Nhiệt độ Trái đất có thể tăng hơn 2,4 độ C vào cuối thế kỷ

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/11/2021 | 9:39:34 AM

Với mức gia tăng nhiệt độ trên, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt, sóng nhiệt và bão lớn, sẽ diễn ra trên diện rộng, gây nên tác động tàn phá trên toàn cầu.

Theo nghiên cứu công bố ngày 9/11 của Climate Action Tracker (CAT), tổ chức phân tích về khí hậu uy tín nhất thế giới, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm 2,4 độ C vào cuối thế kỷ này bất chấp các cam kết giảm phát thải của các quốc gia tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, dự báo của CAT, được đưa ra trên cơ sở các mục tiêu ngắn hạn trong thập kỷ tới mà các quốc gia đã cam kết, vượt xa giới hạn 2 độ C đề ra theo Hiệp định Paris và mức an toàn 1,5 độ C mà các cuộc đàm phán tại COP26 đang hướng tới.

Với mức gia tăng nhiệt độ trên, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt, sóng nhiệt và bão lớn, sẽ diễn ra trên diện rộng, gây nên tác động tàn phá trên toàn cầu.

Dự báo trên cũng hoàn toàn trái ngược với những ước tính lạc quan được công bố vào tuần trước rằng mức tăng nhiệt độ Trái đất có thể giữ ở ngưỡng 1,9 độ C hoặc 1,8 độ C, nhờ các cam kết được công bố tại các cuộc đàm phán ở Hội nghị COP26, hiện đã bước sang tuần thứ hai và dự kiến kết thúc vào cuối tuần này.

Tuy nhiên, những ước tính này dựa vào các mục tiêu dài hạn của các quốc gia, gồm Ấn Độ, quốc gia phát thải lớn thứ ba trên thế giới, đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.

Tờ The Guardian dẫn lời ông Bill Hare, Giám đốc điều hành Climate Analytics, một trong những tổ chức đằng sau CAT, cho biết ông lo ngại một số quốc gia đang cố gắng miêu tả mục tiêu 1,5 độ C tại COP26 đang gần trong tầm tay, trong khi thực tế còn rất xa mới đạt được mục tiêu này.

Nghiên cứu của CAT cho thấy dựa vào những cam kết tại COP26, lượng phát thải sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, đồng thời chỉ ra khoảng cách giữa cam kết của các quốc gia về phát thải khí nhà kính và kế hoạch thực hiện trong thực tế.

Theo phân tích của CAT, nếu xem xét các chính sách và biện pháp hiện nay, thay vì chỉ tính đến các mục tiêu đã cam kết, thì Trái đất sẽ nóng lên 2,7 độ C.

Ông Niklas Höhne, một trong các tác giả của nghiên cứu, cho biết những phát hiện mới sẽ là "kiểm chứng thực tế” cho các cuộc đàm phán, và nhấn mạnh các mục tiêu dài hạn là tốt, song việc thực hiện trong ngắn hạn của các quốc gia là chưa đủ.

197 quốc gia tham gia Hiệp định Paris năm 2015 được yêu cầu đưa ra 2 mục tiêu tại Glasgow: mục tiêu dài hạn đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào khoảng giữa thế kỷ; và các kế hoạch quốc gia ngắn hạn, được gọi là đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC), đưa ra cam kết giảm phát thải đến năm 2030.

Các nhà khoa học cho biết phải giảm 45% lượng phát thải khí nhà kính trong thập kỷ này để khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Các quốc gia chịu trách nhiệm đối với khoảng 90% lượng khí thải toàn cầu hiện đã cam kết mục tiêu trung hòa khí thải vào khoảng năm 2050, trong khi thời hạn này là năm 2060 đối với Trung Quốc và 2070 đối với Ấn Độ.

Tuy nhiên, NDC của các quốc gia để hành động trong thập kỷ tới chưa tương thích với mục tiêu dài hạn. Nếu lượng phát thải trong 2 thập kỷ tới đủ cao, nhiệt độ Trái đất có thể sẽ tăng hơn 1,5 độ C ngay cả khi sau đó, các quốc gia đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Ông Hare cho rằng các quốc gia cần thực hiện các biện pháp ngắn hạn để thu hẹp khoảng cách với mục tiêu dài hạn trung hòa khí thải.

Ông cũng lưu ý không có mâu thuẫn giữa các đánh giá khác nhau, được công bố vào tuần trước bởi Đại học Melbourne (Australia) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khi đưa ra kết luận tương tự dựa trên các mục tiêu dài hạn.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác
Thiết kế máy lọc khí của các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge. Ảnh: Đại học Cambridge.

Các nhà khoa học và kỹ sư ở Đại học Cambridge phát triển vật liệu nano lọc khí mới có thể hút và tiêu diệt nhiều loại virus khác nhau, bao gồm họ hàng gần của nCoV.

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đã được phóng vào không gian

Vào lúc 9 giờ 55 sáng 9/11 (giờ địa phương), tên lửa Epsilon số 5 (Epsilon-5) đã được phóng thành công vào không gian từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam và 8 vệ tinh khác của Nhật Bản.

GS.TS Lê Hồng Khiêm sử dụng rêu Barbula indica làm chỉ thị đo ô nhiễm không khí.

Lợi dụng cơ chế hấp thụ dinh dưỡng từ không khí của rêu, GS.TS Lê Hồng Khiêm đã sử dụng rêu để quan trắc chất lượng ô nhiễm không khí.

Phi hành gia Vương Á Bình đã rời khỏi trạm vũ trụ Thiên Cung để thực hiện hoạt động đi bộ ngoài không gian và không gặp bất cứ vấn đề nào khi liên lạc với trung tâm kiểm soát tại Trái Đất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục