Cơ hội mới cho cam sành Lục Yên

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/1/2017 | 8:21:47 AM

YBĐT - Tháng 7/2016, UBND huyện Lục Yên đã đề nghị tỉnh tiếp tục dành nguồn vốn từ ngân sách sự nghiệp khoa học để triển khai Dự án: “Chọn lọc, bình tuyển và phát triển nguồn gen cam sành”

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ hai, bên trái) và các đại biểu tham quan sản phẩm cam Lục Yên tại Lễ công bố Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên”.
Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ hai, bên trái) và các đại biểu tham quan sản phẩm cam Lục Yên tại Lễ công bố Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên”.

Cách đây gần hai thập kỷ, cây cam sành được xác định là cây kinh tế mũi nhọn của huyện Lục Yên, diện tích trồng cam thời điểm năm 2000 lên tới 700ha. Sau đó, diện tích này giảm sút nghiêm trọng và mất dần thương hiệu do nhiều nguyên nhân.

Trước thực trạng đó, năm 2015, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lục Yên đã triển khai Dự án “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng, thâm canh cây cam sành theo hướng bền vững tại huyện Lục Yên”.

Tháng 4/2015, Phòng NN&PTNT huyện Lục Yên - đơn vị chủ trì thực hiện cùng với Chủ nhiệm Dự án lựa chọn được 7 hộ dân tại xã Khánh Hòa và Tân Lĩnh (Lục Yên) tham gia mô hình trồng mới 5 ha cam sành được nhân giống bằng phương pháp ghép mắt làm cơ sở tuyên truyền, khuyến cáo những tiến bộ kỹ thuật trong trồng, thâm canh theo hướng bền vững nhằm cải thiện môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của cây cam sành tại địa bàn huyện Lục Yên...

Tổng kinh phí thực hiện Dự án (từ ngân sách sự nghiệp khoa học) là 530 triệu đồng, trong đó năm 2015 thực hiện 380 triệu đồng và năm 2016 thực hiện 150 triệu đồng.

Thạc sỹ Lê Viết Đại - Phó phòng NN&PTNT huyện Lục Yên, Chủ nhiệm Dự án cho biết: Hiện nay, trên 90% diện tích cam sành được trồng mới tại huyện đều sử dụng cành chiết làm giống, cành chiết từ các vườn đang sản xuất kinh doanh do các hộ nông dân tự thực hiện nên chất lượng cây không được kiểm soát và đảm bảo. Với cách chiết cành này, do tâm lý sợ ảnh hưởng đến cây mẹ và tiếc cây tốt nên 90% số cây giống đều được chiết từ các cây kém phát triển và từ các cành loại thải, thậm chí từ các cây đang bị bệnh sắp chết do đó làm giảm khả năng phát triển, tăng nguy cơ lây lan bệnh và giảm chất lượng giống...

Để giúp người dân trong huyện biết cách nhân giống và sử dụng giống cây cam sành từ nguồn gốc cây khỏe, sạch bệnh, sản xuất theo phương pháp ghép cành; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, trồng cây cốt khí, làm đường đồng mức, đường bậc thang để ngăn dòng chảy chống xói mòn và rửa trôi về mùa mưa... chúng tôi đã lựa chọn hộ các ông: Bùi Văn Thông, Trần Văn Dụ, Hoàng Văn Việt, Hoàng Văn Long ở xã Khánh Hòa và hộ ông Hoàng Văn Tuyến, Vương Quốc Thọ, Nguyễn Hồng Quân ở xã Tân Lĩnh tham gia mô hình trồng mới 5 ha cam sành được nhân giống bằng phương pháp ghép mắt, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thâm canh tổng hợp cam của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Cùng thực hiện mô hình trồng mới cam ghép mắt, đơn vị chủ trì đã chọn 3 hộ đủ điều kiện để xây dựng mô hình thâm canh gồm hộ ông Trịnh Văn Hưng, Tạ Quốc Bảo, Tạ Quốc Dưỡng ở thôn 6, xã Khánh Hòa với diện tích là 5 ha - Thạc sỹ Lê Viết Đại bổ sung thông tin.

