nghiên cứu hoàn thiện để "Thiết bị phơi ván bóc” của em Thuận và Ngân được đưa vào áp dụng trên thực tế thì rất tốt vì bảo đảm ý nghĩa về kinh tế và xã hội”.
Chia tay nhà "sáng chế” trẻ, về dự định tương lai, Thuận chia sẻ: "Em đang cố gắng học tập thật tốt để năm sau đỗ vào đại học như chị Ngân. Mục tiêu của em là Học viện Kỹ thuật Quân sự”. Được biết, Thuận là con thứ trong gia đình có hai chị em và chị đã học xong đại học và du học bên Nhật Bản.
Với khao khát sáng tạo và sự quan tâm tạo điều kiện của gia đình và xã hội, hy vọng ước mơ của Thuận sẽ thành hiện thực. Bên dòng sông Chảy sẽ xuất hiện một kỹ sư tài năng với những sáng chế thiết thực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước.
Nguyễn Đình
Các tin khác
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tiếp tục cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G cho Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Sáng 17/10, Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 11, đưa hai phi hành gia lên quỹ đạo và sẽ kết nối với trạm không gian Thiên Cung 2.
Một nhóm các nhà khảo cổ đã phát hiện 2 ngôi mộ cổ thuộc nền văn minh Maya dưới hai kim tự tháp ở thành phố cổ Holmul, phía Bắc của Guatemala.
Xe bay, môtô bay hay xe tự lái là những phương tiện giao thông chỉ có trong phim viễn tưởng. Tuy nhiên chỉ vài năm tới, những mẫu xe này sẽ chạy đầy đường.