Đối với vụ xuân có thể sử dụng các giống như: L12, L14, MD7, L18… Thời gian sinh trưởng từ 120 - 130 ngày, cho năng suất cao và có nhiều đặc điểm nông học tốt: thân đứng, tán gọn, chống đổ, kháng bệnh khá, quả và hạt to, chịu thâm canh cao.
Để giúp bà con trồng lạc vụ xuân đạt hiệu quả, chúng tôi xin giới thiệu biện pháp kỹ thuật chủ yếu sau:
1. Thời vụ: vụ xuân gieo trồng từ 15/1 đến 25/2 dương lịch.
2. Chọn đất và làm đất:
- Chọn đất: cát pha, thịt nhẹ, dễ thoát nước.
- Làm đất: cày sâu từ 25 - 30 cm, bừa nhỏ tơi xốp và nhặt sạch cỏ dại trước khi rạch hàng.
Đối với đất ruộng 1 vụ lúa, cần lên luống rộng 90 - 100 cm, cao 30 - 35 cm.
Đất soi bãi gieo hạt theo luống rộng 2 - 3 m, xung quanh tạo các rãnh thoát nước.
3. Mật độ và khoảng cách:
Mật độ 35 - 40 cây/m2.
Khoảng cách: hàng cách hàng 30 cm, hốc cách hốc 15 - 20 cm, gieo 2 hạt/hốc.
Lượng giống cần cho 1 sào là 6 - 8 kg lạc vỏ.
4. Bón phân và chăm sóc:
* Lượng phân bón cho 1 sào như sau:
- Đạm urê: 2 - 3 kg; lân supe 15 kg.
- Kali: 4 - 5 kg; vôi bột 15 kg
- Phân chuồng ủ hoai mục: 300 - 350 kg.
* Cách bón:
- Bón lót 1/2 lượng vôi bột trước khi rạch hàng, 1/2 lượng đạm + toàn bộ phân lân trộn đều bón vào hàng đã rạch, phân chuồng bón lót sau cùng. Sau khi bón lót phân xong, lấp đất dày 2 - 3 cm để hạt gieo không bị tiếp xúc vào phân.
- Bón thúc: kali và 1/2 lượng đạm còn lại, bón thúc 1 lần sau khi cây có từ 3 - 4 lá thật. Sau khi lạc ra hoa từ 7 - 10 ngày bón 1/2 lượng vôi còn lại, sau đó vun nhẹ vào gốc, vôi được bón sâu 3 - 4 cm có tác dụng làm cho quả chắc, vỏ cứng, hạn chế nguồn bệnh.
5. Chăm sóc:
- Giặm hạt vào nơi mất khoảng khi cây có 2 lá mầm để bảo đảm mật độ.
- Khi cây có 2 lá thật tiến hành tỉa định cây theo mật độ quy định, cần xới phá váng khi trời mưa to.
- Xới xáo lần 1 khi cây có từ 3 - 4 lá thật kết hợp bón thúc, làm cỏ.
- Xới xáo lần 2 khi cây có từ 7 - 8 lá thật (trước khi cây ra hoa) xới sâu từ 5 - 6 cm, sát gốc, không vun gốc để cây phát triển cành cấp 1.
- Vun gốc vừa phải sau khi cây lạc ra hoa rộ khoảng 7 - 10 ngày.
- Cần bảo đảm đủ nước cho cây ở các thời kỳ: cây con, ra hoa, tạo quả. Có biện pháp tháo nước nhanh khi gặp úng.
6. Phòng trừ sâu, bệnh:
- Lạc thường bị sâu khoang, sâu xám, sâu xanh, rệp, rầy, nhện đỏ... dùng thuốc Dipterex hoặc Trebon 0,2%, Bestox 5 EC, Bitox 40 EC...
- Lạc bị lở cổ rễ, đốm nâu, rỉ sắt... diệt trừ bằng Boocdo 1%, Zinep 0,3%, Anvil 5 EC...
- Đối với bệnh chết ẻo (héo xanh vi khuẩn) dùng Starner 20 WP theo chỉ dẫn.
7. Thu hoạch:
Thu hoạch khi có số quả (củ) già đạt 85 - 90% tổng số quả/cây. Sau khi nhổ, vặt quả (củ) rửa sạch, phơi dưới nắng nhẹ đến khi bóc hạt thấy vỏ lụa tróc ra là được. Bảo quản giống trong chum, vại hoặc bao nilon.
Nguyễn Thị Hằng (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)