Để đưa kỹ thuật tới các hộ tham gia xây dựng mô hình và các hộ dân trong vùng triển khai thực hiện Dự án nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh cam sành theo hướng an toàn nhằm thực hiện tốt mô hình của mình là cơ sở để tuyên truyền, nhân rộng cơ quan chủ trì đã phối hợp với chính quyền xã Khánh Hòa và Tân Lĩnh tổ chức 7 lớp tập huấn kỹ thuật, phát tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng mới, chăm sóc, thâm canh cam sành theo hướng an toàn, thu hoạch và bảo quản cam cho 210/210 hộ nông dân ở xã Khánh Hòa và Tân Lĩnh.

Sau khi tập huấn, đơn vị chủ trì Dự án đã cung cấp 3.425 cây cam sành được nhân giống bằng phương pháp ghép cành, bảo đảm tiêu chuẩn do Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả Gia Lâm sản xuất; hỗ trợ đầy đủ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để xây dựng mô hình trong 2 năm thực hiện Dự án gồm: phân đạm 562 kg, phân lân 3.000 kg, phân kaly 468 kg, vôi bột 1.873 kg, thuốc BVTV 7,5 kg.

Cuối tháng 10/2015, đơn vị chủ trì đã hướng dẫn kỹ thuật trồng cam cho 7 hộ tham gia mô hình tại xã Khánh Hòa và Tân Lĩnh trồng cam theo đúng kỹ thuật: đặt bầu cây vào hố, xé bỏ vỏ bầu (không làm vỡ bầu) đặt cây đứng thẳng vào giữa hố, mặt trên của bầu ngang với mặt hố; lấp đất nén chặt xung quanh bầu và lấp kín mặt bầu bằng đất màu tơi xốp, lấp đất dày từ 1,5 cm đến 2cm cho kín cổ rễ. Cây được trồng thẳng đứng, mắt ghép quay về hướng gió chính.

Trồng xong tiến hành cắm cọc cho cây để gió khỏi làm lay đổ cây (cọc được cắm nghiêng 1 góc 45 độ so với cây), tưới nước đẫm để rễ cây và đất tiếp xúc chặt với nhau và tủ gốc bằng rơm rạ, cỏ khô để giữ ẩm cho đất, tủ cách gốc 10 - 15 cm để tránh sâu bệnh xâm nhập...

Đối với 3 hộ tham gia mô hình thâm canh 5 ha cam tại thôn 6 xã Khánh Hòa được hỗ trợ đầy đủ phân bón, thuốc BVTV để xây dựng mô hình gồm: phân đạm 4.375 kg, phân lân 1.875 kg, phân kaly 2.500 kg, vôi bột 2.500 kg, thuốc BVTV 25 kg thâm canh cam theo kỹ thuật do đơn vị chủ quản Dự án hướng dẫn.

Các hộ tham gia mô hình thâm canh cam sành còn được tập huấn một lớp với nội dung hướng dẫn các hoạt động để chứng nhận sản phẩm và được cấp Giấy chứng nhận an toàn cho vườn cam mô hình...

Sau 2 năm triển khai mô hình “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng thâm canh cây cam sành theo hướng bền vững tại huyện Lục Yên”, đơn vị chủ trì Dự án đã xây dựng được 5 ha mô hình trồng mới giống cam sành được nhân giống bằng phương pháp ghép mắt (xã Khánh Hòa và Tân Lĩnh) theo hướng bền vững.

Tỷ lệ cây sống đạt 98,50%, cây cam sinh trưởng phát triển khá tốt: sau 12 tháng cây có chiều cao trên 139 cm; đường kính gốc 1,80 cm; đường kính tán 102,79 cm... dự kiến sau 4 đến 5 năm trồng cây cam sẽ cho thu hoạch.

Đơn vị chủ quản Dự án cũng đã xây dựng được mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh 5 ha cam sành tại xã Khánh Hòa, năng suất năm 2015 đạt 608,33 tạ/ha; năm 2016 đạt 715,5 tạ/ha, tăng hơn so với sản xuất đại trà 18 - 20%, đủ điều kiện để cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn.

Hiệu quả kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng đánh giá hiệu quả của việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh cam sành giai đoạn kinh doanh và so sánh với mô hình sản xuất truyền thống. Chi phí đầu tư ở mô hình thí nghiệm là trên 58 triệu đồng/ha, ở mô hình sản xuất đại trà là gần 38 triệu đồng/ha, chênh lệch là trên 20 triệu đồng/ha.

Sự khác biệt ở mô hình thí nghiệm và mô hình sản xuất đại trà là tại mô hình thí nghiệm chi phí tăng do bón phân chuồng, vôi, lân supe; còn mô hình sản xuất đại trà tăng ở mức đầu tư phân đạm urê, thuốc BVTV.

Lợi nhuận bình quân của mô hình thí nghiệm là trên 566,7 triệu đồng/ha, cao hơn so với mô hình sản xuất đại trà là trên 102,1 triệu đồng/ha. Hơn nữa, tại mô hình thí nghiệm do sản xuất cam an toàn và được cấp giấy chứng nhận an toàn nên đã có đơn vị thu mua toàn bộ sản phẩm, không lo vấn đề đầu ra “được mùa, mất giá”...

Thạc sỹ Lê Viết Đại - Chủ nhiệm Dự án Kiểm tra mô hình thâm canh cam của hộ gia đình ông Trịnh Văn Hưng ở thôn 6, xã Khánh Hòa.

Ông Trịnh Văn Hưng - Chủ vườn cam tham gia Dự án thâm canh cam sành ở thôn 6, xã Khánh Hòa phấn khởi khoe: “Trước đây, gia đình tôi thâm canh cam theo kiểu truyền thống, bón phân, phun thuốc BVTV không theo một khung lịch nào cả, lượng phân bón cho 1ha cũng không tính được nên năng suất chỉ đạt gần 6 tạ/ha, vườn cam chưa được cấp chứng chỉ an toàn nên vẫn bị tư thương ép giá khó tiêu thụ. Từ năm 2015, tôi tham gia Dự án thâm canh cam sành của huyện với 2,4 ha, được tập huấn và cấp Giấy chứng nhận an toàn cho vườn cam, năng suất đạt 716 kg/ha, thương lái đến tận vườn đặt mua, giá cả ổn định. Năm nay, tiền thu nhập mỗi mỗi héc-ta của gia đình tôi tăng  trên 100 triệu đồng...”.

Từ thành công của Dự án “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng thâm canh cây cam sành theo hướng bền vững tại huyện Lục Yên”. Tháng 7/2016, UBND huyện Lục Yên đã đề nghị tỉnh tiếp tục dành nguồn vốn từ ngân sách sự nghiệp khoa học để triển khai Dự án: “Chọn lọc, bình tuyển và phát triển nguồn gen cam sành”.

Đơn vị thực hiện là Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả thuộc Viện nghiên cứu Rau, quả Trung ương. Hiện nay Trung tâm đã khảo sát, điều tra, tuyển chọn các cây cam sành có năng suất, chất lượng tốt chọn để làm cây đầu dòng (cây bố mẹ) tiến hành ghép mắt nhân giống cung ứng cho nhân dân trong huyện trồng mở rộng diện tích cam sành đặc sản Lục Yên này.

Trung tuần tháng 1/2017, UBND huyện Lục Yên tổ chức Lễ công bố và đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên” cho sản phẩm cam quả của huyện Lục Yên. Đây là động lực để người dân Lục Yên tiếp tục mở rộng diện tích cam sành đặc sản, áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh theo hướng bền vững để cây cam sành trở thành cây làm giàu của nhiều hộ dân trong huyện. 

Minh Hằng

Các tin khác

Từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định.

Đến năm 2050 phát triển 5.886 trạm khí tượng thủy văn. Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 289/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Apple thường nhắn tin cảnh báo người dùng về các cuộc tấn công mã độc.

Apple vừa gửi thông báo đến người dùng iPhone tại 92 quốc gia về rủi ro trở thành mục tiêu tấn công của các “mã độc đánh thuê”.

Các đại biểu tham quan Trung tâm dữ liệu Viettel Hoà Lạc.

Trung tâm dữ liệu Viettel Hoà Lạc với công suất 30MW, lớn nhất Việt Nam, là trung tâm dữ liệu đầu tiên được thiết kế công suất cao, đáp ứng xu thế phát triển của trí tuệ nhân tạo với yêu cầu về các con chip hiệu năng cao, gia tăng khả năng tính toán.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục