Để các nhiệm vụ KHCN phát huy hiệu quả, ngay từ khi xác định, Sở dựa trên sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và những yêu cầu bức xúc đặt ra từ thực tiễn sản xuất và đời sống… đã có công văn đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện. Đây là tiền đề rất quan trọng để đưa KHCN phục vụ sát với thực tế sản xuất và đời sống, nhân rộng mô hình có hiệu quả để mọi người đều được hưởng lợi từ các kết quả nghiên cứu.
Quá trình đăng ký, đặt hàng phải có cam kết chủ trì việc tiếp nhận và tổ chức ứng dụng các kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ KHCN. Trên cơ sở đó, Sở tổng hợp và tổ chức xác định nhiệm vụ KHCN thông qua phiên họp của Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KHCN.
Hội đồng có nhiệm vụ xác định các nhiệm vụ KHCN có tính khả thi trong ứng dụng, đảm bảo được tính mới, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực, cấp thiết tại địa phương. Các thành viên hội đồng là các chuyên gia, các nhà quản lý có uy tín, có trình độ chuyên môn phù hợp, am hiểu về tình hình kinh tế - xã hội, am hiểu sâu về lĩnh vực triển khai cũng như điều kiện triển khai các nhiệm vụ khoa học.
Từ kết quả đó, Sở tiếp tục tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các quyết định về phê duyệt danh mục các nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, thẩm định, phê duyệt kinh phí và phân bổ kinh phí cho từng nhiệm vụ KHCN để tổ chức triển khai thực hiện, đánh giá, nghiệm thu kết quả.
Sau khi kết thúc nhiệm vụ KHCN, hàng năm, Sở cũng đã tổ chức bàn giao kết quả sản phẩm cho các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, có cam kết tiếp nhận để có kế hoạch tuyên truyền, đẩy mạnh công tác chuyển giao, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Như vậy, với quá trình đặt hàng, đề xuất, tổ chức, bàn giao nhiệm vụ KHCN này, các nhiệm vụ KHCN ngày càng đi vào trọng tâm và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra về những vấn đề cần KHCN giải quyết tại các sở, ngành và địa phương. Là huyện vùng cao của tỉnh, nhiều năm qua, huyện Mù Cang Chải đã bổ sung được thêm nhiều giống cây trồng từ kết quả của việc thực hiện nhiệm vụ KHCN trên địa bàn, đặc biệt là việc đưa các giống cây ăn quả ôn đới trồng trên đất đồi, nơi có địa hình cao và dốc đã cho thấy rõ hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo như: lê Đài Loan, hồng Fuyu Nhật hay mới đây là mận Úc, đào Pháp đang có những dấu hiệu tốt.
Anh Thào A Phổng ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tham gia nhiệm vụ KHCN "Trồng thử nghiệm giống hồng giòn Fuyu MC1 ở huyện Mù Cang Chải” năm 2014-2016 chia sẻ: "Khi tham gia vào mô hình, gia đình tôi được hỗ trợ, hướng dẫn tỉ mỉ cách trồng, chăm sóc giống hồng này. Giống hồng này không những rất phù hợp với đất nơi đây lại có mùa thu hoạch quả vừa đúng dịp lễ hội ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải nên cung không đủ cho cầu, giúp gia đình mỗi năm thu nhập thêm 50 triệu đồng. Gia đình tôi đã thoát nghèo và tiếp tục vươn lên làm giàu chính đáng”.
Từ những kết quả nghiên cứu từ nhiệm vụ KHCN, huyện Mù Cang Chải đã có những chính sách khuyến khích nông dân phát triển các cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao theo như cam kết khi tiếp nhận bàn giao nhiệm vụ KHCN như: phát triển 30 ha hồng Nhật tại xã Nậm Khắt, mở rộng phát triển các giống cây: lê Đài Loan, đào chín sớm, mận Úc…
Kết quả nghiên cứu KHCN đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý, phát triển ngành, địa phương; thay đổi tập quán, quy trình canh tác của nông dân theo hướng ứng dụng KHCN, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.
Hoài Anh