Bố tôi là lính đảo Trường Sa

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/1/2018 | 6:44:46 AM

YBĐT- Chẳng may mắn như các bạn, luôn có bố ở bên yêu thương và che chở, ngay từ khi mới sinh ra, tôi đã xa bố rồi. Bố tôi là lính đảo Trường Sa. Chỉ nghe cái tên thôi là đã thấy nó dài và xa lắm. 

Những người lính trên đảo Trường Sa ngày đêm bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. (Ảnh: Internet)
Những người lính trên đảo Trường Sa ngày đêm bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. (Ảnh: Internet)

Những năm đầu, bố chưa có dịp nào về phép thăm mẹ con tôi. Bố chỉ nhận được thư và hình của mẹ gửi ra. Lần nào bố cũng hỏi tôi thế nào, có ngoan không, học có giỏi không? Mẹ đọc thư và khóc, mẹ nhớ bố rất nhiều. Cả ông nội và bà nội cũng vậy, mỗi lần nhắc đến ông bà cũng đều khóc. Khi còn nhỏ, tôi không hiểu tại sao nhưng lớn dần lên tôi đã cảm nhận được nỗi mong nhớ và lo lắng của ông bà dành cho bố. Tôi chỉ biết bố qua tấm ảnh cưới và vài tấm hình của bố gửi về cùng với thư.
 
Khi lớn lên, bắt đầu được đến trường đi học, tôi luôn khoe với bạn bè và cô giáo là bố mình là lính đang canh gác ngoài hải đảo. Tôi hào hứng kể cho mọi người rằng đảo to lắm, xa lắm, nơi đó có nhiều sóng gió nhưng bố tôi cũng như các chú luôn kiên cường bảo vệ đảo. Có bạn hỏi đảo ở đâu thì tôi ậm ừ chưa trả lời được bởi đó là nơi tôi mới chỉ tưởng tượng ra qua những câu chuyện của bà và mẹ.
 
Buổi tối, tôi nhờ mẹ chỉ cho mình Trường Sa là ở đâu. Mẹ bày bản đồ ra rồi chỉ những chấm nhỏ ngoài biển khơi màu xanh nước biển. À, thì ra đảo là ở đây. Tôi thắc mắc vì sao người ta không xây cầu ra đảo để mọi người ra vào dễ dàng hơn nhỉ? Mẹ nhìn tôi cười nói:

- Đảo xa xôi, nhiều sóng dữ, đi ra đã khó làm sao mà xây cầu được hả con?

Rồi niềm mong mỏi của tôi và gia đình đã trở thành hiện thực khi bố gọi điện báo tin được về nghỉ phép. Lần này bố về, tôi ngắm nhìn bố thật kỹ cho đỡ nhớ. Nước da bố đen nhẻm có lẽ là do sóng và gió biển, bố nói chuyện và cười rất to chắc là do thói quen bởi nói ở trên đảo, phải nói lớn mới nghe được vì sóng to, nhiều gió. Từ ngày bố về, hầu như ngày nào nhà tôi cũng có khách, có người là bạn học của bố từ hồi trung học, có người là bố mẹ của các chiến sỹ ở cùng đơn vị đến hỏi thăm tình hình con cái họ.

Lần này bố về mua rất nhiều quà cho tôi, cho mẹ và cho ông bà nhưng có một món quà đặc biệt, đó là một cây bàng con. Bố dẫn tôi ra mảnh vườn bên cạnh cửa sổ rồi trồng nó vào hố đất. Vài ngày sau cây đã cứng cáp. Bố còn rào xung quanh một vòng rào tre nhỏ và dặn tôi nhớ tưới nước mỗi buổi chiều. Bố kể ở Trường Sa gió nhiều chỉ có cây bàng vuông là kiên cường sống được, mọi người gọi nó là cây phong ba. Cái tên nghe vừa hay vừa lạ đối với tôi. Tôi thắc mắc hỏi:

- Bố ơi! Sao bố lại chọn trồng cây phong ba ở chỗ này dù vườn nhà mình vẫn còn nhiều chỗ trống vậy ạ?

Bố tươi cười nói với tôi:

- Trồng ở đây, con có thể ngồi học và nhìn thấy cây bàng mỗi ngày một lớn. Và mỗi khi nhìn thấy nó, con sẽ nhớ về bố đang kiên cường cùng những cây phong ba ngoài đảo canh giữ biển trời của Tổ quốc mình.

Nghe bố nói mắt tôi rưng rưng lệ vì xúc động, tôi ôm bố thật chặt và khóc: "Con yêu bố nhiều lắm!”.
Vậy là hai năm rồi đó, cây bàng ngày càng khỏe hơn, cao hơn. Nó là niềm vui của cả gia đình tôi. Tôi nhớ bố, mẹ cũng nhớ bố nên chăm sóc nó rất chu đáo. Một ngày nào đó, bố về phép chắc sẽ ngạc nhiên vì thấy cây bàng cao lớn. Tôi nói với mẹ sẽ chụp hình cả gia đình dưới cây bàng rồi gửi ra cho bố.
 
Thương bố bao nhiêu tôi càng cố gắng học bấy nhiêu. Cây bàng lớn lên cùng tôi theo năm tháng. Dáng cây cao hiên ngang như người chiến sỹ. Cành lá vươn dài như vòng tay rắn rỏi của người lính đảo ôm lấy biển quê hương, bảo vệ biên cương, bảo vệ cuộc sống yên lành cho bao gia đình. Tôi thấy mình như luôn có bố bên cạnh chở che.
 
Mỗi chiều nghe lá bàng rì rào bên khung cửa, tôi liên tưởng tiếng thì thầm của bố nhắc nhở tôi hãy gắng học nên người, hãy thành người có ích cho xã hội. Vì ngoài kia, nơi xa xôi ấy đã có bố, có các chú – những người lính Trường Sa – luôn chắc tay súng giữ bình yên cho đất nước và cho cả những ước mơ đẹp của tôi và bao bạn nhỏ khác thành hiện thực.

Khánh Dung

Các tin khác
Đại diện Nhóm Kết nối trẻ trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Lục Yên và Nhóm kết nối trẻ vừa phối hợp với UBND xã Minh Xuân tổ chức trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa ở thôn Nà Khà.

Trần Tuấn Anh bên góc học tập tại nhà.

"Bẻ lái" sang Tin học năm lớp 10, Tuấn Anh trở thành học sinh duy nhất không thuộc trường chuyên được chọn vào đội tuyển Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Đỗ Thị Thu Thảo ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

15 năm sau khi giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế (IMO), Đỗ Thị Thu Thảo tốt nghiệp tiến sĩ Toán học ở MIT, chuyển từ nghiên cứu sang làm cho công ty tài chính.

Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương) cũng là thí sinh đầu tiên mang cầu truyền hình chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia về với tỉnh Gia Lai.

Giành 250 điểm ở cuộc thi quý 2 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai) đã mang cầu truyền hình trận chung kết năm đầu tiên về với tỉnh Gia Lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục