Giáo sư Trung Quốc 34 tuổi Hạ Kiến Khôi (He Jiankui) hôm 26/11 tuyên bố rằng hai bé gái song sinh khỏe mạnh đã được sinh vào tháng 11/2018 từ các phôi thai được ê-kíp của ông chỉnh sửa để vô hiệu hóa một gen liên quan đến HIV. Theo ông Hạ, một nam giới dương tính HIV đã trở thành cha đẻ của 2 bé gái sinh đôi kháng được virus HIV này.
Giáo sư Hạ đã sử dụng công cụ CRISPR-Cas9 để "biên tập” gen người, sau đó đưa gen này vào cơ thể 7 phụ nữ để thụ tinh, bắt đầu từ tháng 3/2017. Một trong 7 phụ nữ này được cho là đã sinh hạ cặp song sinh nói trên.
Ông Hạ Kiến Khôi là giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ phương Nam ở Thâm Quyến, Tuy nhiên trường đại học này cho biết ông đã nghỉ không lương tại đó từ tháng 2/2018.
Giáo sư Hạ chọn virus HIV vì đây là vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc. Đất nước này có từ nửa triệu đến 1,5 triệu người nhiễm HIV.
Tuyên bố của ông Hạ về việc tạo ra những em bé chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới đã làm dấy lên những quan ngại ở khía cạnh đạo đức về dự án này.
Phản ứng từ trong và ngoài Trung Quốc
Sau các tiết lộ của ông Hạ, giới chức Trung Quốc đã chỉ trích công trình này và ra lệnh điều tra về các thí nghiệm.
Các bên được đề cập trong nghiên cứu này đã phủ nhận mình biết về dự án của ông Hạ. Vào hôm 27/11, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho hay họ sẽ điều tra liệu vị giáo sư này có vi phạm luật hay không. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Xu Nanping cho biết, ông đã bị sốc về các tuyên bố của giáo sư Hạ. Ông Xu cho biết thêm, các thí nghiệm này đã bị cấm từ năm 2003.
Hơn 100 nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đã ký vào một tuyên bố gọi đây là thí nghiệm "điên rồ”.
Trên thế giới, các nhà khoa học cũng công kích thí nghiệm của giáo sư Hạ.
Theo Feng Zhang - nhà sinh vật học phân tử đến từ Viện Nghiên cứu Não McGovern tại Viện Công nghệ Massachusetts, thì kết quả của các thí nghiệm này không được xử lý một cách minh bạch.
Giáo sư Hạ Kiến Khôi tại một hội thảo quốc tế về chỉnh sửa gen, tổ chức ở Đại học Hong Kong.
Việc ông Hạ lựa chọn ngăn ngừa HIV làm ứng dụng đầu tiên cho chỉnh sửa gen ở trẻ em trở thành mục tiêu chỉ trích. Việc lây lan HIV đã tương đối dễ ngăn chặn mà không cần dùng đến chỉnh sửa gen. Do vậy, nhà đạo đức sinh học Trung Quốc Renzong Qiu đã so sánh việc dùng CRISPR để chữa lây HIV với việc "dùng đại bác để bắn chim”.
Tuy nhiên, cũng có những người bảo vệ việc ông Hạ can thiệp vào gen người. Nếu được ứng dụng đúng, công cụ CRISPR có tiềm năng chữa được các bệnh chết người về gen mà hiện được coi là vô phương cứu chữa. Giáo sư kỹ thuật sinh học Michael Deem, nói với AP rằng ông hoàn toàn nghĩ rằng những người tham gia thử nghiệm đã ý thức đầy đủ về các nguy cơ liên quan.
Trước sức ép từ dư luận trong nước và quốc tế, nhà khoa học gen Hạ Kiến Khôi cho biết thử nghiệm này đã bị ngưng lại.
AFP dẫn lời phát biểu của ông Hạ tại một hội thảo y khoa ở Hong Kong vào hôm 28/11: "Tôi phải xin lỗi, kết quả này bị rò rỉ bất ngờ”. Theo ông Hạ, "thử nghiệm lâm sàng này tạm ngừng do tình hình hiện nay”.
Còn một thí nghiệm nữa không được tiết lộ từ đầu
Theo tài liệu mới công bố, giáo sư Hạ Kiến Khôi trước đó còn tiến hành một thí nghiệm nữa trên phôi người.
Cụ thể, ông Hạ khởi xướng một dự án lâm sàng khoa học cơ bản 3 năm liên quan đến chỉnh sửa gen ở các phôi thai người bỏ đi, phối hợp với các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhân dân Luohu ở Thâm Quyến (Trung Quốc), theo một cơ sở dữ liệu có liên kết với Tổ chức Y tế Thế giới. Các thành viên trong nhóm nghiên cứu của dự án này chủ yếu đến từ bộ phận sản khoa của bệnh viện.
Tài liệu nói trên cho biết nghiên cứu có tên gọi Đánh giá Mức độ An toàn của Chỉnh sửa Gen ở Phôi thai Người, Khỉ và Chuột, và được Ủy ban Y đức của Bệnh viện Nhân dân Luohu – bệnh viện công hàng đầu ở Thâm Quyến, thông qua.
Tài liệu này, do các thành viên trong Ủy ban ký vào tháng 6/2017, cho biết, nghiên cứu trên là nhằm đánh giá độ an toàn của liệu pháp gen trong điều trị các bệnh liên quan đến di truyền và điều trị chứng vô sinh.
Tài liệu có đoạn: "Trong nghiên cứu này, chúng tôi sẽ sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9 phổ biến nhất và công nghệ biến dị gốc đơn lẻ phái sinh của nó nhằm tiến hành các thí nghiệm thăm dò về các mẫu phôi thai người bỏ đi lấy từ các quá trình sinh sản được hỗ trợ”.
Tài liệu cho biết, những người hiến phôi đã đồng thuận với điều này.
Nghiên cứu này tuyên bố đã sử dụng tổng cộng 400 mẫu phôi để can thiệp. Các mẫu sẽ được phá hủy sau sử dụng. Ngoài trường đại học của ông Hạ và bệnh viện nói trên, các nhà tài trợ cho dự án này bao gồm 2 bệnh viện ở Hồ Nam và Hà Nam và 1 trường đại học ở Côn Minh.
Một chuyên gia chất vấn: Vì sao 2 thí nghiệm này, đại diện cho các giai đoạn cơ bản và cao cấp của nghiên cứu chỉnh sửa gen lại được tiến hành đồng thời?
Còn Tiến sĩ Derrick Au Kit-sing, Giám đốc Trung tâm Đạo đức Sinh học, lại đặt câu hỏi vì sao các kết quả từ nghiên cứu cơ bản này về các phôi người bị bỏ lại chưa được công bố, nhưng thí nghiệm phức tạp hơn thì lại được khẳng định là thành công.
Tiến sĩ Kit-sing nhận xét rằng có những bước còn thiếu giữa 2 nghiên cứu này.
Nêu đặc điểm đồng dạng với công nghệ nhân bản, ông Kit-sing nói: "Sau vụ cừu Dolly, đã có nhiều động vật được thử nghiệm nhân bản... Bạn không thể nói rằng bạn thành công trong nhân bản cừu rồi cứ thế nhảy thẳng sang nhân bản người. Có một khoảng cách lớn [giữa 2 điều này]”.
(Theo VOV)