Bơm xoắn ốc - giải pháp cung cấp nước tưới cho miền núi
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/12/2012 | 9:32:23 AM
YBĐT - “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nếu xét theo quan niệm dân gian thì nước tưới trong sản xuất nông nghiệp là yếu tố thiết yếu nhất. Bơm xoắn ốc là một giải pháp cung cấp nước tưới đối với miền núi, nơi có nhiều cánh đồng nhỏ lẻ và thường xuyên khô hạn.
Các đại biểu, nhà khoa học và người dân tham quan bơm xoắn ốc của gia đình ông Trần Thanh Ca.
|
Dòng suối Tho ở xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn) lâu nay là nguồn cung cấp nước tưới cho những bãi màu của thôn Tân Lập. Trước kia, những chiếc cọn tre ngày đêm quay cần mẫn mang nước vào ruộng. Muốn đưa nước lên cao, đường kính làm cọn tre càng phải lớn, do đó, cọn dễ bị gãy đổ và cuốn trôi trong mùa mưa lũ.
Mấy năm gần đây, trên dòng suối này, xuất hiện một loại cọn mới làm bằng sắt, các ống nhựa gắn trên các phao nổi từ các thùng nhựa rỗng đã dần thay thế cọn tre. Những nhà sáng chế ra loại cọn này của Trung tâm Cơ điện nông nghiệp và Ngành nghề nông thôn gọi bằng cái tên bơm xoắn ốc quay bằng sức dòng suối.
Sở dĩ gọi là bơm xoắn ốc vì bơm có một ống nhựa dài được cuộn lại thành các vòng xoắn ốc, ngoài to, trong nhỏ dần. Bơm gồm 2 bánh xe với đường kính 2,5m, trên mỗi bánh xe bắt 1 hoặc 2 cuộn ống xoắn ốc. Dòng nước suối chảy dội vào 12 bàn đạp làm quay bơm. Nước được múc vào các cuộn xoắn ốc, khi quay sẽ dồn ép lại tạo nên áp suất ngày càng lớn, đẩy phụt nước lên cao.
Bơm xoắn ốc quay với tốc độ rất chậm, chỉ từ 3 - 5 vòng/phút nên chỉ cần dòng sông suối có tốc độ 1m/giây là có thể đặt bơm. Độ cao nâng nước phụ thuộc vào số vòng xoắn ốc, vì vậy có thể thay đổi độ cao để nâng nước của bơm phù hợp với yêu cầu từng địa điểm và tối đa đạt 15m.
Việc chế tạo chỉ cần một vài khâu công nghệ đơn giản, một xưởng cơ khí nhỏ hoàn toàn có thể tạo được bơm. Sau khi được đào tạo, cơ sở cơ khí của gia đình anh Nguyễn Mạnh Đức - xã Nghĩa Tâm đã có thể chế tạo được bơm chất lượng tốt, có khả năng thay đổi bản vẽ để có kiểu cỡ bơm phù hợp với từng địa điểm. Giá thành chế tạo một bơm như thế cần 25 triệu đồng, nếu chế tạo hàng loạt sẽ từ 15 - 18 triệu đồng/chiếc.
Là một nông dân, ông Trần Thanh Ca ở thôn 14, xã Nghĩa Tâm hiểu rõ vai trò của nước tưới. Ông đã dùng nhiều biện pháp để đưa nước về đồng ruộng trồng lúa, trồng ngô, nào là dùng cọn tre, nào làm đường ống nước từ trên núi xuống. Cọn tre mỗi mùa lũ đến lại bị trôi mất 2 chiếc, ống nước đầu tư mất 4 triệu đồng nhưng hay bị dập nát do đường quá xa. Từ ngày sử dụng loại “cọn” đặc biệt này, 4 sào lúa của gia đình ông Ca đã cấy được 2 vụ và trồng thêm cả ngô đông.
Ngoài ra, ông còn đào thêm ao thả cá. Ông cho biết: “Đã mấy năm sử dụng loại bơm này mà vẫn thấy tốt. Mùa lũ thì bơm sẽ nổi lên mặt nước hoặc đưa lên bờ. Người dân quê tôi rất phấn khởi!”. Gia đình anh Nguyễn Trọng Hữu ở thôn 9, xã Nghĩa Tâm trước đây phải dùng động cơ nổ 4 mã lực để đưa nước suối lên ao nuôi ba ba.
Vậy là, cứ 2 ngày một lần, anh lại phải bơm nước lên ao, mỗi lần như thế cũng hết 50.000 đồng mà cũng chỉ nuôi được 50 con ba ba và không thay được nước bẩn. Hai năm nay, từ khi sử dụng bơm xoắn ốc, nước bơm được nhiều hơn, anh đã mở rộng quy mô nuôi 400 con, nước ao được thay sạch thường xuyên nên ba ba cũng nhanh lớn hơn. Trước đây, mỗi con chỉ nặng 0,6kg, giờ mỗi con nặng 1kg.
Từ năm 2008 đến nay, với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Trung tâm Cơ điện nông nghiệp và Ngành nghề nông thôn cùng với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Yên Bái xây dựng được 26 mô hình tại xã Nghĩa Tâm, Bình Thuận, Minh An, Cát Thịnh (Văn Chấn). Hiện nay, các bơm hoạt động tốt, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như đào ao thả cá, dẫn nước lên ao để nuôi trồng thủy sản, dẫn nước xuống các đồng ruộng để tưới cây trồng…
Ông Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Giá thành của bơm còn cao trong khi nhiều hộ nông dân còn nghèo. Các nhà sáng chế nên tiếp tục tìm tòi những vật liệu rẻ tiền, kết cấu gọn nhẹ, dễ vận chuyển vào những địa điểm có địa hình khó. Tỉnh cũng cần có cơ chế hỗ trợ người dân được vay vốn ưu đãi, đưa vào các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới để người dân được sử dụng nhiều hơn”.
Với nhiều ưu điểm như thân thiện với môi trường, có khả năng ứng dụng rộng rãi, bơm xoắn ốc đã nhận được Giải thưởng Ngày Sáng tạo Việt Nam 2011. Hy vọng, thời gian tới, trên những dòng suối của Yên Bái sẽ có thêm nhiều chiếc bơm như thế để đem nước đến cho những cánh đồng, góp phần tạo nên những mùa vụ bội thu.
Hồng Khanh
Các tin khác
Apple sẽ ra mắt sản phẩm iPhone 5S vào tháng 6 năm tới. Thế hệ iPhone mới sẽ được bổ sung từ 6-8 màu cho người dùng thỏa mái lựa chọn. Đó là dự báo mới nhất của chuyên gia phân tích Peter Misek tại công ty Jefferies
FPT là một trong số rất ít các đối tác được đào tạo chính thức đầu tiên về Windows 8 tại trụ sở của Microsoft tại Redmond, WA, Mỹ từ ngày 15 đến 20/10/2012.
Ông Charles Bolden cùng đoàn Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) trưa nay tới Trung tâm vệ tinh quốc gia (VNSC) để thăm và chia sẻ kinh nghiệm phát triển khoa học công nghệ vũ trụ
Các nhà khoa học người Israel đã phát triển thành công kỹ thuật nhiệt động (cryoablation), sử dụng nhiệt độ siêu lạnh để tiêu diệt khối u.