Với định hướng "Một nền nông nghiệp phát triển luôn dựa trên một nền KH&CN tiên tiến và ngược lại, nông nghiệp phát triển sẽ tạo điều kiện cho KH&CN phát triển”, những năm qua, Sở KH&CN Yên Bái tập trung ưu tiên dành trên 50% tổng kinh phí cho nghiên cứu, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học trong lĩnh vực sản xuất nông lâm - nghiệp.Đặc biệt là chú trọng hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ áp dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất.
Từ năm 2016 đến nay, Sở KH&CN đã chủ động, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kinh phí cho các đơn vị thông qua việc chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, bám sát định hướng của tỉnh đã xác định, sản xuất nông - lâm nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế; phát triển nông - lâm - ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng để ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
Năm 2018, công tác nghiên cứu triển khai đã thực hiện được 50 nhiệm vụ khoa học (35 nhiệm vụ chuyển tiếp sang năm 2018, 15 nhiệm vụ được tuyển chọn thực hiện mới) thì đã có 28 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp với kinh phí thực hiện chiếm trên 50% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học năm 2018.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở KH&CN cũng như Phòng Quản lý khoa học, hoạt động nghiên cứu, triển khai đã đi vào nề nếp, các mặt hạn chế, tồn tại của năm trước đã dần được khắc phục.
Đặc biệt, ngay từ hoạt động xác định nhiệm vụ, Sở đã phối hợp với các ngành, các địa phương chú trọng lựa chọn các thành viên hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ, coi đây là yếu tố quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng đề tài, dự án.
Các thành viên hội đồng là các chuyên gia, các nhà quản lý có uy tín, có trình độ chuyên môn phù hợp, am hiểu về tình hình kinh tế - xã hội, am hiểu sâu về lĩnh vực triển khai cũng như điều kiện triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học.
Việc tổ chức đánh giá, nghiệm thu đề tài, dự án kết thúc cũng được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định. Kết quả các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra nhiều nhân tố mới tích cực, tạo ra được những mô hình, giống cây trồng, vật nuôi, có giá trị kinh tế, góp phần chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản xuất theo hướng kinh tế hàng hóa gắn với thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân và thực hiện tốt đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, tồn tại.
Đó là, một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế-xã hội; chính sách hỗ trợ hoạt động liên kết, hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và tỉnh chưa thực sự rõ nét, do đó chưa khuyến khích được các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật tại địa phương; một số kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng nhưng chưa được nhân rộng, do còn khó khăn trong việc bố trí nguồn lực để nhân rộng kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu; điều kiện địa lý, khí hậu, đất đai với địa hình phức tạp, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra; trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sản xuất còn lạc hậu, tư tưởng sản xuất còn nhỏ lẻ nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc chuyển giao tiến bộ KH&CN vào cuộc sống, nhất là vùng sâu, vùng xa; thiếu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, đầu tư cho KH&CN vào phát triển nông nghiệp.
Trong thời gian tới, để KH&CN góp phần tích cực hơn nữa vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp với nội dung thiết thực, phù hợp điều kiện, thế mạnh của từng địa phương; chủ động mở rộng liên kết, hợp tác với các viện, các trường, các cơ sở nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao các tiến bộ KH&CN.
Đồng thời, xác định, lựa chọn tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất và cây trồng, vật nuôi phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn của tỉnh nhằm xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; có chính sách động viên, khuyến khích trong việc đào tạo, thu hút nguồn nhân lực KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp; tập huấn, nâng cao kiến thức và khả năng tiếp nhận kết quả tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; giới thiệu các tiến bộ, các mô hình sản xuất, các giống cây trồng, vật nuôi khi đưa vào sản xuất thực tế mang lại hiệu quả cao. Tập trung nguồn lực xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Một số đề tài, dự án khoa học đã được áp dụng
- Nhiệm vụ "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng năng suất bưởi Đại Minh và kết hợp nuôi ong lấy mật theo hướng sản xuất bền vững".
- "Chọn lọc và bảo tồn, phát triển giống nếp Tú Lệ tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn thực hiện năm 2016 - 2017".
- "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sử dụng môi trường Bio-Pig để pha loãng và bảo quản tinh dịch lợn đực giống ngoại trong nông hộ, phục vụ công tác phát triển đàn lợn lai chất lượng cao trên địa bàn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái".
- "Xây dựng mô hình tiến bộ kỹ thuật lai tạo bê lai giữa bò BBB và cái nền Zebu trên địa bàn tỉnh Yên Bái”.
- "Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón đến chất lượng bưởi Đại Minh tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái”.
- "Nghiên cứu phòng trừ sâu hại chính trên cây keo tai tượng (Acacia mangium Willd), keo lai (A. mangium x A. auriculiformis A. Cunn. ex Benth) tại tỉnh Yên Bái”.
- "Nghiên cứu tính thích ứng và biện pháp kỹ thuật trồng giống ổi OĐL1 tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái”.
- "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thương phẩm cá vược (Lates calcarifer) trong lồng tại hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái”. |
Hoàng Minh Tuân - (Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin Khoa học và Công nghệ)