Khoảng lặng

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/11/2016 | 7:55:11 AM

Tôi vẫn còn nhớ ngày 20/11 năm ngoái, bố tôi bận việc ở trường, còn mẹ đi họp lớp cũ, chỉ có một mình nên tôi đi ăn bún ở quán nhỏ gần nhà. Chủ quán là một bà lão hiền hậu ngoài 60 tuổi và nhìn khá trí thức. Nhưng hôm nay, quán bà đóng cửa.

Nâng niu từng nét chữ.
(Ảnh: Hồng Duyên)
Nâng niu từng nét chữ. (Ảnh: Hồng Duyên)

Tôi mới lấy làm lạ, hỏi sao hôm nay bà đóng quán sớm thế thì bà bảo: "Hôm nay là 20/11 nên cô nghỉ bán, lên trường cũ dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và gặp các thầy cô cũng đã về hưu, rồi về nhà. Cô chờ các học sinh cũ đến thăm".

Biết vậy, tôi gọi "cô", xưng "em", cô đã về hưu nhưng dù sao vẫn là một nhà giáo. Rồi cô mời tôi vào nhà, đặc cách làm cho tôi bát bún. Nhà cô không lớn lắm nhưng có một tủ to đầy sách. Trên tường, cô treo những tấm bằng khen. Tôi thấy toàn sách văn học hay và tuyển tập những bài thơ nổi tiếng. Cô bảo, ngày xưa, cô dạy Văn, giờ người ta chỉ thăm thầy cô đang dạy, có ai nhớ đến thầy xưa đâu. Tuy nhiên, cô vẫn đợi, biết đâu có đứa quay về nên cô thay bộ đồ thật đẹp, rồi pha trà, bỏ ít bánh kẹo ra đĩa để trên bàn.

Qua bộ đồng phục, cô nhận ra trường tôi học. Cô mới kể anh Nghĩa, chị Hiền ngày xưa cô dạy sau cũng học cùng trường phổ thông với tôi. Chị Hiền tôi cũng quen nên rút liền điện thoại ra gọi. Chị đang ở Hà Nội và thăm các thầy cô hướng dẫn tại trường đại học. Chị nhờ tôi gửi lời hỏi thăm tới cô giáo cũ.

Nói chuyện với tôi mà cô cứ hay nhìn ra cửa. Mỗi khi có tiếng xe máy là cô lại chạy ra nhưng chẳng có ai ngoài mấy vị khách tới hỏi sao hôm nay cô đóng cửa quán vậy. Rồi cô trở vào, cười xòa xin lỗi tôi. Trong nụ cười ấy, tôi thấy thoáng chút buồn. Khi cô cười, những nếp nhăn hiện rõ. Tôi để ý tới bàn tay cô, trên những ngón tay vết chai hiện lên rõ ràng.

Bố tôi - cũng là một nhà giáo, hay khoe với tôi vết chai của bố. Nó sần sần, cứng cứng, không như vết chai trên tay tôi. Bố bảo đó là cái huân chương riêng dành cho những nhà giáo. Bàn tay ấy từng gắn liền với phấn trắng, từng viết lên bao bài học hay, từng chỉ và sửa lỗi sai cho biết bao thế hệ học sinh. Ánh mắt cô vẫn còn vẻ nghiêm nghị, quyết đoán của một người giáo viên.

Tôi thấy quầng thâm dưới mắt cô. Nó làm tôi nhớ tới bài văn tả cô giáo tôi từng viết hồi tiểu học: “Mỗi sáng sớm tinh mơ, khi em cắp sách tới trường, em đã thấy cô giáo em tới lớp và đang soạn giáo án từ bao giờ...". Khi lớn thêm chút nữa, tôi nhận ra rằng, chẳng có thầy cô nào tới lớp sớm để soạn giáo án cả. Bởi vì, buổi tối hôm trước, thầy cô đã chuẩn bị trước bài giảng cho ngày mai rồi. Nhưng chắc chắn, thầy cô thức khuya cũng vì nghĩ cho học sinh của mình. Thầy cô soạn bài thật kỹ càng, dễ hiểu lỡ mấy đứa không hiểu rồi bị rỗng kiến thức. Thầy cô thức khuya cũng thương mấy đứa học sinh ôn thi đại học còn thức khuya hơn…

Tối hôm đó, sau khi cùng bạn bè đi thăm thầy cô giáo về, tôi có ghé qua nhà tặng cô bông hoa nho nhỏ. Cô đã thay bộ đồ chuẩn bị đi ngủ. Lúc ra khỏi cửa, tôi ngoái lại nhìn thì thấy trên bàn có vỏn vẹn lẵng hoa nhỏ của cô tự mua và bông hồng nhỏ của tôi. Dáng cô vẫn đứng đó nghiêng nghiêng trong căn nhà nhỏ. Lọt qua khe cửa đã khép hờ là khoảng sáng của ánh điện đường trong đêm. Trời về khuya, tôi tạm biệt cô giáo với một khoảng lặng trong lòng…

Lê Thu Phương (Lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành)

Các tin khác
Đại diện Nhóm Kết nối trẻ trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Lục Yên và Nhóm kết nối trẻ vừa phối hợp với UBND xã Minh Xuân tổ chức trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa ở thôn Nà Khà.

Trần Tuấn Anh bên góc học tập tại nhà.

"Bẻ lái" sang Tin học năm lớp 10, Tuấn Anh trở thành học sinh duy nhất không thuộc trường chuyên được chọn vào đội tuyển Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Đỗ Thị Thu Thảo ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

15 năm sau khi giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế (IMO), Đỗ Thị Thu Thảo tốt nghiệp tiến sĩ Toán học ở MIT, chuyển từ nghiên cứu sang làm cho công ty tài chính.

Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương) cũng là thí sinh đầu tiên mang cầu truyền hình chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia về với tỉnh Gia Lai.

Giành 250 điểm ở cuộc thi quý 2 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai) đã mang cầu truyền hình trận chung kết năm đầu tiên về với tỉnh Gia Lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục