Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ góp phần hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/8/2020 | 7:51:12 AM

Đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) luôn chú trọng công tác tham mưu giúp UBND tỉnh hoạch định các chính sách nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất.

Hội nghị bàn giao sản phẩm, kết quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh đã kết thúc, nghiệm thu năm 2019.
Hội nghị bàn giao sản phẩm, kết quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh đã kết thúc, nghiệm thu năm 2019.

Trên cơ sở bám sát vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao luôn là nhiệm vụ được ưu tiên trong công tác quản lý KH&CN của địa phương.

Năm 2019, bám sát phương châm hành động "Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, kỷ cương, hiệu quả” của Bộ KH&CN, các chủ trương, định hướng, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương, cá nhân và đơn vị chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh để thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai, ứng dụng đưa các tiến bộ KH&CN vào phục vụ sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Để không ngừng nâng cao chất lượng của hoạt động này, ngay từ khi xác định nhiệm vụ, Sở KH&CN đã phối hợp với các ngành, các địa phương chú trọng lựa chọn các thành viên Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ, coi đây là yếu tố quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng nhiệm vụ. 

Các thành viên tham gia Hội đồng là các chuyên gia, các nhà quản lý có uy tín, có trình độ chuyên môn phù hợp, am hiểu về tình hình kinh tế - xã hội, am hiểu sâu về lĩnh vực triển khai cũng như điều kiện triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học, phương thức làm việc của Hội đồng đảm bảo đúng tinh thần của Luật KH&CN. 

Đổi mới phương thức quản lý, chủ động đề xuất đặt hàng trên cơ sở bám sát Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy; Kế hoạch 218/KH-UBND của UBND tỉnh về việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2018 - 2020; Phương án số 01/PA-UBND của UBND tỉnh Yên Bái về việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản của tỉnh. 

Xác định công tác nghiên cứu, ứng dụng triển khai các nhiệm vụ khoa học là nhiệm vụ trọng tâm, Sở KH&CN phối hợp với Sở Tài chính tham mưu giúp UBND tỉnh phân bổ kinh phí cho các đơn vị thông qua việc chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN, trong đó dành gần 70% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học năm 2019 cho triển khai thực hiện nhiệm vụ này. 

Cùng với đó, phát triển nông - lâm - ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng để ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Sở tiếp tục ưu tiên cho nghiên cứu, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp. 

Đặc biệt chú trọng hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ áp dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất và xác lập quyền sở hữu trí tuệ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh. 

Kết quả công tác nghiên cứu triển khai năm 2019, đã thực hiện 41 nhiệm vụ khoa học, trong đó có 24 nhiệm vụ từ các năm trước chuyển tiếp sang năm 2019; 17 nhiệm vụ thực hiện mới, thuộc các lĩnh vực: sản xuất nông - lâm nghiệp 6 đề tài, dự án; khoa học xã hội 2 đề tài, dự án; công nghệ thông tin 2 đề tài; sở hữu trí tuệ 7 đề tài, dự án.

Song song với việc lựa chọn nhiệm vụ mới, thì việc tổ chức đánh giá, nghiệm thu đề tài, dự án kết thúc cũng được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định. Kết thúc năm 2019, đã có 16/16 nhiệm vụ được nghiệm thu, các nhiệm vụ đều được Hội đồng tư vấn khoa học cấp tỉnh đánh giá xếp loại "Đạt"; các nhiệm vụ KH&CN đều đáp ứng được mục tiêu, nội dung và tiến độ theo thuyết minh đề ra; nhiều nhiệm vụ được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao. 

Một số mô hình thử nghiệm trong sản xuất nông - lâm nghiệp đã được người dân đón nhận, chính quyền địa phương quan tâm, tiếp tục triển khai nhân rộng, bước đầu góp phần thay đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an ninh lương thực vùng cao, xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững. 

Điển hình là Đề tài "Đánh giá khả năng thích ứng của giống táo TAO05 tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái"; Đề tài "Nghiên cứu khả năng thích ứng của giống quýt đường không hạt tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái"; Đề tài "Nghiên cứu đặc điểm và các biện pháp phòng trừ loài sâu róm xanh ăn lá hại quế tại tỉnh Yên Bái". 

Cùng với đó, kết quả thực hiện một số nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế đã bước đầu cung cấp luận cứ, góp phần hỗ trợ tích cực hiệu quả hoạt động chuyên môn của các sở, ngành như: Đề tài "Nghiên cứu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong giai đoạn hiện nay"; Đề tài "Nghiên cứu đề xuất giải pháp đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Yên Bái"; Đề tài "Nghiên cứu đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả công tác quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp tại huyện Văn Yên, Lục Yên, tỉnh Yên Bái". 

Đối với lĩnh vực công nghiệp, sở hữu trí tuệ... các nhiệm vụ đã tập trung vào nghiên cứu sản phẩm mới và xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương, nổi bật như nhiệm vụ: Xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận "Cá hồ Thác Bà" cho sản phẩm cá của hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái; xác lập quyền đối với Nhãn hiệu tập thể "Thịt hun khói Mường Lò” cho sản phẩm thịt hun khói của vùng Mường Lò, tỉnh Yên Bái; nghiên cứu thiết kế, chế tạo bếp nướng không khói sử dụng than hoa kiểu dáng mới phục vụ thị trường trong và ngoài nước.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có những bước đi, cách làm đột phá, có sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, đặc biệt sự tâm huyết, có trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng, triển khai thực hiện đã góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. 

Tuy nhiên, hoạt động này cũng gặp phải những khó khăn trong quá thực hiện, do nhận thức chưa đầy đủ của cộng đồng xã hội về vai trò và sức ảnh hưởng của KH&CN đến đời sống và sản xuất; việc đầu tư cho KH&CN có tăng, tập trung vào nhiều lĩnh vực, nhưng hầu hết các đề tài, dự án ở quy mô nhỏ; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc nhân rộng, phát triển các kết quả nghiên cứu còn thiếu, phần nào ảnh hưởng đến việc nhân rộng mô hình của các tổ chức, cá nhân tham gia, dẫn đến một số nhiệm vụ khoa học sau khi kết thúc chưa phát huy ngay được kết quả nghiên cứu vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; mặt khác các điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

Để hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành KH&CN đã đề ra một số giải pháp chủ yếu để thực hiện trong thời gian tới, đó là: tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách, các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, các mô hình ứng dụng có hiệu quả... để các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống. 

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm, trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, công nghiệp, khoa học xã hội và nhân văn bao gồm: nghiên cứu ứng dụng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển theo hướng hàng hóa; xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, đẩy mạnh sản xuất, chế biến nâng cao chất lượng; ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất gắn với các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm, sản phẩm mũi nhọn và đặc hữu của tỉnh. 

Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tạo sản phẩm mới từ những nguyên liệu sẵn có; chế tạo máy móc vừa và nhỏ phục vụ sản xuất. 

Tập trung nghiên cứu một số vấn đề xã hội trong tình hình mới như: định hướng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, vấn đề tôn giáo, dân tộc..., làm cơ sở xây dựng luận cứ khoa học giúp hoạch định các chủ chương chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao sức khỏe cho nhân dân, phòng chống dịch bệnh; sưu tầm, bảo tồn và phát huy chọn lọc các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các loại hình văn hóa dân gian truyền thống, nghệ thuật cổ truyền. 

Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, các địa phương trong toàn tỉnh để hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN thực sự trở thành động lực góp phần vào sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Thu Hương - Minh Hằng

Các tin khác
Sơ đồ tuyến cáp quang biển Vietnam - Singapore Cable System (VTS)

Tuyến cáp quang biển Vietnam - Singapore Cable System (VTS) sẽ kết nối Việt Nam với Singapore, dự kiến đưa vào khai thác trong quý II/2027.

Từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định.

Đến năm 2050 phát triển 5.886 trạm khí tượng thủy văn. Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 289/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Apple thường nhắn tin cảnh báo người dùng về các cuộc tấn công mã độc.

Apple vừa gửi thông báo đến người dùng iPhone tại 92 quốc gia về rủi ro trở thành mục tiêu tấn công của các “mã độc đánh thuê”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục