Đây là nơi nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHCN, hoàn chỉnh quy trình, thực nghiệm kết quả các đề tài KHCN để áp dụng phù hợp với điều kiện của tỉnh, từ đó nhân rộng trong sản xuất của người dân.
Ông Lê Xuân Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin KHCN kiêm Giám đốc Trạm Nghiên cứu cho biết: "Trước năm 2019, Trung tâm đã có bộ phận hoạt động trong lĩnh vực thực nghiệm và chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp theo định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, Trung tâm lại chưa có địa điểm, cũng như cơ sở vật chất để cán bộ Trung tâm có thể trực tiếp nghiên cứu, thực nghiệm các mô hình. Bởi vậy, Trạm Nghiên cứu được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động không chỉ thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với lĩnh vực KHCN, mà còn mong muốn nơi đây thực sự là cầu nối đưa những tiến bộ KHCN đến gần hơn với nhân dân”.
Đến nay, trên diện tích hơn 4 ha tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái là một cơ ngơi được đầu tư từ hệ thống đường bê tông, điện chiếu sáng cho đến hệ thống nhà nuôi trồng, nhà lưới công nghệ cao, khu nhà điều hành, phòng nghiên cứu, nuôi cấy giống nấm… thực hiện 3 nhiệm vụ chính: triển khai các đề tài, dự án; hình thành các mô hình sản xuất để thực nghiệm ứng dụng các công nghệ sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh; đào tạo - tập huấn và chuyển giao công nghệ sản xuất cho người dân.
Một trong những nhiệm vụ thường xuyên hàng năm được Trạm Nghiên cứu chú trọng thực hiện là tập huấn, tuyên truyền, phổ biến và chuyển giao thành tựu KHCN cho nhân dân. 9 tháng của năm 2021, Trạm Nghiên cứu đã tổ chức 8 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật ứng dụng chế phẩm sinh học E.M trong sản xuất nông nghiệp và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học cho 245 lượt người; biên soạn 3 bộ tài liệu tập huấn kỹ thuật nuôi trồng một số loại nấm ăn và nấm dược liệu; tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng một số loại nấm ăn và nấm dược liệu với 60 lượt người dân tham gia tại xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên. Thông qua lớp tập huấn, nhóm triển khai thực hiện nhiệm vụ đã hỗ trợ 220 túi giống để xây dựng mô hình sản xuất nuôi trồng nấm mộc nhĩ với quy mô sản xuất 10.000 bịch.
Bên cạnh đó, các đề tài, dự án KHCN được tích cực triển khai, đảm bảo đúng tiến độ. Hiện, Trạm Nghiên cứu đang thực hiện 3 đề tài, dự án KHCN. Tất cả đều được theo dõi các chỉ tiêu khoa học tại mô hình theo đúng phương pháp, cập nhật sổ nhật ký theo dõi thường xuyên.
Thông qua việc triển khai các đề tài, dự án đã mang lại nhiều mô hình có tính khả thi, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh như: mô hình trồng nấm linh chi từ nguyên liệu ngọn, cành cây keo; mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cây sơn tra bằng phương pháp ghép…
Với nhiệm vụ sản xuất - thử nghiệm, Trạm Nghiên cứu đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất thử nghiệm các sản phẩm nông nghiệp như: nấm, hoa, cà chua, dưa lưới… Các mô hình đã cho thu hoạch sản phẩm có khả năng liên kết phát triển và phục vụ thị trường; đồng thời trở thành nơi để nhân dân trong tỉnh tham quan, học tập các tiến bộ KHCN. Ngoài ra, Trạm Nghiên cứu cũng tiếp tục thực hiện tốt việc bảo tồn các cá thể đầu dòng thông qua việc chăm sóc vườn cây S0, S1 các giống bưởi Đại Minh, quýt sen trong nhà lưới và toàn bộ diện tích trồng cây ăn quả có múi, vườn cây trên đảo hồ Thác Bà đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt.
Có thể thấy, 3 năm qua, các hoạt động của Trạm Nghiên cứu ngày càng khẳng định vai trò cầu nối giữa nhà khoa học và nhà nông. Qua đó, phát huy vai trò KHCN là then chốt, là động lực, phát huy có hiệu quả tiềm năng thế mạnh sẵn có nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguyễn Anh