Giải Nobel đầu tiên của mùa giải Nobel 2020 được trao cho 3 nhà khoa học trong lĩnh vực y học đã có đóng góp quyết định trong cuộc chiến chống lại bệnh viêm gan lây truyền qua đường máu, một vấn đề sức khỏe toàn cầu gây ra xơ gan và ung thư gan ở nhiều người trên thế giới, Ủy ban giải thưởng Nobel công bố trên Twitter ngày 5.10.
Theo đó, nhà khoa học Michael Houghton - được trao giải Nobel Y học năm 2020 - đã sử dụng một chiến lược chưa được thử nghiệm để phân lập bộ gene của virus mới được đặt tên là virus viêm gan C. Trong khi đó, nhà khoa học Charles M. Rice cung cấp bằng chứng cuối cùng cho thấy chỉ riêng virus viêm gan C có thể gây ra bệnh viêm gan.
Việc công bố giải Nobel Y học 2020 diễn ra vào lúc 11h30 sáng ngày 5.10, giờ địa phương, (tức 16h30, giờ Hà Nội) tại Viện Karolinska tại Solna, Stockholm, Thụy Điển.
Mùa giải Nobel 2020 bắt đầu với những bước đột phá trong lĩnh vực y học được vinh danh ngày 5.10. Giải thưởng Nobel Y học được công bố trong bối cảnh thế giới đang chống chọi với đại dịch tồi tệ nhất trong 1 thế kỷ.
Tiếp sau giải Nobel Y học, Nobel vật lý, hóa học, văn học và giải Nobel hòa bình lần lượt sẽ được trao vào ngày 6-9.10. Riêng giải Nobel kinh tế sẽ được trao vào ngày 12.10 tới.
Năm nay, đại dịch COVID-19 đã hướng sự chú ý của toàn cầu tới hoạt động nghiên cứu, AFP nhận định. "Đại dịch là một cuộc khủng hoảng lớn đối với nhân loại, nhưng nó cho thấy khoa học quan trọng như thế nào" - người đứng đầu Quỹ Nobel Lars Heikensten nói. Dự kiến không có giải thưởng nào được trao trong năm nay cho công trình liên quan trực tiếp đến virus Corona mới vì nghiên cứu đoạt giải Nobel thường mất nhiều năm để được xác minh.
Tiến sĩ Erling Norrby - cựu thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, đồng thời là một nhà virus học - cho hay: "Phải mất thời gian trước khi một giải thưởng có thể chín muồi, tôi sẽ nói ít nhất 10 năm trước khi bạn có thể hiểu hết tác động của một phát hiện".
Việc lựa chọn người trao giải của các ủy ban giải thưởng Nobel trong các lĩnh vực được giữ bí mật, tên của những người được đề cử không được tiết lộ trong suốt 50 năm.
Trước khi giải Nobel Y học chính thức được công bố, đài phát thanh công cộng Thụy Điển SR và nhật báo lớn nhất của đất nước Dagens Nyheter đều nhận định, Nobel Y học 2020 công bố ngày 5.10 có thể thuộc về nhà khoa học người Australia gốc Pháp Jacques Miller và nhà khoa học người Mỹ Max Cooper cho những khám phá của họ về tế bào T và tế bào B trong những năm 1960, dẫn đến những đột phá trong nghiên cứu ung thư và virus. Hai nhà khoa học này cũng từng thắng giải Lasker danh giá tại Mỹ vào năm 2019.
Ứng viên được dự đoán đạt giải Nobel Y học 2020 cũng được cho là nhà di truyền học người Mỹ gốc Lebanon Huda Zoghbi cho phát hiện ra đột biến gene dẫn đến hội chứng rối loạn não bộ mang tên Hội chứng Rett, cả SR và Dagens Nyheter đều cho biết.
Riêng Dagens Nyheter cũng hé lộ, nhà khoa học người Mỹ Mary-Claire King - người đã phát hiện ra gene BRCA1 chịu trách nhiệm cho một dạng di truyền của bệnh ung thư vú - cùng nhà nghiên cứu Ralf Bartenschlager của Đức và 2 nhà nghiên cứu người Mỹ Charles Rice và Michael Sofia - đã nỗ lực trong việc chữa bệnh viêm gan C - có khả năng được giải Nobel Y học 2020. Nhà nghiên cứu Ralf Bartenschlager, Charles Rice và Michael Sofia là chủ nhân của giải thưởng Lasker năm 2016.
Hai cái tên được nhắc đến thường xuyên khác là Emmanuelle Charpentier của Pháp và Jennifer Doudna của Mỹ, nhờ kỹ thuật chỉnh sửa gene được gọi là công cụ cắt ADN CRISPR-Cas9, được xem như một loại "kéo" di truyền dùng để cắt bỏ một gene đột biến trong phôi thai người và thay thế nó bằng một phiên bản đã sửa chữa.
Nhà khoa học người Mỹ gốc Trung Quốc Feng Zhang cũng tuyên bố đã khám phá ra kỹ thuật này, có thể đủ điều kiện cho cả giải thưởng y học và hóa học.
Nobel Y học 2020 cũng được dự đoán có khả năng thuộc về nhà miễn dịch học Marc Feldmann của Australia và nhà nghiên cứu người Anh gốc Ấn Độ Ravinder Maini cho nghiên cứu về bệnh viêm khớp dạng thấp và bác sĩ ung thư học người Mỹ Dennis Slamon cho nghiên cứu về ung thư vú và thuốc điều trị Herceptin.
(Theo LĐ)