Việt Nam thực hiện thành công ca mổ u não đầu tiên bằng robot tại châu Á

  • Cập nhật: Thứ bảy, 16/2/2019 | 9:55:03 AM

Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 đã trở thành BV đầu tiên ở châu Á triển khai hệ thống robot này trong phẫu thuật thần kinh, sọ não. Đây thực sự là dấu ấn quan trọng của y khoa Việt Nam.

Ca phẫu thuật u não bằng robot Modus V Synaptive đầu tiên tại châu Á.
Ca phẫu thuật u não bằng robot Modus V Synaptive đầu tiên tại châu Á.

Chiều tối ngày 15/2, tiến sĩ (TS) Phan Văn Báu - Giám đốc BV Nhân dân 115 cho biết, ca mổ đặc biệt này do  thạc sĩ (Ths) Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Ngoại thần kinh cùng ê-kíp của BV trực tiếp thực hiện, với sự hỗ trợ của Giáo sư (GS) Amin Kassam - Phó Chủ tịch Viện phát triển thần kinh Aurora (Mỹ), cũng là người đưa ra ý tưởng về hệ thống robot trên.

Người được phẫu thuật là nữ bệnh nhân sinh năm 1952, ở Tây Ninh. Bà nhập viện trong tình trạng đau đầu, nói năng rất khó khăn, chân tay vận động yếu. Sau khi thăm khám và tiến hành các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị u não ở vùng trán, cách vỏ não khoảng 1,5 - 2cm, chi phối đến chức năng vận động.

TheoThs Chu Tấn Sĩ, khối u có kích thước rất nhỏ. Nếu phẫu thuật theo cách thông thường sẽ phải vén não và tìm tổn thương, nhưng sẽ để lại những di chứng thần kinh cho người bệnh. Vì vậy, sau khi hội chẩn, các bác sĩ nhận định người bệnh có thể được phẫu thuật bằng robot, để tránh các tổn thương lên não mà vẫn lấy được khối u.

Ca mổ bắt đầu lúc 9h sáng và kéo dài trong 90 phút (sớm hơn dự kiến tới 30 phút) thay vì phải mất tới 4 tiếng nếu sử dụng phương pháp truyền thống.

Với sự hỗ trợ của hệ thống định vị robot Modus V Synaptive, các bác sĩ đã lấy được toàn bộ khối u trong não của người bệnh, mà không gây tổn thương cấu trúc não kế cận. Chỉ sau 2 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi tỉnh, sức khỏe ổn định và được chuyển về Khoa Ngoại thần kinh chăm sóc.

"Vì là ca mổ đầu tiên về u não bằng hệ thống robot mới hoàn toàn, nên áp lực với chúng tôi rất nặng nề, dù ê-kíp đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu mổ bằng vi phẫu như trước đây, tôi phải nhìn vào bàn tay, còn nay, thông qua robot mọi thao tác đều nhìn trên màn hình. Với kiến thức được đào tạo tại Mỹ và Thụy Sỹ, với kinh nghiệm nghề nghiệp, chúng tôi đã hoàn thành tốt ca mổ” - Ths. Chu Tấn Sĩ chia sẻ.

Giáo sư  (GS) Amin Kassam không giấu được ngạc nhiên khi ca phẫu thuật thành công với kỷ lục về thời gian ngắn như vậy.

"Người bệnh mang khối u này như bị cú đấm, gây tức và phù nề dữ dội. Khối u não sẽ làm cho các sợi thần kinh cạnh nó trở nên mong manh, vì thế, để lấy được khối u đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải đạt đến mức độ chính xác rất cao. Bởi chỉ lệch một chút là đồng nghĩa với việc lấy đi một cánh tay, một đôi chân của người bệnh, thậm chí là liệt nửa người. Cuộc sống của người bệnh đặt lên ê-kíp bác sĩ. Và đôi tay của bác sĩ Chu Tấn Sĩ đã làm nên điều kỳ diệu” - GS. Amin Kassam nhận xét.

Việt Nam thực hiện thành công ca mổ u não đầu tiên bằng robot tại châu Á - ảnh 1
Nếu mổ bằng vi phẫu như trước đây, bác sĩ phải nhìn vào bàn tay, còn nay, thông qua robot mọi thao tác đều nhìn trên màn hình

GS Amin Kassam cho rằng ca phẫu thuật u não bằng robot là bước đi "lịch sử” của BV Nhân dân 115, khởi đầu cho một hành trình mới, để trong tương lai, BV có thể xây dựng nên Trung tâm đào tạo phẫu thuật thần kinh.

Bên cạnh đó, GS. Amin Kassam cho biết hệ thống Modus V Synaptive trang bị trong ca phẫu thuật này hiện đại nhất trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh hiện nay. Nó được ứng dụng tại Mỹ năm 2015 và chỉ 3 năm sau đã được đưa về BV Nhân dân 115 thế hệ thứ II có tính năng vận hành nhanh, chính xác.

Hệ thống Modus V Synaptive cho phép trực tiếp chụp ảnh MRI từng phần trên cơ thể người bệnh, sau đó hướng dẫn phẫu thuật viên thực hiện. Điểm nổi bật nhất của phương pháp phẫu thuật bằng robot là độ chính xác rất cao trong xác định vị trí phẫu thuật, hạn chế tổn thương phần mềm xung quanh, đường mổ nhỏ, phù hợp với các ca can thiệp về thần kinh sọ não đòi hỏi sự chuẩn xác tuyệt đối.

Ngoài ra, hệ thống này còn có thể điều hướng và tự động hóa cánh tay robot, cung cấp cho phẫu thuật viên những tiến bộ công nghệ mới nhất để thực hiện cuộc phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, phù hợp với từng bệnh nhân. Từ đó giúp bác sĩ lựa chọn cách tiếp cận tối ưu, giảm thiểu các biến chứng, nguy cơ gây tổn thương các vùng chức năng quan trọng như ngôn ngữ, thị giác và vận động.

Với kết quả bước đầu này, BV Ngày 115 hy vọng kỹ thuật này sẽ sớm được bảo hiểm y tế chi trả để nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị cho người bệnh.

(Theo viettimes.vn)

Các tin khác
Italia thử nghiệm thành công vaccine điều trị HIV/AIDS.

Các nhà khoa học Italia đã đạt được những kết quả hết sức khả quan trong việc điều trị chống HIV/AIDS với việc sử dụng vaccine cho các bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc kháng virus (cART).

Hệ thống máng cho gà uống nước tự động của anh Hoàng Hữu Cừ.

Anh Hoàng Hữu Cừ ở thôn Bản Nả, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên bắt đầu nuôi 1.000 con gà Minh Dư từ cuối tháng 9/2018. Diện tích chuồng nuôi gà, anh đầu tư xây dựng 109 m2, nền chuồng làm đệm lót sinh học.

Bệnh viện Phổi trung ương vừa triển khai thành công công kỹ thuật đốt u phổi bằng vi sóng dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính.

Samsung, Sony, LG hay Nokia hứa hẹn giới thiệu điện thoại cao cấp đời mới tại triển lãm MWC 2019 cuối tháng 2.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục