Kỷ niệm Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5:

Một số giải pháp trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/5/2017 | 2:11:53 PM

YBĐT - Khoa học và công nghệ (KH&CN) ngày càng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá; KH&CN đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả trong lao động, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa cho xã hội.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2017 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng Bằng khen cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác khoa học và công nghệ của tỉnh.  (Ảnh: Nguyễn Giang)
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2017 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng Bằng khen cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác khoa học và công nghệ của tỉnh. (Ảnh: Nguyễn Giang)

Đặc biệt trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, người nông dân giữ vai trò chủ thể, KH&CN có vai trò trọng yếu, bảo đảm phát triển bền vững, là điều kiện thiết yếu đem lại hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa đó, trong những năm qua hoạt động KH&CN của tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng KH&CN thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Hoạt động KH&CN đã có những đóng góp thiết thực trong mỗi khâu, mỗi bước, giúp cho việc xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp sát thực tế và phù hợp với xu hướng phát triển chung của đất nước, nhất là việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích và làm giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; tập trung đẩy mạnh ứng dụng thành tựu về công nghệ sinh học, thông qua việc tuyển chọn, chuyển đổi, sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; xây dựng, nhân rộng mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp  trên địa bàn tỉnh đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Công tác triển khai thực hiện các đề tài, dự án KH&CN được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hàng năm, tỉnh đã dành 50 - 60% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học cho nghiên cứu, chuyển giao xây dựng các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Từ năm 2011 đến nay, Yên Bái đã triển khai thực hiện 215 đề tài, dự án khoa học và dự án xây dựng mô hình nông, lâm nghiệp.

Qua 7 lần tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh, hai năm một lần, đã có hàng trăm sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn góp phần chuyển biến tích cực, bám sát các yêu cầu thực tiễn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật để phát triển những giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng, bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn gen cây trồng vật nuôi đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế như: bưởi Đại Minh (Yên Bình), cam sành (Lục Yên), nếp Tú Lệ (Văn Chấn), sơn tra, gà đen của dân tộc Mông (Mù Cang Chải)...

Hầu hết các đề tài, dự án khoa học thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp đều tập trung hỗ trợ trực tiếp nông dân về giống mới, vật tư, đặc biệt về kỹ năng canh tác và năng lực tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đã có tác động tốt đến đời sống kinh tế, xã hội của vùng triển khai đề tài, dự án.

Thông qua thực hiện các đề tài, dự án đã đưa nhiều công nghệ mới vào sản xuất. Qua đó, người dân đã từng bước tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, đã tạo được động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, hàm lượng KHCN trong giá trị sản phẩm, hàng hoá đã được nâng lên, góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng, sản lượng hàng hóa.

Đẩy mạnh việc hướng dẫn, xây dựng xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận,nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm đặc sản có thế mạnh của tỉnh, như: xây dựng chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên; nhãn hiệu chứng nhận chè Suối Giàng (Văn Chấn), sơn tra (Mù Cang Chải), bưởi Đại Minh (Yên Bình); nhãn hiệu tập thể miến đao Giới Phiên thành phố Yên Bái... Qua xây dựng, xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm trên, đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để phát huy và khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của một tỉnh miền núi với trên 80% dân số sống bằng nghề nông, đồng thời thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26 ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM giai đoạn 2010 - 2020, Yên Bái cần:

Tiếp tục gắn kết chặt chẽ với các cơ quan khoa học của trung ương đóng trên địa bàn tỉnh hoặc khu vực, các trường đại học, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để xác định, lựa chọn tiến bộ kỹ thuật chuyển giao ứng dụng cho phù hợp, phát huy hiệu quả với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Thực hiện việc đầu tư nâng cao tiềm lực KH&CN cho các tổ chức KH&CN đủ mạnh, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo yêu cầu phát triển. Các đề tài, dự án được xây dựng bám sát mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp và người dân trong hoạt động nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN.

Tiếp tục tham mưu cho tỉnh tăng cường lực lượng cán bộ làm công tác khoa học cả về số lượng và chất lượng thông qua việc có chính sách động viên, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng tốt cán bộ trẻ có trình độ cao.

Nâng cao chất lượng sản phẩm KH&CN: các nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra phải thật sự gắn bó chặt chẽ với yêu cầu thực tiễn của sản xuất - kinh doanh, để hoạt động khoa học trở thành động lực mạnh mẽ của sự phát triển kinh tế, tránh lãng phí, tạo ra của cải vật chất mới, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển xã hội.

Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ để hoàn thiện kết quả KH&CN có khả năng thương mại hóa. Xây dựng hệ thống các tổ chức dịch vụ chuyển giao và truyền bá công nghệ làm cầu nối giữa khoa học với sản xuất, phục vụ việc tạo lập và phát triển thị trường KH&CN của tỉnh.

Tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các thành tựu KH&CN phục vụ sản xuất, trong đó ưu tiên tập trung lĩnh vực công nghệ sinh học thông qua việc chọn tạo giống cây trồng vật nuôi đạt ưu thế phù hợp với điều kiện sản xuất địa phương và ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến nông, thủy sản, công nghệ sản xuất sạch... để tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tập trung ưu tiên cho những sản phẩm chính của tỉnh. Đẩy mạnh việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, xây dựng và tổng kết nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả để nâng cao giá trị trong sản xuất và góp phần tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh.

Tăng cường khả năng tiếp thu và ứng dụng KH&CN cho người nông dân bằng cách xây dựng chương trình và nội dung học tập thiết thực cho nông dân theo hướng phải phù hợp với trình độ của người nông dân, sát với thực tế phát triển nông nghiệp và nông thôn trong từng giai đoạn.

Trước mắt, trang bị cho nông dân trực tiếp sản xuất các kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật chăn nuôi, bảo vệ thực vật, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình sản xuất có hiệu quả đưa vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Những người trực tiếp lãnh đạo quản lý ở các cơ sở cần trang bị các kiến thức về quản lý kinh tế.

Tăng cường hơn nữa khả năng liên kết vững chắc giữa nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà quản lý, thông qua nhiều hình thức hỗ trợ và đẩy mạnh việc xây dựng hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác, mô hình trang trại để thực hiện có hiệu quả các vấn đề có liên quan về khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế và thị trường...

Tăng cường công tác quốc tế trong XDNTM, hợp tác quốc tế trong sản xuất nông nghiệp, quảng bá và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Nghiên cứu lựa chọn ứng dụng các công nghệ sản xuất nông nghiệp của nước ngoài như giống, máy cơ giới nông nghiệp, phân bón, tưới tiêu hiện đại tiết kiệm nước... Đề xuất kêu gọi các dự án tài trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn...

Phan Huy Cường (Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh)

Các tin khác

Từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định.

Đến năm 2050 phát triển 5.886 trạm khí tượng thủy văn. Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 289/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Apple thường nhắn tin cảnh báo người dùng về các cuộc tấn công mã độc.

Apple vừa gửi thông báo đến người dùng iPhone tại 92 quốc gia về rủi ro trở thành mục tiêu tấn công của các “mã độc đánh thuê”.

Các đại biểu tham quan Trung tâm dữ liệu Viettel Hoà Lạc.

Trung tâm dữ liệu Viettel Hoà Lạc với công suất 30MW, lớn nhất Việt Nam, là trung tâm dữ liệu đầu tiên được thiết kế công suất cao, đáp ứng xu thế phát triển của trí tuệ nhân tạo với yêu cầu về các con chip hiệu năng cao, gia tăng khả năng tính toán.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục