1.Thiết kế chuồng trại và hệ thống hỗ trợ
a) Vị trí: Nên chọn hướng đông nam hoặc hướng đông tránh được gió đông bắc thổi trực tiếp, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Địa điểm đặt chuồng nuôi có lối đi thuận lợi để vận chuyển con giống, thức ăn. Chuồng nuôi đặt nơi cao ráo, dễ thoát nước, dễ vệ sinh, tiện nguồn nước, không ô nhiễm môi trường, xa khu vực có nguy cơ lũ quyét, sạt lở, xa khu dân cư tối thiểu phải đạt 100 m trở lên...
b) Diện tích: Diện tích trung bình 1,8 - 2 m2/con lợn trưởng thành; các ô chuồng được thiết kế với 1/3 diện tích nền chuồng là xi măng, còn lại 2/3 nền chuồng là đệm lót có trộn chế phẩm sinh học, cần làm ô chuồng để nuôi cách ly khi cần.
c) Nền chuồng: Nền chuồng nuôi lợn cần xây chắc chắn mới chịu được sự ủi phá của lợn. Tốt nhất, đầm nén đất thật kỹ, đổ nền bằng bê tông để có tạo độ nhám tránh trơn trượt cho lợn. Nền chuồng cao hơn mặt đất 30 - 50 cm để tránh ẩm ướt, ngập úng và có độ dốc 3 - 5% để nước thải không đọng vũng mà chảy ra mương thoát nước.
d) Máng ăn, máng uống: Máng ăn được làm chắc chắn, đảm bảo dễ vệ sinh và thuận thiện cho sử dụng, máng ăn có độ cao thích hợp từ 13 - 15 cm. Máng uống có núm uống nước tự động cho từ 3 - 5 con/núm; núm uống được bố trí thiết kế dọc theo lòng máng uống, bố trí cách nhau 40 cm.
e) Hệ thống phun sương trong chuồng: Dọc chuồng bố trí hệ thống phun sương để điều hòa khí hậu chuồng nuôi, giảm stress cho lợn và bổ sung chế phẩm vi sinh theo quy định. Định kỳ phun sương chuồng trại với liều lượng 1 lít chế phẩm hòa với 1.000 lít nước (pha tùy theo số lượng lợn nuôi trong chuồng).
g) Đệm lót sinh học: Dùng trấu, cám cưa, xơ dừa hoặc rơm cắt ngắn để tạo lớp đệm lót có độ dày từ 15 - 20 cm trộn đều với chế phẩm vi sinh (Lacto Powder T) để quản lý môi trường mô hình chuồng nuôi (1kg chế phẩm vi sinh sử dụng cho 20m2 hay 1m3 đệm)
2. Yêu cầu về con giống:
- Về nguồn gốc: Lợn nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, đối với lợn nhập về từ ngoài tỉnh phải có kiểm dịch, trước khi nhập đàn; nuôi cách ly 14 ngày và kiểm tra âm tính với bệnh dịch tả châu Phi, ưu tiên sử dụng các giống lợn bản địa.
- Về ngoại hình: Lợn phải nhanh nhẹn, khỏe mạnh, lông da mịn màng, hồng hào thân hình phát triển cân đối không có dị tật.
3. Yêu cầu về thức ăn:
- Thức ăn phải có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng mốc, vón cục, mùi thơm, còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng an toàn. Kiểm soát các chất cấm, không chất kháng sinh, không chất tạo nạc, không chất tạo màu, không chất bảo quản. Thức ăn cho lợn từ 10 - 30kg cần lượng Protein thô -17% và năng lượng trao đổi là - 3.200Kcal/kg, thức ăn cho lợn từ 30 kg đến xuất chuồng cần lượng Protein thô - 16% và năng lượng trao đổi là - 3.000Kcal/kg đều đã bổ sung chế phẩm vi sinh để tăng sức đề kháng.
- Khẩu phần ăn cho lợn thịt:
- Cách ủ thức ăn: Để nâng cao hiệu quả sử dụng cần ủ thức ăn sau khi trộn chế phẩm vi sinh (Lacto Powder T).
- Cách làm: Chuẩn bị lượng thức ăn hỗn hợp vừa đủ cho đàn lợn nuôi trong ngày, dùng các xô chậu nhựa có nắp đậy phù hợp (cứ 25 kg thức ăn đã trộn với chế phẩm ủ với 14 - 16 lít nước sạch, thức ăn khi trộn với nước để hở 2 - 3 giờ, sau đó đậy kín ủ mùa hè từ 24 - 36 giờ, mùa đông 36 - 48 giờ khi nhiệt độ khối ủ đạt 38 - 400 C thì cho ăn).
4. Yêu cầu về nước uống: Nước uống đảm bảo sạch không có hóa chất độc hại, không có thuốc sát trùng. Sử dụng chế phẩm vi sinh cho vào nước uống để tăng sức đề kháng và phòng bệnh tiêu chảy cho đàn lợn với liều 60 ml chế phẩm (Lacto Powder T) cho 1 con, cho lợn uống vào 2 giai đoạn khác nhau, mỗi đợt liên tục trong 3 ngày, có máng dẫn riêng, không để nước chảy vào phần đệm lót, tuyệt đối không sử dụng nước tắm cho lợn và rửa chuồng.
5. Quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng: Thường xuyên kiểm tra đàn lợn, quét dọn sạch sẽ chồng trại, khu chăn nuôi; cho lợn ăn đúng tiêu chuẩn và khẩu phần, bổ sung thêm rau xanh và thức ăn có giầu chất xơ; điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm phù hợp theo thời tiết để đảm bảo ổn định môi trường chăn nuôi.
6. Công tác vệ sinh phòng bệnh: Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin phòng các bệnh truyền nhiễm theo quy định của các giai đoạn lợn nuôi; thường xuyên áp dụng đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát chặt chẽ vào ra của đàn lợn để phòng bệnh; sau khi xuất lợn, phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật cọ rửa, xử lý tiêu độc chuồng trại bằng phương pháp vật lý hoặc cơ học; sau mỗi lứa nuôi lấy phần đệm lót sinh học xử lý, vệ sinh chuồng trại rồi để trống chuồng trại 15 ngày mới đưa đàn mới vào nuôi.
Kỹ sư Ngô Đăng Sỹ (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)