Thế giới đang sử dụng amiang trắng như thế nào?
Amiang là tên thương mại dùng để gọi chung các loại sợi khoáng được khai thác từ trong các lớp đất đá của tự nhiên và chúng phân thành nhiều màu khác nhau như amiang trắng, nâu và xanh.
Trong đó, các loại amiang màu nâu và xanh, với cấu tạo dạng nhám, hình kim, khi vào phổi sẽ gây ra các tổn thương u trung biểu mô, đã bị cấm trên toàn thế giới. Chỉ có amiang trắng là loại sợi duy nhất còn được sử dụng với mục đích thương mại tại nhiều quốc gia lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, các quốc gia trong ASEAN... Sản lượng khai thác amiang trắng mỗi năm lên đến 2 triệu tấn với các nhà sản xuất chính là Nga, Trung Quốc, Brazil, Kazakhstan, và Ấn Độ. Trung Quốc hiện đang là nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới với hơn 500.000 tấn/năm để phục vụ cho các ngành công nghiệp đang phát triển của nước này.
Ngày nay, để đáp ứng các yêu cầu về an toàn cho sức khoẻ cộng đồng, chỉ có các sản phẩm chứa amiang trắng ở hàm lượng cao mới được phép sản xuất và đưa vào sử dụng vì khi đó sợi amiang trắng đã được gắn kết chặt chẽ trong kết cấu của xi măng làm giảm rủi ro phát tán sợi ra ngoài môi trường. Các loại vật liệu phổ biến sử dụng hỗn hợp amiang - xi măng gồm có tấm lợp fibro xi măng, ngói, tấm ốp tường, đường ống nước, bể chứa nước...
Quy định của Việt Nam liên quan amiang trắng nghiêm ngặt hơn nhiều quốc gia
Mỗi quốc gia đều đặt ra các quy định nhằm kiểm soát nồng độ bụi sợi trong không khí và đảm bảo an toàn môi trường lao động, bảo vệ sức khoẻ của công nhân và những người tiếp xúc với amiang.
Tại Mỹ, nồng độ tối đa cho phép là 0,1 sợi/ml trong một ca làm việc, Ấn Độ cho phép 1,0 sợi/ml, tại Nga là 2,0 sợi/ml. Quy định của các nước trong khối ASEAN khác như Philippines là 2,0 sợi/ml; Indonesia là 1,0 sợi/ml; Thái Lan là 5,0 sợi/ml.
Tương tự như các quốc gia khác, Việt Nam quy định nồng độ bụi sợi amiang trắng trong không khí tại nơi làm việc tương đương với chuẩn của Mỹ là 0,1 sợi/ml không khí tính trung bình 8 giờ và không vượt quá 0,5 sợi/ml không khí tính trung bình 1 giờ. Đây là mức độ nghiêm ngặt hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng phải thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân hàng năm và tổ chức quan trắc, giám sát môi trường nước và môi trường không khí trong cơ sở sản xuất với tần suất định kỳ 03 tháng một lần.
Tấm lợp fibro xi măng cho nhà của bà con vùng cao.
Có hay không ngưỡng an toàn và khả năng sử dụng amiang trắng có kiểm soát
Amiang trắng có cấu tạo gồm nhiều sợi nhỏ, xốp và mềm dẻo liên kết theo dạng xoắn ốc tạo thành ống hình trụ, rỗng và có thể uốn cong. Loại sợi này được coi như là nguyên liệu đầu vào lý tưởng trong sản xuất hàng nghìn các sản phẩm ứng dụng thuộc các lĩnh vực: vật liệu xây dựng, sản phẩm chịu ma sát như má phanh, miếng đệm, các loại vải sợi, quần áo chịu nhiệt, công nghiệp hàng không, công nghiệp dược phẩm, quân sự, vũ trụ... Nhiều quốc gia công nghiệp trên thế giới ngày nay vẫn sử dụng amiang trắng vì không thể tìm kiếm được loại nguyên liệu thay thế nào có tính hữu hiệu và ưu việt hơn.
Phần lớn amiang trắng được nhập khẩu vào Việt Nam để sản xuất tấm lợp fibro xi măng, loại tấm được bà con nghèo ưa chuộng vì có giá thành rẻ, độ bền cao, chịu được môi trường kiềm, môi trường khí hậu khắc nghiệt của các tỉnh miền núi và vùng ven miền biển.
Tuy nhiên, loại vật liệu này cũng đã gây ra nhiều tranh cãi suốt 20 năm qua về khả năng gây ảnh hưởng của nó đến sức khoẻ con người, dù những nghiên cứu khoa học trong nước đã khẳng định chưa tìm thấy trường hợp nào bị ung thư do phơi nhiễm với amiang trắng.
Theo nghiên cứu của Viện Vật liệu Xây dựng – Bộ Xây dựng năm 2014 về khả năng sinh bụi của tấm lợp thì các sợi amiang trắng liên kết rất sâu với đá xi măng đã bị thủy hóa. Các khoáng thủy hóa của xi măng bao bọc và thâm nhập sâu vào các lỗ hổng của sợi amiang trắng, tạo nên một kết cấu bền vững khó có thể phát tán ra ngoài, nên hầu như không gây ra rủi ro cho môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, khi tấm fibro xi măng bị rửa trôi thì cặn của nó không còn là các sợi amiang trắng nguyên chất mà là đá xi măng có chứa một phần nhỏ sợi được liên kết rất chặt chẽ, không thể bay lơ lửng trong không khí để có thể bị hít vào phổi.
Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hằng – Nguyên Gíam đốc Bệnh viện Xây dựng – Bộ Xây dựng cho biết nhiều năm qua Bệnh viện đã có những theo dõi, giám sát tình hình sức khỏe người lao động trong ngành sản xuất tấm lợp fibro xi măng và bệnh ung thư nghề nghiệp do tiếp xúc với amiăng trắng. Các kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ nguy hiểm gây bệnh nghề nghiệp trong ngành sản xuất tấm lợp fibro xi măng ở Việt Nam rất thấp. Chưa phát hiện trường hợp công nhân nào có tổn thương bụi phổi amiăng và các tổn thương ác tính liên quan đến amiang như ung thư phổi, ung thư trung biểu mô. Nồng độ bụi sợi trong môi trường lao động tại các nhà máy đạt tiêu chuẩn cho phép.
Đối với người sử dụng tấm lợp fibro xi măng, nghiên cứu đã tiến hành điều tra thực trạng sức khỏe và tỷ lệ tử vong của người dân xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, Tỉnh Hà giang – nơi có 69,4% số hộ dân sử dụng tấm lợp AC làm mái lợp. Khảo sát môi trường tại 30 vị trí khu vực nhà dân xã Tân Trịnh cho kết quả không phát hiện ra sợi amiăng trong các mẫu đo. Tỷ suất tử vong thô tại Quang Bình, Hà Giang ở mức trung bình so với các vùng khác tại Việt Nam và trên thế giới.
Năm 2015, Hội Sức khoẻ Công nghiệp Châu Á đã tiến hành điều tra đánh giá chất lượng không khí bằng cách đo lường lượng sợi amiang trắng trong môi trường khi thay thế, lắp thêm và thêm mới tấm lợp fibro xi măng tại các điểm: Nhà văn hóa Ninh Hiệp, Ninh Hiệp; Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dệt may xuất khẩu Thành Công - phường Bồ Xuyên - Thái Bình; Nhà cộng đồng thôn Đồng Nhuệ, xã Mỹ Thịnh, thành phố Nam Định; Cửa hàng Vật liệu xây dựng Mã Văn Lai, Nga Sơn, Thanh Hóa và CT CP Đầu tư xây lắp Vật liệu Km 26 Đông Anh, huyện Đông Anh.
Hình ảnh công nhân đang thay tấm lợp fibro xi măng cũ bằng tấm lợp mới.
Kết quả cho thấy lượng bụi sợi đo lường trên cơ thể công nhân tại công trình làm việc khi tháo dỡ các tấm lợp fibro xi măng cũ và lắp đặt các tấm lợp fibro xi măng mới có sử dụng khoan tay đều nằm dưới ngưỡng quy định.
Các nhà nghiên cứu khoa học, những chuyên gia đã làm việc và nghiên cứu trong ngành bụi phổi silic cho rằng, về nguyên tắc, các chất đều tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh, tuy nhiên, chúng phụ thuộc vào ba yếu tố: kích thước, liều lượng tiếp xúc và thời gian tồn tại trong cơ thể. Một vật hay một chất được coi là an toàn hay rủi ro gây bệnh đều phụ thuộc rất nhiều vào cách mà con người chúng ta sử dụng chúng hàng ngày. amiang trắng hoàn toàn có thể sử dụng một cách an toàn. Amiang trắng cũng vậy, vấn đề là sử dụng có kiểm soát.
(Theo Vietnam+)