Những năm qua, việc ứng dụng KHCN phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh đã góp phần mang lại bước tiến khả quan cho ngành nông nghiệp. Cùng với việc nâng cao kỹ thuật canh tác, ngành KHCN còn tập trung đầu tư cho công tác giống, nhằm tuyển chọn giống mới bổ sung vào tập đoàn giống vật nuôi, cây trồng chủ lực của tỉnh hoặc bản địa có ưu thế lớn về năng suất, chất lượng hoặc giá trị bảo tồn nguồn gen thông qua các nhiệm vụ khoa học như: hồng Fuyu, dưa lưới, bơ, quýt không hạt, các giống tằm tiến bộ...
Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao: sản xuất trong nhà kính, nhà màng, nhà lưới, thủy canh; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm (tưới phun sương hoặc tưới nhỏ giọt tự động và bán tự động)… ngày càng phổ biến trong nhân dân.
Ông Nguyễn Anh Túc - đại diện Hợp tác xã Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp huyện Mù Cang Chải (HTX) cho biết: "HTX đã xây dựng thành công mô hình trồng rau sạch với quy mô 0,7 ha tại xã Khao Mang, trong đó có 0,2 ha nhà lưới nhờ nguồn vốn sự nghiệp khoa học tỉnh. Cùng với quy trình sản xuất sạch, HTX cũng đã đầu tư hệ thống tưới tự động được bố trí theo 2 phần diện tích để áp dụng 2 biện pháp tưới là tưới phun mưa cho các loại cây ăn lá và tưới nhỏ giọt cho các loại cây ăn củ, quả, giúp quản lý điều chỉnh được thời gian tưới, bón phân, giảm công lao động và thời gian chăm sóc. Nhờ đó, sản phẩm tạo ra được khách hàng tin tưởng sử dụng, ký được hợp đồng tiêu thụ với 1 số cơ sở kinh doanh và trường học trên địa bàn huyện”.
Vấn đề về sở hữu trí tuệ phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp cũng luôn được quan tâm. Các đơn vị chuyên môn rất tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tiến hành tạo lập, đăng ký, bảo hộ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm thế mạnh, các đặc sản địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 36 sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ gồm: 8 Chỉ dẫn địa lý, 18 Nhãn hiệu chứng nhận, 10 Nhãn hiệu tập thể.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Sở KHCN đã và đang thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị, chuyển giao công nghệ và xác lập quyền sở hữu công nghiệp, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp (DN) có hoạt động đổi mới công nghệ, thiết bị với 39 doanh nghiệp được hỗ trợ với tổng kinh phí là 5,95 tỷ đồng.
Từ ngày 3/9/2020, Sở cũng đã triển khai Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn năm 2020 - 2025, tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng với mục tiêu mỗi năm có ít nhất 5 DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ các nội dung về: tài chính tín dụng; mặt bằng sản xuất; đổi mới công nghệ; tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; ứng dụng chuyển giao công nghệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đo lường, chất lượng, thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới…
Đây là cơ hội để DN nhỏ và vừa trên địa bàn khởi nghiệp với những hỗ trợ thiết thực, sát thực tế. Việc hỗ trợ DN áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cũng đã đem lại những hiệu quả thiết thực trong việc hợp lý hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm vật tư, nguyên vật liệu, năng lượng, giảm thiểu lãng phí, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Có thể khẳng định, ở bất kỳ công đoạn nào trong quá trình sản xuất, nếu KHCN được phát huy thì ở đó sẽ giảm được nhân công và sức lao động, tăng năng suất, giá trị. Các sản phẩm sau khi ứng dụng KHCN đều được nâng tầm cả về mẫu mã, chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đặc biệt, trong bối cảnh của thương mại điện tử và vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, thì việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến càng cần được chú trọng, nhất là việc cập nhật dây chuyền công nghệ mới, quan tâm đến nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm… Đây là đòn bẩy không thể thiếu để các sản phẩm chinh phục các thị trường khó tính.
Hoài Anh