Phát biểu tại "Hội nghị 5G và sự phát triển ASEAN số” sáng 22/3, Theo Phó Thủ tướng, nhìn lại lịch sử nhân loại trong hàng nghìn năm hay các bước phát triển CNTT - Truyền thông trong nhiều thập kỷ gần đây đều thấy rõ trước sự thay đổi, tiến bộ của khoa học công nghệ nếu cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, dân tộc, khu vực nào chủ động, thuộc nhóm tiên phong đi đầu thì sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn. Đi cùng với đó là yêu cầu kết nối chặt chẽ từ quy mô một nhóm nhỏ đến cộng đồng, dân tộc và cả khu vực để giải quyết các vấn đề xã hội và ngày nay nhiều thách thức mang tính khu vực, toàn cầu.
"Các nước ASEAN có quyền tự hào là tổ chức có uy tín trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên trường quốc tế cũng bởi vì các dân tộc ở Đông Nam Á ý thức được điều này. Việt Nam luôn đồng thuận cùng nhau xây dựng cộng đồng ASEAN không chỉ vì các dân tộc trong khu vực mà còn đóng góp vào hoà bình, thịnh vượng trên thế giới”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh từ hai góc nhìn này cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội nghị đối với cộng đồng ASEAN, từng nước ASEAN và ngành CNTT - Truyền thông trong khu vực.
"5G nghĩa là nhanh hơn về tốc độ, nhiều vấn đề được xử lý gần như theo thời gian thực. Đi cùng với đó là sự phát triển của vượt bậc của công nghệ điện toán từ phần cứng như máy tính lượng tử, máy tính sinh học cho đến trí tuệ nhân tạo, công nghệ blockchain, thế hệ internet mới… Vậy liệu công nghệ 5G có làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất của thế giới hiện nay hay không?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, công nghệ 5G cộng với các công nghệ khác giúp cho các cá nhân tiếp cận thông tin nhanh hơn, phục vụ cho các nhu cầu sông, giải trí mà còn giúp mọi người sáng tạo tốt hơn. Điều quan trọng nhất là giúp mỗi người thực sự là trung tâm của sự phát triển bền vững bằng sự sáng tạo cá nhân của mình. Các DN từ siêu nhỏ đến tập đoàn đa quốc gia khi ứng dụng công nghệ 5G sẽ mang lại lợi nhuận lớn. Nhưng trong thời gian đầu triển khai công nghệ mới này chắc chắn sẽ có không ít khó khăn, rủi ro đối với các nhà cung cấp dịch vụ, cá nhân, tổ chức kinh tế…
Phó Thủ tướng mong muốn Hội nghị sẽ bàn và đưa ra những khuyến nghị cụ thể cho chính phủ các nước ASEAN để hỗ trợ công nghệ 5G phát triển trước hết là về sử dụng các tài nguyên như băng tần, chính sách khuyến khích giúp các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, các DN sử dụng mạnh mẽ công nghệ 5G cũng như các công nghệ mới để thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững tốt hơn… Phó Thủ tướng tin tưởng với sự bắt đầu của công nghệ 5G, các nước ASEAN có thể hợp tác chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm với nhau và với các nước đối tác ASEAN để đóng góp nhiều hơn cho công nghệ 5G so với các công nghệ trước đó.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của việc phát triển mạng 5G. Nền kinh tế số với những mô hình và phương thức kinh doanh mới đang tạo ra những cơ hội lớn cho các tổ chức và doanh nghiệp. Các công nghệ mới đột phá sẽ cho phép các chuỗi cung ứng được kết nối tốt hơn và phân phối hiệu quả hơn, đồng thời giảm chi phí hậu cần và giao dịch. Thông qua trao đổi trực tuyến sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh.
Với chủ trương khi thế giới triển khai 5G thì Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G. Ngay từ đầu năm 2019, Bộ Thông tin vầ Truyền thông đã triển khai cấp phép tần số cho các doanh nghiệp triển khai thử nghiệm 5G tại Hà Nội và TP.HCM. Việt Nam hiện nay đang tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất các thiết bị IoT, thiết bị viễn thông, chipset 5G, camera giám sát. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN để thành lập liên doanh và nhà máy sản xuất các sản phẩm CNTT - truyền thông. Đồng thời Việt Nam sẵn sàng mở và chia sẻ tất cả các bí quyết công nghệ với các quốc gia khác để tất cả thành viên ASEAN có thể làm chủ các thiết bị đảm bảo an ninh mạng quốc gia.
Với thông điệp "ASEAN cùng nhau làm, cùng nhau phát triển”, các nước ASEAN cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng số, hợp tác chặt chẽ hơn để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị mỗi nước ASEAN cần tích cực chủ trì triển khai một sáng kiến phù hợp và chia sẻ với các nước khác, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và phát huy được thế mạnh chung của ASEAN. Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực, phối hợp và hỗ trợ các nước ASEAN về các nội dung, lĩnh vực liên quan đến triển khai mạng 5G. ASEAN phải là khu vực đi đầu về ứng dụng 5G, đồng thời ASEAN phải liên kết chung thành khu vực đầu tiên của thế giới về kinh tế số.
Được biết, sáng ngày 21/3/2019, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG tổ chức Hội nghị ASEAN về phát triển mạng thông tin di động thứ năm (5G). Hội nghị ASEAN về 5G là một trong những sáng kiến của Việt Nam nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ và ứng dụng 5G. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã tới dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.
Đây là hội nghị đầu tiên của ASEAN về 5G và đã gửi đi thông điệp về việc các nước ASEAN sẽ cùng đi đầu với thế giới về công nghệ mới. Sẽ không còn chuyện, có những nước ASEAN đi sau thế giới như đã xảy ra với công nghệ 3G, 4G từ 6 đến 8 năm nữa. Đây cũng là hội nghị đầu tiên, khi các nước ASEAN cùng nhau trên tinh thần, làm việc cùng nhau, cùng nhau phát triển và cùng nhau bàn bạc về lộ trình cho một công nghệ mới.
(Theo VnMedia)