"Hỗn hợp" không khí mà chúng ta hít thở trên Trái đất được tạo thành từ khoảng 78% nitơ, 21% oxy, 0,9% argon và 0,1% các khí khác. Đó là một lớp khí được giữ lại từ lực hấp dẫn của Trái đất. Các khí này bao quanh và bảo vệ tất cả sự sống hiện có trên Trái đất.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science ngày 26-5.
"Những hợp chất này tồn tại và chúng tôi không biết về chúng. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy hợp chất đã được hình thành và tồn tại 'không ổn định' trong một khoảng thời gian nhất định trên Trái đất", truyền thông dẫn lời nhà hóa học Henrik Grum Kjærgaard tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch.
Hydrotrioxide có tính phản ứng cao, các nhà khoa học đang nghiên cứu liệu chúng có thể hình thành cấu trúc ổn định lâu dài trong khí quyển hay không.
Mối quan tâm không chỉ mang tính học thuật, vì phần lớn cách thức vận hành của bầu khí quyển Trái đất - bao gồm cả ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe con người - phụ thuộc vào cách tương tác của các nguyên tố vi lượng trong khí quyển, theo Hãng tin Sputnik.
Theo nhà hóa học Kristan Møller tại Đại học Copenhagen, hầu hết các hoạt động của con người đều dẫn đến phát thải các chất hóa học vào khí quyển. Vì vậy, việc xác định được các phản ứng hóa học trong khí quyển rất quan trọng. Qua đó, các nhà nghiên cứu có thể dự đoán các tác động loài người sẽ ảnh hưởng như thế nào đến bầu khí quyển trong tương lai.
Các cuộc điều tra của nhóm nghiên cứu đã đưa ra những quan sát trực tiếp đầu tiên về hydrotrioxide. Hợp chất này hình thành trong khí quyển từ một số chất có trong không khí của chúng ta. Nghiên cứu đã quan sát cách thức tổng hợp hợp chất, thời gian tồn tại trong không khí mà chúng ta hít thở, và nó phân hủy như thế nào.
Thông tin tiết lộ một hợp chất hữu cơ phổ biến được gọi là isoprene có thể phản ứng trong khí quyển, để tạo ra khoảng 10 triệu tấn hydrotrioxide hằng năm. Đó chỉ là một nguồn có thể có của hợp chất hydrotrioxide
Các tính toán của nhóm nghiên cứu cho thấy rằng bất kỳ hợp chất nào cũng có thể góp phần hình thành hydrotrioxide trong khí quyển, và hợp chất này vẫn còn nguyên vẹn trong khoảng từ vài phút đến vài giờ. Trong suốt thời kỳ đó, các hydrotrioxide có thể thực hiện vai trò của một chất oxy hóa mạnh trong nhiều phản ứng khác nhau.
Các nhà khoa học mong đợi nghiên cứu tiếp theo sẽ làm sáng tỏ thêm về vai trò của hydrotrioxide trong bầu khí quyển của hành tinh chúng ta.
Nhà nghiên cứu Jing Chen của Đại học Copenhagen cho biết: "Không khí xung quanh chúng ta là một mớ hỗn độn của các phản ứng hóa học phức tạp".
(Theo TTO)